Việt-cộng-Theo-Tàu-cộng

Việt-cộng-Theo-Tàu-cộng-@blogger.com




Image result for Nhân ngày Quốc Khánh Trung Cộng, lần đầu tiên Bắc Cali biểu tình phối hợp với các cộng đồng bạn, chống Trung cộng đầy khí thế!



===============

>


lisa pham mới nhất 




Friday 25 October 2019

OAN TRÁI


OAN TRÁI
Kịch 4 cảnh - Hoàng Xuân Thảo
(Viết và dàn dựng phỏng theo truyện “Oan Trái” của Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích,
              Giải Đặc Biệt II Năm Ất Mùi 2015 của Phong Trào Hiến Chương 20 )


CẢNH I
Thời Gian: Cuối 1954, đang thời kỳ tập kết của bộ đội và cán bộ Việt Cộng
Không gian: Quảng Ngãi, lúc đó còn thuộc vùng Việt Minh kiểm soát.
Nhân Vật: Bùi Hữu Dinh, cán bộ tỉnh ủy – Phan văn Anh, cán bộ huyện uỷ – bà Đỗ Thị Thân, vợ Dinh – Đỗ Thị Tình, em bà Thân, cảm tình viên, cán bộ phụ nữ , có mái tóc dài óng ả, mượt mà.
Cảnh Trí: tư gia Dinh và Thân tại Quảng Ngãi.

