Trung
Quốc và Nhóm BRICS
Nguyễn
Xuân Nghĩa
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Đối thoại những nước có nền kinh tế thị trường mới nổi và đang phát triển bên lề Thượng đỉnh BRICS ở Hạ Môn, Trung Quốc hôm 5/9/2017
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Đối thoại những nước có nền kinh tế thị trường mới nổi và đang phát triển bên lề Thượng đỉnh BRICS ở Hạ Môn, Trung Quốc hôm 5/9/2017
Hôm Chủ Nhật mùng ba, Chủ tịch Tập Cận Bình khai mạc thượng đỉnh
của nhóm BRICS với tư thế lãnh đạo năm quốc gia có nền kinh tế mới nổi của thế
giới, nhưng thời sự thực tế lại cho thấy vài sự thật khác về nhóm quốc gia này.
Tiết mục Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu tại sao….
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên
gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, hôm Chủ Nhật mùng ba vừa qua, nhóm
BRICS gồm năm nền kinh tế mới nổi đã có thượng đỉnh thứ chín tại Trung Quốc
dưới sự chủ tọa long trọng của Chủ tịch Tập Cận Bình. Nhưng tình hình thế giới
lại có nhiều biến động, kể cả vụ khủng hoảng vì Bắc Hàn, khiến ít ai chú ý đến
sự kiện đó. Tiết mục Diễn đàn Kinh tế xin đề nghị ông tổng hợp lại một số dữ
kiện về nhóm quốc gia nói trên cho thính giả của chúng ta.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ Chủ tịch Tập Cận Bình hiện là người bất bình nhất!
Năm nay nhóm BRICS tổ chức thượng đỉnh tại thành phố Hạ Môn của
Phúc Kiến là nơi mà Tập Cận Bình từng là Ủy viên Thường vụ Thành ủy và Chủ
tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố hơn 30 năm trước, rồi lên dần tới vị trí lãnh
đạo đảng và nhà nước Trung Quốc như hiện nay. Chủ trì một hội nghị quốc tế với
tâm trí chuẩn bị cho Đại hội khóa 19 của đảng vào ngày 18 tháng tới, ông ta có
thể nghĩ đến sự vinh quang của đảng và sự nghiệp của bản thân sau năm năm lãnh
đạo từ Đại hội 18 vào cuối năm 2012. Khốn nỗi thực tế lại cứng đầu hơn ước mơ
viển vông, như ta đã thấy qua việc Bắc Hàn thử nghiệm võ khí hạch tâm loại mạnh
nhất từ xưa đến nay, và làm đảo lộn nghị trình của nhóm khiến họ phải nhắc tới
trong tuyên bố chung. Thật ra cả ước mơ về sức mạnh kinh tế của nhóm BRICS cũng
là chuyện viển vông!
Nguyên Lam: Chúng ta khởi đi từ đó, thưa ông nhóm BRICS là gì mà ông gọi là
viển vông?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Có thời gian nhìn lại thì ta thấy các nước bị uống nước đường mà
say!
Số là vào năm 2001 có ông Jim O’Neill là nhân viên người Anh của
tập đoàn đầu tư Goldman Sachs tại Hoa Kỳ, tiên báo rằng mươi năm tới bốn nền
kinh tế trong các nước loại tân hưng hay đang lên sẽ là đầu máy tăng trưởng của
các nước. Bốn nền kinh tế đó là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, viết tắt theo
Anh ngữ là BRIC. Sau đấy, bốn nước tưởng thật và muốn liên kết với nhau nên từ
năm 2009 thì họp thượng đỉnh, qua năm sau thì mời Cộng hòa Nam Phi tham dự, cho
nên nhóm BRICS ra đời và tuần qua có thượng đỉnh thứ chín tại Trung Quốc.
Một cách phũ phàng, tôi trộm nghĩ tập đoàn Goldman Sachs muốn
quảng cáo cho việc đầu tư vào các nền kinh tế đang lên mà các nước này lại
tưởng rằng họ sẽ trở thành một nhóm đầy thế lực khi nội tình lại có quá nhiều
khác biệt khó dung hòa. Thật ra bốn nước kia đều muốn buôn bán với Trung Quốc
mà ít buôn bán với nhau và khó đưa ra quan điểm thống nhất khả dĩ thay thế vai
trò đầu máy về tư tưởng và sức mạnh của các nền kinh tế công nghiệp hóa.
Nguyên Lam: Ông có thể giải thích thêm về nhận xét bi quan này không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