                                                MÀN MỞ
Hai cán bộ Dinh và Anh đang thảo luận về chính sách Tập Kết.
-          Dinh – hất hàm: Trong những cuộc mít tinh tại huyện của đồng chí, đồng bào hẳn có nhiều thắc mắc về vấn đề Tập kết nhưng thắc mắc chính là gì và đồng chí giải quyết ra sao?
-          Anh: Thắc mắc mà đồng bào hỏi nhiều nhất là họ được tin anh Ba Duẩn,  người lãnh đạo cuộc kháng chiến miền Nam cũng tập kết ra Bắc trên tàu Ba Lan Kilinski thì ai là người thay thế để lãnh đạo Đảng và quân dân miền Nam sau này? Thứ hai là những người tập kết có phải đem gia đình đi theo ra Bắc không? Thứ ba, súng ống, đạn dược và các võ khí có phải đem theo hết không? Cuối cùng theo hiệp định Genève thì hai năm sau sẽ tổ chức bàu cử để thống nhất đất nước, vậy trong thời gian đó, các đảng viên và đồng bào trong các vùng mà địch sẽ tới tiếp thu phải xử sự làm sao?
-          Dinh – mỉm cười: Trên nguyên tắc thì là thế, nhưng chúng ta phải linh động mà thi hành chứ. Theo hiệp định Genève thì tất cả những quân nhân và cán bộ Việt Minh phải tập kết để ra Bắc cùng gia đình, nhưng chúng ta trên thực tế chỉ tập kết ra Bắc một phần nào thôi, còn những người ở lại sẽ sống  dưới lớp vỏ một người thường dân và tạm thời rút vào bí mật, gia đình của họ cũng vậy, sẽ chia ra, một phần ra Bắc để được đào tạo thành cán bộ trung kiên và tài đức, chuẩn bị khi cần thì kín đáo trở lại miền Nam hoạt động, một phần ở lại nằm vùng để củng cố cơ sở cách mạng và sẵn sàng nổi dạy, tiếp tay tích cực cho các cán bộ từ Bắc vô sau này vì họ đã có sẵn mối liên hệ tình cảm và gia đình. Võ khí cũng thế, ta chỉ đem theo những võ khí gần như phế thải để che mắt Uỷ Hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến, còn những võ khí tốt thì sẽ chôn dấu để khi thời cơ thuận lợi thì đã có sẵn để sử dụng. Tóm lại là chúng ta sẽ cài lại một số cán bộ cùng với gia đình của họ để nằm vùng, hoạt động một cách kín đáo để quấy rối hậu phương của địch, đôi khi cũng ra công khai dưới những phong trào đội lốt như Phong trào Hoà bình hay Đòi quyền sống, quyền Tự Do và Tín Ngưỡng nọ kia, hoặc trà trộn vào ban lãnh đạo các tổng hội sinh viên, học sinh, các lực lượng lao động vân vân và vân vân...
-          Anh – gật gù: Đồng chí giải thích thật rõ ràng, tôi xuống huyện cũng sẽ cứ thế mà nói với các chi bộ đảng và quần chúng.
-          Dinh : Đồng chí ráng làm cho tốt. Nhưng còn chuyện này – ghé tai, nói nhỏ: thì phải tuyệt mật, tôi chỉ cho đồng chí biết thôi chứ không được phổ biến. Anh Ba Duẩn cũng chỉ giả đò tập kết thôi, còn thật sự anh đã tìm cách trốn ở lại một cách thật kín đáo để che mắt bọn địch và Uỷ Hội Quốc tế Kiểm sóat Đình chiến.
-          Anh: Nhưng nghe nói bà bảy Vân tức bà vợ hai cùng con cũng đi trên tàu Ba Lan mà?
-          Dinh cười khà khà : Có như thế họ mới tin là anh Ba đi thiệt chứ – giơ ngón tay cái, cười ha hả. Châm thuốc hút, thở lim dim rồi hỏi: Còn cái chuyện xây dựng cơ sở tình cảm thì thế nào?
-          Anh: Tôi có thúc dục đồng chí Tình bên phụ nữ đi tuyên truyền vận động để thanh niên nam nữ tự do luyến ái với các cán bộ tập kết, tối nào cũng tổ chức nhảy hoà bình sol do sol để họ có dịp gần gũi thân mật, kết quả là các vụ cưới hỏi cấp tốc đã gia tăng vùn vụt không ngờ.
-          Dinh – cười một cách đểu giả: Như vậy là ta đã theo đúng chủ trương của Bác là gieo các mầm non đỏ để sau này có vô số các cháu ngoan Bác Hồ. Nhưng còn chú với cô Tình thì sao? Chẳng lẽ “ Việc nhà thì nhác, việc bà con cô bác thì siêng” mãi sao?
-          Anh – cười theo: Cũng đang tiến tới đấy ạ, nhất là được chị Thân ủng hộ hết mình nên tương đối cũng không mấy khó khăn. Em xin cám ơn anh chị.
-          Dinh - khoát tay: Cám ơn gì đâu? Nhiệm vụ cả mà thôi. Mình là cán bộ thì phải làm gương cho quần chúng chứ. Tôi cũng vậy, không chỉ nhà tôi phải ở lại mà ngay hai đưá con cũng phải chia ra, thằng út Thà thì theo tôi ra Bắc để đào tạo thành cán bộ cốt cán sau này, thằng lớn tên Thiệt thì ở lại giúp mẹ và lớn lên nữa thì làm cán bộ nằm vùng. Mới đầu thằng Thà cứ dãy nảy lên, đòi ở lại với mẹ, sau tôi phải dỗ dành ra ngoài nớ con được làm cháu ngoan Bác Hồ, đeo khăn quàng đỏ thì nó mới chịu đấy. Mấy hôm nay nó học hát bài “ Ai yêu bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng” suốt ngày để ra ngoài nớ hát cho Bác nghe đấy.
-          Anh – cười: Em cũng nghe nói Bác yêu các em lắm, nhất là các em gái, có dịp gặp là Bác ôm hôn thắm thiết lắm.
-          Dinh – cười: Thì Bác vẫn được ca tụng là người của quần chúng và là bác của các cháu ngoan mà.
Vừa lúc đó hai chị em Thân và Tình bước vô, vai khoác một túi vải đầy đồ.
-          Thân – Hai chị em tôi đi kiếm mấy thứ cần dùng hàng ngày cho hai anh em đây, nhất là thuốc sốt rét và thuốc kiết lỵ, nghe nói nhiều người ra đó không quen phong thổ bị chúng hoành hành dữ lắm đấy.
-          Tình – Còn em phải đi lùng cả buổi mới kiếm được hai bịch thuốc lá cho hai người đây. Lôi ra hai bịch thuốc đặt trên bàn.
-          Dinh: Thế này thì cô em là số một rồi còn gì. Nhưng thật ra ngoài nớ từ khi phá vỡ đường biên giới số 4 thì viện trợ của hai nước anh em Nga xô và Trung quốc rất là tận tình, tận lực, chắc cũng chả thiếu thứ gì.
-          Thân – tặc lưỡi: Họ có viện trợ thì chủ yếu là võ khí chứ. Thì cứ cầm đi cho chắc ăn.
-          Tình: Đúng vậy. Nghe nói cố vấn bạn có quyền hạn hơn cả cấp chỉ huy của mình nữa đấy. Hai anh phải cẩn thận. Trận Điện Biên vừa qua là do cố vấn bạn đích thân chỉ huy mới thắng đấy. Nếu hai anh định xung vào quân đội thì nên nhập gia tùy tục.
-          Dinh – gạt đi: Thôi! Bỏ qua cái chuyện đó đi mà tính chuyện trước mắt đây này. Chuyện cô với chú Anh phải tính gấp đi chứ. Sắp tới ngày phải đi rồi. Nghe nói tàu Kilinski cuả nước bạn Ba Lan tuần tới đến Qui Nhơn rồi đó. Quay nhìn Thân: Thân! Em tính gấp lên cho hai người đi thôi, để họ ít ra cũng có một chút thời giơ ân ái, trăng mật với nhau chứ. Ha...ha...Tình xấu hổ, hai tay úp mặt bỏ chạy vào trong.
-          Thân – xòe hai tay: Có gì đâu mà phải tính. Mai mình ra uỷ ban hành chánh huyện, anh đại diện nhà trai, em đại diện nhà gái, ký cái toạch là xong, rồi cho hai đứa mượn cái trụ sở hội phụ nữ làm tổ uyên ương trước khi anh và chú Anh lên tàu ra Bắc.
-          Dinh: Em giỏi tính qúa. Thôi chú Anh về sửa soạn, sáng mai ra Uỷ ban Hành chánh ký giấy tờ hôn thú. Tôi ký giấy cho chú và cô Tình nghỉ bồi dưỡng một tuần. Hú hí cho kỹ chứ còn lâu mới tái hồi Kim Trọng đấy. Nếu mà tạo được ra mầm non, làm chắt Bác Hồ thì càng tốt.
-          Thân – lườm chồng: Cái ông này! Lúc nào cũng lộ cái máu 35 ra.
-          Dinh – đùa cợt: Còn hơn là “ Ban ngày quan lớn như thần/ Ban đêm quan cũng tần mần như ma.” Ha...ha...
-          Anh – đứng dạy: Cám ơn anh chị đã tác thành cho chúng em. Em về sửa soạn đây. Nói xong toan đi ra.
-          Thân – gọi giật Anh lại: Chú Anh! Chút nữa thì quên khuấy mất. Vừa nói vừa lấy trong gói ra một cái khăn: Đây là cái khăn mù xoa chú nhờ tôi mua hộ.
-          Anh – cầm khăn lên ngắm nghía: Cái khăn đẹp quá, lại còn thêu hình đôi chim nữa. Ha...ha...Như chim liền cánh, như cây liền cành. Hay quá...hay qúa...Chắc Tình sẽ hài lòng lắm. Cám ơn chị nhiều. Đi ra.
-          Thân – nhìn Dinh trìu mến: Thế còn chuyện chúng mình thì sao? Biết bao giờ mới gặp lại nhau đây? Có chắc là hai năm không?
-          Dinh – Thì hiệp ước nói vậy. Hai năm nữa sẽ bàu cử và thống nhất đất nước. Nhưng em cứ chuẩn bị tinh thần đi. Bọn Mỹ Nguỵ chúng đều không chịu ký vào hiệp ước nên chưa biết chắc lúc đó tình thế sẽ biến chuyển ra sao. Anh chỉ đoan chắc với em là dù hoàn cảnh nào đi nữa anh vẫn sẽ giữ nguyên lòng chung thủy. Đứng dạy ôm Thân: Anh cũng sẽ xin nghỉ bồi dưỡng một tuần để hai đứa mình bù khú cho thoả thích trước khi chia tay. Cứ tin anh đi. Anh suốt đời chỉ biết có mình em, em là người yêu và cũng là người vợ duy nhất của đời anh.Vừa nói vừa hôn hít.
-          Em cũng muốn tin anh lắm nhưng nghe nói nhiều trai Nam ra ngoài nớ cũng chết mê chết mệt vì con gái Bắc đấy, nhất là ngoài đó đang có nạn trai thiếu gái thừa bởi thanh niên bị động viên hầu hết và chết trận qúa nhiều. Ra ngoài nớ đừng có ham nhảy Hoà Bình qúa mà Hoà Bình đâu chả thấy, trái lại chỉ thấy tình trường và tình hận mà thôi. Vừa nói vừa lấy ngón tay dí vào trán Dinh, giọng trở nên đay nghiến. Nói cho mà biết nè. Hễ mà lộn xộn thì em gi...ết, em gi...ết!
-          Dinh giơ tay: Anh thề nè...
-          Thân – vội bịt miệng Dinh: Em tin anh là đủ rồi, đừng có thề, độc lắm, lỡ ra... Còn em hứa sẽ nuôi thằng Thiệt nên người tử tế. Phần anh cũng cần săn sóc thằng Thà, nó còn qúa nhỏ mà đã bị xa mẹ, xa anh, tội nghiệp quá.
-          Dinh: Ồ! Chuyện đó thì em khỏi phải lo, đã có Đảng lo chu đáo mọi mặt. Mà đâu chỉ mình thằng Thà, nghe báo cáo có tới mấy ngàn học sinh được Đảng đem ra ngoài Bắc chăm sóc lận. Đảng sẽ huấn luyện chúng nó thành những cháu ngoan của Bác Hồ...
-          Thân – cướp lời: Em chẳng muốn nó giống Bác ở cái khoản ấy...ấy đâu. Nghe nói Bác cũng vung vít lắm thì phải...
-          Dinh – vội bịt miệng Thân: Suỵt...Tai vách mạch rừng em không biết sao? Mà thôi, xếp những chuyện đó lại. Anh muốn... anh muốn mình vui vầy nhiều nhiều một chút trước khi chia tay. Chịu không nè?
Dinh vừa nói vừa kéo Thân vào buồng và nói: Em dễ thương qúa mà....Anh yêu em nhất trên đời...hát nghêu ngao: Đêm nay mới thật là đêm. Ai đem trăng sáng dãi lên vườn chè...
-          Thân – lả lơi, phát vào mông chồng: Cái anh này...dê giống Bác quá thôi...

                                                    MÀN HẠ

---------------------------------------------------------------------------------------------------


OAN TRÁI
Kịch 4 cảnh - Hoàng Xuân Thảo
(Viết và dàn dựng phỏng theo truyện “Oan Trái” của Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích,
              Giải Đặc Biệt II Năm Ất Mùi 2015 của Phong Trào Hiến Chương 20 )

CẢNH II

Thời gian: 30.4.1975
Nhân vật: Một ni cô – Thiệt – Một nhóm nam nữ trở cờ mệnh danh là cán bộ 30.4 – Một toán cán binh Việt Cộng – Sư bà trụ trì – Chỉ huy trưởng Trung đoàn Pháo binh Phan Văn Anh.
Cảnh trí: Một ngôi chùa tại Gia Định

                                                MÀN MỞ

Một ni cô đang quét sân chuà, lâu lâu lại dừng lại nghe tiếng súng nổ mỗi ngày một gần.
-          Ni cô – ngồi nghỉ trên một cái đôn sứ, vẻ lo lắng, lẩm bẩm: Tiếng súng nghe gần quá. Không biết tình hình ra sao. Mà mấy hôm nay sao chùa đông người tới lui qúa. Sư bà lại không tỏ vẻ lo lắng gì, còn bảo “ Mình chẳng sao đâu.”
 Vưà lúc đó thì Thiệt chạy ùa vào, mặc thường phục, mặt mũi phờ phạc.
-          Ni cô – đứng bật dậy, ngạc nhiên: Uả !Trung úy Thiệt! Tình hình ra sao hả trung úy. Nghe nói họ tràn vô Sài Gòn, Gia Định rồi phải không? Tôi mới ra phố thấy mọi người chạy tới lui lộn xộn, ai nấy có vẻ lo lắng hết sức. Chắc là phen này...
-          Thiệt – cướp lời: Hỏng hết, hỏng hết rồi. Tướng Đảo chỉ chặn lại bọn chúng tại Long Khánh được vài ngày thôi thì hết cả bom đạn đành phải rút lui. Giờ Sài Gòn và Gia Định bị vây kín rồi. Phi trường Biên Hoà cũng hết sử dụng được rồi. Chỉ Huy trưởng căn cứ tuyên bố tình hình tuyệt vọng rồi, mạnh ai nấy tìm đường thoát thân thôi. Tôi chẳng biết đi đâu cả, tạn ghé qua chùa thăm sư bà rồi tính sau. Sư bà ở trỏng chứ? Phiền ni cô vào nói có tôi tới. Chợt nhìn thấy cái radio trên đôn sứ. À mà thôi! Nghe xem tin tức thế nào đã. Tới vặn radio, chăm chú nghe trong khi ni cô tiếp tục quét sân. Số người ra vào chuà ngày mỗi đông thêm, khuân từ trong chùa ra những truyền đơn, chia ra mỗi người ôm một đống lớn, rơi vãi lung tung cả. Có người còn lấy băng vải đỏ quàng quanh cánh tay áo nữa.Từ radio phát ra tiếng Tướng Minh:
            Tôi, Dương Văn Minh, tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi quân lực Việt Nam Cộng Hoà hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện quân Giải Phóng Miền Nam Việt Nam.Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương tới địa phương phải gỉai tán hoàn toàn và trao lại cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam.”
Sau đó radio phát thanh tiếng Thủ tướng Vũ Văn Mẫu:
            Trong tinh thần hoà hợp và hòa giải dân tộc, tôi thủ tướng kêu gọi tất cả các tầng lớp đồng bào vui vẻ chào mừng ngày Hoà bình của dân tộc và trở lại sinh hoạt bình thường. Các nhân viên của các cơ quan hành chánh hãy quay về vị trí cũ theo sự hướng dẫn của chính quyền cách mạng.”
-          Thiệt - chửi thề: Đù mẹ chúng! Tưởng ra làm vương tướng gì, hóa ra để đầu hàng. Đầu hàng? Nhục ơi là nhục! Tao mà thấy mặt bọn bay thì tao cho mỗi đứa một viên kẹo đồng. Tắt radio. Đéo thèm nghe cái bọn phản dân, phản nước khốn nạn này.
Ngay lúc đó một bọn đeo băng đỏ cánh tay uà vào. Một thanh niên chỉ mặt Thiệt : Anh còn đứng đó hả. Ra mà chào đón quân giải phóng chứ. Á à, tôi nhớ mặt anh rồi, trung úy giặc lái vẫn thường đi uống cà phê Pagode. Liệu mà ăn năn về những tội ác với nhân dân.
-          Thiệt  -chỉ mặt lại: Uả! anh theo cách mạng hồi nào vậy. Mới hôm nào tôi còn thấy anh đứng giữ xe ở đường Nguyễn Huệ, trước hiệu sách Khai Trí mà. Anh còn kỳ lèo xin tôi thêm tiền boa nữa mỗi lần gửi xe nữa, tôi nhớ mà.
-          Thanh niên: Thì ở với chế độ Mỹ Ngụy tôi mới khổ cực như thế chứ, còn bây giờ, ha ha...công nông là thành phần lãnh đạo anh biết không? Còn anh, anh sẽ phải trả nợ máu, liệu mà hối cải đi may ra còn được hưởng khoa hồng...
-          Thiệt – cười gằn: Tôi đéo thèm hưởng khoan hồng của các anh. Mà anh cũng đừng tưởng bở. Anh là loại người ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản, bây giờ trở mặt làm cán bộ 30, bọn chúng chỉ lợi dụng các anh lúc này thôi, rồi chúng sẽ loại bỏ các anh không thương tiếc. Trí thức chúng còn coi như cục phân nữa là những loại người phản thùng như các anh, chúng chỉ lợi dụng lúc đầu rồi cũng quẳng các anh vào sọt rác. Rồi anh xem...
-          Thanh niên – nhìn thấy cái radio: Ồ! Anh phải mở đài ra mà nghe chứ. Chạy lại văn đài, lúc đó đang hát bài Nối Vòng Tay Lớn của Trịnh Công Sơn.
-          Thanh Niên – kéo tay đồng bọn và Thiệt: Chúng ta mau ra nối vòng tay lớn với các anh giải phóng. Đi, đi mau không có lỡ cơ hội ngàn năm một thuở này. Cả bọn nắm tay nhau chạy ra còn Thiệt giật tay ra, đứng lại.
-          Thiệt – tức giận: Lại cái thằng phản chiến khốn nạn này nưã. Vòng tay lớn với chả vòng tay bé. Tổ sư nó.
-          Thiệt- tắt radio rồi đi ra và bảo ni cô: Tôi về thôi. Hôm khác tôi sẽ lại thăm sư bà.
-          Ni cô- Trung úy về thôi, ở lại đây nguy hiểm lắm. Nói xong đi nhặt các truyền đơn rơi vung vãi khắp sân, thỉnh thoảng lại lấy tay áo lau nước mắt.
Vừa lúc đó khoảng năm sáu cán binh Việt cộng mang cờ Mặt trận Giải phóng chạy uà vào, vưà chạy vừa phất cờ quanh sân và hô “ Mặt trận Giải phóng Miền Nam muôn năm!” “Hồ Chí Minh muôn năm!”
Cảnh tượng đang ồn ào náo nhiệt thì Phan Văn Anh bước vào, đeo lon Trung tá. Mấy cán binh đứng nghiêm chào.
-          Trung tá Anh – tới gần ni cô:Tôi muốn gặp sư trụ trì.
-          Ni cô: Sư bà mấy bữa nay không được khoẻ trong người, đang nghỉ ngơi. Bần ni không dám kinh động tới người.
-          Trung tá Anh – to tiếng:  Nói với sư bà có Trung tá thủ trưởng trung đoàn pháo Giải phóng cần gặp gấp, việc binh như việc lửa không thể trì hoãn vì bất cứ lý do nào.
-          Ni cô: Nếu qủa là vậy, để tôi vào trình sư bà.
-          Trung tá Anh – vẻ nóng nẩy: Ni cô mời sư bà ra ngay. Tôi còn bận nhiều việc khẩn cấp lắm. Ni cô đi vào, trong khi Trung tá Anh vừa châm thuốc hút vừa dậm chân đi lại.
-          Một cán binh – bước lên: Thủ trưởng đối với bọn nhà chuà này phải mạnh tay với được. Bọn họ giờ này còn chưa giác ngộ, hãy còn giữ tác phong tiểu tư sản, phong kiến đế quốc. Lê-Nin nói Tôn giáo chỉ là thuốc độc, phải bài trừ tận gốc rễ.
-          Đồng bọn: Đúng vậy. Tịch thu cả cái chuà này luôn và đuổi hết sư sãi đi. Sao mà lâu qúa vậy? Để tôi vào tóm cổ tụi chúng ra.
Vưà lúc đó Sư bà bước ra có hai ni cô đỡ hai bên dìu đi.
-          Ni sư Thích Tâm Ngọc – đứng lại, cúi đầu, chắp tay: Mô Phật, chúng tôi có tội gì mà các ông lại tính đuổi hết chúng tôi đi thế. Các ông nói về giải phóng là như vậy sao? Các ông đem súng đặt làm nát hết hoa cỏ của nhà chùa cũng là giải phóng luôn thể cho chúng hay sao đây?
-          Đồng bọn: Tất cả tay sai của Mỹ Ngụy kể cả sư sãi đều có tội với nhân dân hết nên cỏ Ngụy, hoa Ngụy cũng phải nhổ hết...
-          Trung tá Anh – khoát tay: Im thôi! Bước lên một bước, chăm chú nhìn mặt sư bà: Trung đoàn pháo chúng tôi về giải phóng Sài Gòn cần một chỗ để làm trung tâm chỉ huy.Tôi là Trung tá chỉ huy trưởng, thấy chuà này rộng rãi, đủ tiện nghi nên muốn đóng bộ chỉ huy tạm thời tại đây.
-          Sư bà- vẫn cúi đầu, chắp tay :Mô Phật. Nếu thế thiện nam tín nữ lấy chỗ nào mà thờ Phật, và dựa vào Phật pháp để tu nhân tích đức.
-          Đồng bọn – la lối: Thì tìm chuà khác mà tu. Chùa này là của nhân dân, nay phải trả lại cho nhân dân. Mọi người đừng có giả tu giả tiếc để mà ăn bám mãi nhân dân.
-          Ni sư – chắp tay, cúi đầu: Mô Phật!
-          Trung tá Anh – bước gần hơn tới sư bà: À mà sư bà là người từ đâu tới đây? Và đã trụ trì chùa này bao lâu rồi?
-          Ni sư: Từ đâu thì cũng là nước mình cả. Đã đem thân nương cửa Phật thì đâu còn đếm thời gian làm chi nhất là được các phật tử mến mộ, lui tới thường xuyên làm công qủa nên tối ngày bận rộn quên hết cả ngày giờ.
-          Trung tá Anh – ngập ngừng: Để tiện việc giao tiếp từ nay, xin sư bà cho biết tên họ được không?
-          Ni sư – cúi mặt đáp : Bần ni có pháp danh là Thích Tâm Ngọc. Còn Trung tá...Nói xong ngẩng đầu lên nhìn chăm chăm trung tá Anh có vẻ ngỡ ngàng kêu lên: Anh! Anh! À xin lỗi Trung tá rồi ngất xỉu trong tay hai ni cô và được dìu vào trong còn trung tá Anh, vỗ tay lên trán suy nghĩ, vừa lắc đầu vừa nói: Chẳng lẽ...chẳng lẽ lại là...
-          Đồng bọn – cười rộ: Ha ha...Sư bà cảm Thủ trưởng rồi đấy. Cả bọn cười hô hố vỗ tay trong khi      
           
                                                             MÀN HẠ
OAN TRÁI
Kịch 4 cảnh cuả Hoàng Xuân Thảo


CẢNH III 

Thời gian: Khoảng đầu năm 1976
Nhân vật: bà Thân - bà Giáo, hàng xóm, trước tháng 4.1975 làm tại Ty Thông tin tỉnh, có chồng trước là thày học của Thiệt và có con là sĩ quan cùng đơn vị không quân với Thiệt – Y sĩ Thà, con bà Thân – Vợ Thà
Cảnh trí: Vẫn là căn nhà cũ của bà Thân tại Quảng Ngãi, có kê một bàn thờ để ảnh Dinh bên dưới ảnh Hồ Chí Minh và bên cạnh một Giấy Chứng Nhận Liệt sĩ tên Dinh, lồng kính.

                                                   
                                                            MÀN MỞ

Bà Thân đang lau chùi bàn thờ, đang đứng ngắm hình Dinh thì bà Giáo bước vào
-          Bà Giáo – niềm nở: Chào chị. Ngày nào sang cũng thấy chị ngắm ảnh anh,  thẫn thờ cả người. Chắc anh chị ngày xưa tình nghiã thắm thiết lắm.
-          Thân – thở dài: Ối chà! Tình với nghiã gì đâu. Ông ấy ra Bắc ba năm đã lập tổ ấm với vợ khác rồi.
-          Bà Giáo: Thế họ có con với nhau chứ?
-          Thân – giơ ba ngón tay: Tất nhiên rồi. Ba mống.
-          Bà Giáo: Ông ấy mất hồi nào vậy?
-          Thân – chỉ tay lên tấm hình lộng kính trên bàn thờ: Nghe nói sau khi ra Bắc thì cả ông ấy với thằng Anh đều xung vào pháo binh và ông ấy tử thương trong trận Mỹ ném bom cầu Hàm Rồng.
-          Bà Giáo – lè lưỡi: Nghe nói các cán binh pháo bị trói vào các cỗ súng cao xạ để bắt buộc chiến đấu tới chết chứ không có cách gì chạy trốn được. Dã man quá sức tưởng tượng, coi mạng người như rơm rác.
-          Thân – lảng sang chuyện khác: À mà nghe nói chị mới đi thăm con tại trại Cải tạo về hả?
-          Bà Giáo – thở dài: Thì cũng mang cho nó mấy thứ cần dùng như muối, đường, cá khô, muối mè và it đồ dùng lặt vặt. Trông nó thật là tội nghiệp, mới có mấy tháng mà người sút hẳn đi, mặt bủng da chì. Cứ đà này kéo dài thì khó mà sống nổi. Nhưng nó bảo đói khổ còn chịu được, chứ cái tinh thần bị dày vò, hành hạ, thêm nỗi nhớ nhà thương nước mới làm nó mau kiệt quệ...
-          Thân – tỏ vẻ sốt ruột: Thế nó có nói gì về thằng Thiệt nhà tôi không?
-          Bà Giáo: Hai đứa may qúa lại được xếp vào một tổ, nên nhờ có bạn thân thiết tâm sự với nhau cũng đỡ xuống tinh thần. Nó bảo cháu Thiệt rất can cường, nhiều khi cãi lý với cán bộ và quản giáo nên có khi bị biệt giam cả mấy ngày, thằng con tôi nó có khuyên là cần phải giữ gìn sức khoẻ để may ra còn có ngày về với gia đình chứ?
-          Thân – lấy tay áo chùi nước mắt: Tính nó vẫn vậy. Hồi bị động viên tôi bảo để mẹ chạy cho con một chỗ an lành, nó không chịu. Nó tình nguyện vào không quân, rồi khi đóng tại Biên Hoà, nó đòi rước tôi vào ở với vợ chồng nó nhưng tôi còn luyến tiếc cái tỉnh này vì còn làm ăn buôn bán được, thành ra cứ nấn ná cho tới ngày mất nước...à quên tới ngày giải phóng định vô Nam thì nó lại bị đi tù...à quên đi tập trung cải tạo...
-          Bà Giáo – biũ môi: Cải tạo gì đâu? Đi tù khổ sai thì đúng hơn. Nghe nó than phải làm vịệc quần quật từ sáng tới tối mà chỉ được ăn một chút cơm hẩm mốc meo với mấy cuộng rau dại vàng héo và một miếng mỡ heo lớn bằng đầu ngón tay. Tối thì lại bày ra họp hành để tố cáo tội lỗi lẫn nhau thật là như ở dưới chín tầng địa ngục.
-          Thân: Chị có nhìn thấy thằng Thiệt nhà tôi không?
-          Bà Giáo: À...Tôi có xin quản giáo cho gặp nhưng quản giáo nói, ” Thằng này phản động lắm, tư tưởng còn sặc mùi đế quốc và tay sai cho nên cấm tiếp xúc với người nhà.” Nhưng cháu Thiệt có đưa lén một bức thư cho thằng con tôi để gửi cho chị đây nè. Vừa nói vưà móc túi lấy ra một phong thư nhỏ và đưa cho Thân. Hai mẹ con ngồi nói chuyện mà có hai bảo vệ ôm súng lăm lăm ngồi kè hai bên nên cũng chẳng dám nói gì nhiều. Mà phải dúi cho chúng hai bao thuốc đấy nên chúng mới không khám xét kỹ và mới để lọt được thư của cháu Thiệt gửi cho chị đấy.
-          Thân – vẫn tiếp tục chùi nước mắt: Cám ơn chị nhiều lắm...
-          Bà Giáo: À mà sao chị không nhờ cái ông bác sĩ Việt cộng gì...gì đó
-          Thân: nó tên Thà
-          Bà Giáo: Ừ. Bác sĩ Thà. Sao chị không bảo BS Thà can thiệp với cấp liên hệ để xin cho anh nó được ra tù.
-          Thân – gật gù: Chắc phải vậy thôi. Hôm nay, hai vợ chồng chúng sẽ đến thăm tôi, để tôi thử nói xem sao. May ra nó nghĩ đến tình anh em và thương tôi mà lo cho anh nó chăng? Nhưng mà chị biết đấy, dân gian có câu “ Người Nam nhận Họ, người Bắc nhận Hàng” mà riêng tôi cũng cảm thấy là đúng quá thôi. - Thở dài sườn sựợt - À, thế chị có tin gì về ông Giáo nhà chưa?
-          Bà Giáo – thở dài: Nhà tôi bị chúng quy cái tội là dạy học để tuyên truyền và quảng bá tư tưởng thực dân, đế quốc, đầu độc cả một thế hệ lại còn viết văn đồi trụy, ru ngủ thanh thiếu niên lơ là với việc vùng dạy chống ngụy quyền, chẳng khác một tên biệt kích văn nghệ nên bị đưa ra tít ngoài Bắc tới nay cũng chưa có tin tức gì. Bọn chúng nói dối còn hơn cả Cuội vì đã đánh lừa được mọi người là chỉ đi học tập một tháng rồi cho về, ngờ đâu... Đúng như lời – ghé tai nói nhỏ – ông Thiệu nói, “Đừng nghe cái gì Cộng sản nói, hãy xem kỹ cái gì Cộng sản làm.”
-          Thân – loay hoay với phong thư, cầm lên ngắm nghía rồi lại đặt xuống, chỉ gật gù không nói gì.
-          Bà Giáo: Mà thôi tôi về nhé, để chị đọc thơ cháu Thiệt
-          Thân – lấy tay ngăn lại: Thiệt khổ quá. Hôm qua lúng túng làm sao lại để rơi chiếc kiếng đọc sách xuống sàn bể tan, bây giờ có mắt cũng như mù, chị đọc giúp cho tôi nghe được không. Chị em trong nhà cả, chả có gì phải giấu giếm.
-          Bà Giáo – Cầm lấy phong thư, lấy thư ra đọc chậm rãi:
            Kính thưa mẹ,
Thư này viết trong lúc vội vàng, giấy ngắn tình dài mong mẹ hiểu cho. Con vẫn chăm chỉ học tập tốt và giữ gìn sức khoẻ để chờ ngày về gặp lại mẹ. Mẹ đừng lo lắng gì cho con mà hại tới sức khoẻ cuả mẹ lúc này tuổi đã già. Bây giờ vắng con nhưng mẹ lại có vợ chồng em Thà lui tới cũng đỡ buồn. Mẹ nhắn giúp với Thà là tuy chưa được gặp lại Thà nhưng con không bao giờ quên người em đã dấn thân cho đại cuộc nên không được sống cùng mẹ và anh thưở nhỏ và chúc vợ chồng Thà những ngày tươi đẹp tại miền Nam Việt Nam. Con,
Tái bút: Qua nguồn tin từ một cán bộ quản giáo, con nghe dượng Anh, tháng 4.1975 là chỉ huy trưởng một trung đoàn pháo trong đoàn quân giải phóng Sài Gòn. Nếu đúng vậy, con gửi lời mừng dì Tình được tái hợp với dượng Anh sau hơn hai chục năm xa cách.
-          Bà Giáo – đọc thư xong để lại trên bàn: Thôi tôi về. Chị dù sao cũng có vợ chồng BS Thà tới thăm nom, còn tôi chỉ có thằng con trai độc nhất đang ở trong tù...Nhà tôi thì..biệt tăm, biệt tích... Nói xong vừa lau nước mắt vừa bước ra.
-          Thân – tiễn ra cửa:Tính tình nó không như thằng anh nó đâu. Hôm tôi hỏi nó chuyện về cải cách ruộng đất ngoài Bắc, con cái đấu tố cả bố mẹ, nó bảo gì chị biết không? – Im lặng một lát, thở dài nói tiếp: Nó bảo bố mẹ phản động, bóc lột nhân dân thì bị tố là phải chứ oan nỗi gì. Bây giờ mỗi lần gặp nó tôi có cảm tưởng sờ sợ sao đó...
-          Bà Giáo – vỗ vai an ủi: Tôi nghĩ thời buổi này, chị nên vào Gia Định ở với sư bà dù sao có chị có em cũng đỡ hơn.
-          Thân: Tôi cũng định vậy, nhưng chẳng lẽ con mới về sau hơn hai chục năm xa cách chẳng lẽ lại bỏ đi ngay. Thôi chị về. Cám ơn chị nhiều. Nhớ sang chơi tôi luôn. Láng giềng gần còn hơn bà con xa...Bà Giáo bước ra
-          Thân – tới bàn, cầm lấy thư, áp vào ngực, ngồi phịch xuống ghế, vẻ thẫn thờ.
Một lát sau thì Thà sầm sập bước vào, quân phục thiếu tá, vứt cái nón cối lên bàn rồi ngồi xuống ghế. Thân giấu vội bức thư trong ngực.
-          Thà – giọng gay gắt: Mẹ làm cái gì mà thẫn thờ cả người ra vậy? Lại nhớ ngụy binh Thiệt hả?
-          Thân – nhẹ giọng: Thì anh con cũng là con mẹ, cũng như mẹ cả hai chục năm nay cũng nhớ con, cũng xót xa vậy đó
-          Thà – sẵng giọng: Con đâu có thứ anh cà chớn như vậy. Nợ máu với nhân dân, nay được Cách Mạng khoan hồng tha cho tội chết, lại còn tử tế cho đi học tập cải tạo để từ một con người xấu có cơ hội trở nên một con người tốt thì phải cám ơn Cách Mạng và đảng mới phải chứ. Con vừa nhác thấy bà giáo ác ôn đó vừa mới đi ra. Ngữ ấy đáng lẽ cũng phải đi cải tạo hay đuổi ra vùng kinh tế mới, mới phải chứ.
-          Thân: Anh con đâu phải là người xấu. Ông bà Giáo cũng vậy. Con đừng đổ tiếng ác cho mọi người. Như mẹ đây, làm ăn buôn bán vất vả mới có đồng ra đồng vào nên hôm rồi mới cho vợ chồng con được năm lạng vàng chứ...
-          Thà – ngắt lời, cười gằn: Có năm lạng vàng thôi mà mẹ kể mãi. Thôi được rồi, con xin cám ơn mẹ lần nữa, kể như thay cho công ơn nuôi dưỡng mà mẹ đã chẳng hề làm...
-          Thân – vẻ đau đớn: Con...Con...Mẹ đâu có muốn xa con mà là bố con bắt con đi theo đấy chứ. Từ hồi con ra Bắc, mẹ đã bao ngày đêm khóc thầm vì thương nhớ con...
-          Thà – cười sặc sụa: Tình cảm của mẹ hãy còn sặc mùi Tự Lực Văn Đoàn, có con dấn thân cho Cách Mạng thì phải hân hoan, hồ hởi chứ sao lại uỷ mị, u sầu như vậy được. À mà thôi, lát nữa vợ con cũng tới đây thăm mẹ đấy. Mẹ cho chúng con ăn cái gì đây?
-          Thân: Thì hồi nhỏ con thích ăn món bún bò Huế với lại gà xé phay nên hôm nay mẹ cũng làm món đó.
-          Thà – gật gù, khoái chí: Tốt! Tốt! Mà có bia nữa chứ?
-          Thân – chặc lưỡi: Mà mẹ đâu có biết con thích uống bia? Để chờ vợ con đến rồi mẹ sẽ chạy đi mua. Cũng gần đây thôi. Bây giờ mẹ vào bếp sửa soạn...
Đứng dậy toan bước đi.
-          Thà – lắc đầu chán ngán: Thôi! Ăn xuông một bữa cũng chả sao mà thế này là cũng đủ ngon rồi. Mà mẹ ngồi xuống đi, con còn có chuyện cần bàn với mẹ. Bà Thân ngồi xuống, tỏ vẻ ngạc nhiên.
-          Thà – giọng dịu dàng: Cũng nhờ mẹ cho năm lạng vàng, vợ con buôn được mấy chuyến hàng ra Bắc bán cũng được lời ít nhiều, nhưng lúc này thời cơ đang thuận lợi, đem hàng trong Nam ra ngoài Bắc thì lời đấy, nhưng những món hàng cao cấp như đồng hồ, xe đạp, đài, máy hát thì lời gấp bội mà cần phải có vốn nhiều hơn, nên chúng con xin mẹ giúp đỡ thêm, nếu làm ăn khá giả mà mua được một căn nhà ngoài Hà Nội thì chúng con sẽ đón mẹ ra ngoài nớ ở để phụng dưỡng mẹ lúc về già.
-          Thân – hơi mỉa mai: Cám ơn cậu qúy tử và nàng dâu qúy hoá. Tuy nhiên chẳng dấu gì cậu, tôi làm ăn bao lâu cũng chỉ để dành dụm được chút ít thôi. Một phần đã chia cho cô cậu, một phần tôi giữ lại để phòng khi về già, sức yếu có chút tiền thuê người trông nom, một phần tôi để cho vợ chồng anh Thiệt...Tội nghiệp chúng nó. Chồng đi tù, vợ bị sa thải, hai đứa con thơ làm sao mà sinh sống...
-          Thà – đổi giọng, khá gay gắt: Lại cái thằng ngụy quân đó. Nó đáng tội chết. Bà biết không? Chính tụi giặc lái Mỹ Nguỵ đã ném bom giết chồng bà khiến chồng bà chết không nhắm mắt được vì còn để lại ba đưá con côi cút ngoài Bắc. Bà đáng lẽ bị đánh tư sản và đuổi đi vùng kinh tế mới nhưng nhờ vợ tôi nó chạy chọt và nhờ cái bằng liệt sĩ kia kià – chỉ lên bàn thờ - nên bà mới được ở lại căn nhà này mà không bị tịch thu gia sản mà bà không biết sao?
-          Thân – tức giận, chỉ mặt Thà: Đồ hỗn láo. Từ nay tao cấm cửa không cho mày tới nhà tao nữa. Đạo đức Hồ Chí Minh là khốn nạn như rứa hả? Trời ơi! Sao tôi lại đẻ ra một đứa con mất dạy như rứa hả? Nói xong vừa chạy vào buồng vưà la: Cút đi!Cút đi cho khuất mắt tao! Đồ vô luân, bất hiếu! Khóc hu hu Trời ơi! Sao tôi lại lâm vào cảnh oan trái này
-          Thà – vùng đứng dạy, toan chạy theo thì vợ Thà tất tả bước vào trong khi Thà hét lên: Chửi Cách Mạng hả? Chửi Bác hả? Đồ phản động!
-          Vợ Thà: Cái gì mà to tiếng thế?
-          Thà: Bà già này bị tụi Mỹ Ngụy đầu độc cả hai chục năm nay rồi, giờ vẫn còn giở giọng căm thù Cách Mạng và bất kính đối với Bác. Cả lũ chúng nó phải đi cải tạo và đuổi đi vùng kinh tế mới là đúng.
-          Vợ Thà - thấp giọng: Anh này thật chán mớ đời. Nói chuyện chính trị chính em với các bà già làm gì. Vả lại, bà ấy đang bị đau xót vì con bị đi tù đầy. Cái chuyện cần kia kìa thì chả nói...
-          Thà – thở dài: Nói rồi. Nhưng bả bảo bả phải để dành tiền về già và tiền cho thằng con lớn bả khi nó ra tù.
-          Vợ Thà  - ghé tai: Như vậy là bả còn vàng.
-          Thà: Hẳn là thế, nhưng chắc bả không chịu xì ra nữa đâu.
-          Vợ Thà - suy nghĩ một lát rồi ghé  tai chồng:
 Chắc là bả chỉ giấu nó quanh quẩn đâu đây trong nhà thôi. Mà thường là các bà già hay giấu dưới nệm giường lắm. Lát nữa anh cứ thử vào lục xem. Cái của phi nghĩa do bóc lột nhân dân mà có, nay có lấy đi hay tịch thu cũng hợp lý thôi. Giống lưà thường ưa nặng, mình phải mạnh tay mà xử sự mới được.
-          Thà – gật gù: Em tài quá. Thế mà anh không nghĩ ra. Để anh vào buồng lục thử xem.
Nói xong hối hả đi vào trong buồng.
Sau đó có tiếng la cuả Thân
-          Thà! Mày định ăn cướp hả? Ối Làng nước ơi! Cướp! Cướp! Cướp nó giết tôiCứu tôi với... Nó...nó...nó...ặc...ặc...
tiếng la bị tắc nghẽn như bị bóp cổ.
-          Thà - chạy hộc tốc từ buồng ra, tay xách một cái túi vải, kéo tay vợ:
 Vàng đây rồi. Vàng thỏi nguyên từng lạng! Đi! Đi mau!
Hai vợ chồng chạy vội ra cửa thì...

                                                                MÀN HẠ

--------------------------------------------------------------------------------------------------


OAN TRÁI
Kịch 4 cảnh của Hoàng Xuân Thảo




CẢNH IV   
Thời gian: Khoảng đầu năm 1978
Nhân vật: Ni sư Thích Tâm Ngọc, pháp danh của Đỗ Thị Tình  - Thiệt – Chủ tịch một Huyện thuộc Gia Định: Phan Văn Anh – Ni cô.
Cảnh Trí: Phòng khách một ngôi chùa tại Gia Định.

                                                              
  MÀN MỞ

Sư bà Thích Tâm Ngọc đang ngồi lúi húi may áo cà sa thì ni cô bước vào, đặt khay trà lên bàn.
Nicô – chắp tay trước ngực: Bạch sư bà. Hôm nay sư bà có khách nên mới dùng trà ngoài này?
-          Sư bà – ngừng tay, gật đầu: Ừ! Cũng chẳng phải ai xa lạ. Là cháu ta mới đến thăm ta tháng trước ấy mà.
-          Ni cô: Con nhớ ra rồi. Ông Thiệt, lần ấy ông mới từ trại cải tạo ra trông hốc hác mà phát khiếp. Bây giờ chắc đỡ hơn?
-          Sư bà: À! Tuần rồi nó mới đi thăm mộ mẹ từ Quảng vô, không biết tìm ta hôm nay có việc gì nữa. Mấy bữa nay ta hay bị máy mắt không biết là điềm gì? Thôi được rồi, con ra ngoài nếu thấy ông Thiệt tới thì mời vô đây.
Ni cô lui ra, sư bà tiếp tục khâu áo thì có tiếng ni cô vọng vào.
-          Ni cô: Bạch sư bà, ông Thiệt tới rồi.
-          Sư bà: Mời vào – Nói xong, đặt áo cà sa lên ghế bên cạnh rồi đứng lên.
-          Thiệt – bước vào: Chào dì
-          Sư bà: Chào cháu – chỉ nghế : Cháu ngồi xuống uống chút trà. Trà này có thí chủ từ Blao mới gửi xuống cúng dường, thơm mà đằm lắm. Hai người cùng ngồi xuống, nâng tách trà lên uống.
-          Thiệt – đặt tách nước xuống: Thưa dì. Cháu tới để chào dì. Trong tuần này, cháu sẽ xuống Rạch Giá để tìm đường ra nước ngoài. Sống trong chế độ cộng sản dã man, mọi rợ này cháu không chịu được, trước sau rồi cũng lại vào tù mà vào tù lần nữa thì chắc không có ngày về.
-          Sư bà – không tỏ vẻ ngạc nhiên: Hẳn cháu cũng đã cân nhắc kỹ rồi, nhưng vượt biển cũng không dễ đâu. Rất nhiều người bị bỏ xác trùng dương, chưa kể còn bị bọn hải tặc Thái Lan có những hành động man rợ, bỉ ổi không khác gì thú vật.
-          Thiệt: Cháu biết, cháu biết. Nhưng thà là chết còn hơn là sống trong cái địa ngục đỏ này.
-          Sư bà: Cháu biết thế mà vẫn quyết ra đi, dì cũng chẳng có gì để nói thêm nữa – nhìn Thà, ngần ngừ rồi hỏi: Nhưng mà này...Cháu sắp đi rồi nên dì thấy giữa dì cháu mình không cần phải giấu giếm gì nữa. Dì muốn hỏi là hồi trước, mẹ cháu gửi cháu tại chuà này để đi học. Rồi vì sao chỉ ít lâu sau cháu lại bỏ chuà, vô cư xá sinh viên Minh Mạng ở khiến mẹ cháu trách mãi dì là đã làm gì khiến cháu buồn lòng phải bỏ chùa đi?
-          Thiệt: Dì đã hỏi thật tình thì cháu cũng thật tình đáp lại là có một hôm dì đi vắng, cháu tình cờ thấy trong phòng dì có một cái rương đựng đầy truyện. Cháu mở ra xem thì thấy toàn là truyện cháu rất thích của Kim Dung, nào Anh Hùng Xạ Điêu, nào Cô Gái Đồ Long, cháu mới lấy một cuốn về phòng đọc thì cũng tình cờ thấy trong đó lại có dấu nhiều truyền đơn của Việt Cộng, nói là chính phủ chủ trương đàn áp Phật Giáo và khích động các phật tử vùng lên tranh đấu cho tự do tôn giáo. Cháu thấy vậy nhưng nghĩ rằng có một người nào đó để lén vào cuốn truyện thôi, nhưng sau đó cháu thử mở những cuốn truyện khác ra xem thì đều như thế cả.
-          Sư bà: À thì ra là như thế. Ngần ngừ một lát. Bây giờ dì kể cho cháu nghe chuyện này. Cháu có nghe biết về dượng Anh chứ?
-          Thà: Có, mẹ cháu có kể là trước khi tập kết ra Bắc vài ba tuần gì đó thì dượng Anh và dì lấy nhau, nghĩ là hai năm sau sẽ tái hợp. Dì đã đợi hơn ba năm, sau biết là không có bàu cử thống nhất nữa và tại Quảng Ngãi, nhiều người muốn được kết bạn với dì, lại cũng có nhiều người dọa tố cáo dì có chồng đi tập kết nên dì bàn với mẹ cháu tạm thời lánh vào chuà tới khi gặp lại dượng Anh thì sẽ xin trở về cuộc sống thế tục.
-          Sư bà: Hoá ra mẹ cháu đã kể hết.
-          Thà: Rồi cháu lại được biết từ nguồn tin của một quản giáo, vốn là người đồng hương và có thời kỳ hoạt động chung với dượng Anh nên biết dượng Anh sau trở thành thủ trưởng một trung đoàn pháo đã vào giải phóng Sài Gòn.
-          Sư bà – ngắt lời: Đúng vậy. Hôm Việt cộng vô giải phóng Sài Gòn, Gia Định thì bỗng dưng có một toán bộ đội Bắc Việt tới đòi đóng quân trong chuà. Dì  ra tiếp thì không ngờ thủ trưởng của tóan bộ đội đó lại chính là người mà dì mong chờ hơn hai chục năm, nhưng người ấy đã không nhận được ra dì trong bộ áo nâu sòng và khăn bịt đầu, chắc là nghĩ dì vẫn ở Quảng cùng với mẹ cháu hoặc là giả bộ không quen, dì thật tìn cũng không biết nữa. Dì thấy choáng váng vì không ngờ gặp lại nhau như trong cơn ác mộng vậy và dì bỗng té sỉu, may có mấy ni cô đỡ dì vào phòng nghỉ ngơi. Sau đó, các ni cô còn cho dì biết là ông thủ trưởng ấy đã có vợ và ba, bốn đưá con gì đó ngoài Hà Nội, đang chuẩn bị để vô Sài Gòn ở vì nghe đâu ông ta sẽ được bổ nhiệm một chức vụ gì đó tại vùng Sài Gòn và Gia Định này.
-          Thà: Thế từ đó tới nay, dì có gặp lại ông Anh đó không?
-          Sư bà: Không. Nhưng cách đây hai tuần dì nhận được lá thư này. Để dì lấy cho cháu xem. Xoay người, lấy từ một cuốn kinh Phật ra một bức thư, đưa cho Thà xem.
-          Thà – giơ thư lên đọc lẩm bẩm một lát rồi lớn tiếng, vẻ bực tức: Thì ra đây là công lệnh của chủ tịch huyện Phan Văn Anh cho trưng dụng ngôi chùa này để làm trung tâm thương nghiệp và lệnh trục xuất tất cả những người trong chùa.
-          Sư bà: Đúng vậy. Phần dì thì sao cũng được, nhưng chùa này là công đức của bao nhiêu thiện nam, tín nữ chung công góp của để có chỗ tu dưỡng tinh thần, lấy đại từ, đại bi làm phong cách sống để tự giải thoát mình và giúp người thoát khỏi cảnh trầm luân mà nay họ nhẫn tâm...
-          Thà – tiếp lời: Đó là một trong chủ trương tam vô của cộng sản, cho nên dù dì đã bao năm che chở bọn họ mượn chùa làm cơ sở bí mật, giờ họ đã đạt được mục đích là chiếm trọn miền Nam rồi thì họ còn cần gì tới dì nữa. Ăn cháo đá bát luôn luôn là ngón nghề của chúng.
-          Sư bà – thở dài: Mô Phật! Dì thật hối hận đã nhẹ dạ, cả tin mà tiếp tay cho bọn chúng, giờ đây không biết phải tìm cách gì để chuộc tội, chẳng lẽ chỉ tụng kinh sám hối. Oan trái này đã đành là nghiệp chướng của dì, nhưng còn các thí chủ bỗng dưng cũng bị ảnh hưởng mà mất chùa, mất nơi thờ Phật, dì thật không đành lòng.
-          Thà – cầm tờ công lệnh lên xem tiếp, tỏ vẻ hốt hoảng: Chết rồi dì! Hôm nay là hạn chót để dì tự nguyện cống hiến chuà này cho chính phủ và dọn đi chỗ khác, nếu không hắn sẽ cho công an, cảnh sát tới hốt tất cả những người cư trú bất hợp pháp lên xe và chở đi trại giam. Trời ơi! Không biết hắn có còn là con người không nữa đây?
-          Sư bà – vẫn giữ vẻ bình tĩnh: Dì biết. Cứ để lát nữa xem y tới đây giở trò gì?
-          Thà: Cháu sẽ ở lại đây với dì. Cháu sẽ nói tọac ra cho hắn hay ni sư trụ trì chuà này xưa chính là cô Đỗ Thị Tình, là vợ hắn xem hắn có thái độ thế nào?
-          Sư bà – đang chắp tay mô phật, vôị xoè ra và sua tay: Cháu chớ làm thế. Chuyện cũ đã qua, tình xưa đã hết. Cháu gợi ra chỉ làm dì thêm đau lòng  và nỗi ân hận càng sâu nặng thêm thôi. Nói nhấn mạnh: Dì đã có cách giải quyết. Điều quan trọng nhất là cháu mau rời khỏi nơi này, về ngay Rạch Giá tìm đường thoát khỏi cái địa ngục trần gian này.
Bỗng có tiếng ồn ào, huyên náo bên ngoài và tiếng chủ tịch huyện Anh la lối:  Các đồng chí canh gác nghiêm ngặt ngòai cổng chùa không cho ai tẩu tán tài sản và chờ lệnh. Có tiếng  trả lời của nhiều người: Tuân hành!
-          Thà: Cháu tạm nấp vào trong có gì dì gọi cháu cho dễ...
-          Anh – bước vào, mặt hống hách: Sư bà đã sửa sọan để di chuyển rồi chứ? Nếu cần, chúng tôi sẽ vì dân mà cấp cho chùa một cái xe vận tải để chở người lẫn đồ. Mà đồ đây chỉ là quần áo cá nhân thôi, còn tất cả tài sản của chùa phải trả lại toàn bộ cho nhân dân hết.
-          Sư bà – mỉa mai: Trả lại cho nhân dân hay cho bọn cướp ngày một cách trắng trợn mà còn làm bộ giả nhân giả nghiã...
-          Anh – quạu cọ: Là sư bà rồi mà vẫn còn ăn nói hàm hồ, lòng còn tham sân si muốn chiếm của nhân dân làm của riêng. Trách gì mà trốn vào chuà để mà nằm mát ăn bát vàng, có khi còn quyến rũ các thiện nam nữa...
-          Sư bà – vẫn giữ bình tĩnh: Mô Phật! Đừng suy bụng ta ra bụng người. Bần ni cầu xin Đức Phật bà Quan Thế Âm cứu khổ, cứu nạn cho chùa và cho cả ông Chủ tịch huyện nữa.
Đứng dậy: Dù sao thì cũng tới 12 giờ đêm nay mới hết hạn trả lời. Xin mời ngài chủ tịch Phan Văn Anh cứ bình tĩnh ngồi xuống dùng trà, còn bần tăng xin phép vào trong cùng với mấy ni cô sửa soạn di chuyển cho kịp thời hạn một chuyến đi xa...
-          Chủ tịch Anh –ngắt lời: Đi xa? Sao sư bà và các ni cô không kiếm một chùa gần đây mà tá túc?
-          Sư bà: Đã phải bỏ chuà đi thì xa hay gần cũng thế thôi. Cửa Phật luôn luôn mở rộng bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào. Nói xong bước thong thả vào trong.
Chủ tịch Anh châm thuốc hút, uống trà, đứng lên lại ngồi xuống, nhìn đồng hồ tay, có vẻ sốt ruột.Chợt đứng lại, hít hơi thật mạnh, lẩm bẩm:
Quái lạ! Sao có mùi gì khét lẹt thế. Hít mạnh vài hơi nữa:
Hình như có cái gì cháy thì phải. Ho sặc suạ . Khét qúa! Bảo vệ đâu?
 Ngay lúc đó, một ni cô bước vào, đưa cho chủ tịch Anh một phong thư và một cái khăn gói đồ.
-          Ni cô : Ni sư trụ trì Thích Tâm Ngọc có bức thư và cái gói này cho Chủ tịch.
-          Chủ tịch Anh – ngồi phịch xuống ghế, vẫn ho và dụi mắt :Mệt qúa! Mắt tôi bị khói cay sè.Thôi ni cô đọc giùm coi xem sư bà còn giở trò trống, xin xỏ gì nữa đây?.
-          Ni cô -  đọc thong thả:
            Thưa ông Phan Văn Anh,
Tôi viết thư này với tư cách của một người phụ nữ mang tên Đỗ Thị Tình
-          Chủ tịch Anh – giật bắn mình, nhỏm dạy: Đỗ Thị Tình?
-          Ni cô – đọc lại:
Tôi viết thư này với tư cách của một người phụ nữ mang tên Đỗ Thị Tình
-          Chủ tịch Anh – lẩm bẩm: Đỗ Thị Tình...Đỗ Thị Tình...
-          Ni cô – đọc tiếp:
Trước hết, tôi gởi lại chiếc khăn tay thêu đôi chim mà ông đã tặng cho tôi trong ngày cưới, đó là món quà duy nhất mà cô dâu nhận được khi về làm vợ ông. Thứ hai là lọn tóc của tôi đã được cất giữ suốt hai mươi năm từ lúc vào chuà quy y.
-          Chủ tịch Anh – chạy lại, cầm lấy cái khăn tay, trong có lọn tóc, giơ lên ngắm nghía rồi ôm chặt vào ngực và lảo đảo ngồi lại xuống ghế, gục đầu.
-          Ni cô – đọc tiếp:
Tôi đã lặng người và khóc hết nước mắt khi mái tóc dài óng mượt của tôi được mẹ bảo dưỡng từ lúc còn bé thơ và từng được ông ve vuốt bị cắt đi. Người con gái mới 23  tuổi đời đã chịu xuống tóc vào chùa là một quyết định hi sinh vô bờ bến, cũng chỉ vì muốn giữ lòng trung trinh, tiết nghiã đối với chồng và tránh những cám dỗ thế tục. Thế mà ông đã nhẫn tâm quên hẳn người vợ ở trong Nam để mà chí thú với người vợ khác ngoài Bắc. Ngày tôi gặp lại ông sau hơn 20 năm xa cách là lúc ông đưa đơn vị pháo đến giẵm nát cảnh chùa mà tôi đã tu tịnh trong suốt thời gian qua. Hành động tiếp theo của ông là vì lợi ich riêng ký lệnh biến chùa chiền thành nơi buôn bán của nhà nước.
Thần tượng “ Cách Mạng” trong tôi đã hoàn toàn sụp đổ. Tài sản của đồng bào miền Nam đã bị Đảng của các ông cướp đoạt một cách trắng trợn, đồng thời chà đạp lên quyền sống con người.
            Tôi, với tư cách Ni Sư Trụ Trì chuà này: Thích Tâm Ngọc, phản đối chính sách cướp chùa, phá đạo của ông nói riêng, của cộng sản Việt Nam nói chung, và để thắp sáng ngọn lửa Từ bi Vô úy soi đường cho chúng sinh và hi vọng soi sáng cả lương tri ông, tôi đã quyết định..
-          Chủ tịch Anh - đứng phắt dạy: Quyết định gì?
-          Ni cô – chậm rãi từng tiếng, rõ ràng: Tôi đã quyết định tự thiêu và đang thực hiện trong khi ông đọc thư này...
-          Chủ tịch Anh – hoảng hốt, nhỏm dạy: Tự thiêu? Tự thiêu? Giằng lấy thư đọc và la lớn: Bảo vệ!Nghe đây: Tất cả xông ngay vào chùa dập tắt lửa, cứu sư bà bằng mọi cách. Vưà chạy ra vừa kêu la: Trời ơi! Oan trái! Oan trái! Em Tình! Em Tình!
Tiếng chuông chuà chiêu hồn vang lên từng hồi trong khi Thiệt chạy vào, quỳ xuống.
-          Thiệt- chắp tay, ngẩng đầu nhìn trời, giọng tha thiết: Linh hồn dì linh thiêng xin phù hộ cho con tới được bến bờ Tự Do. Con hứa sẽ có ngày về ươm mầm Tự do và Dân chủ trên mảnh đất quê hương mến yêu Việt Nam này. Cúi lạy rạp đầu trong khi tiếng chuông chùa vẫn ngân vang.
                                               
                                                            MÀN HẠ & HẾT

Featured post

Bản Tin Cuối Ngày 20/4/2024

My Blog List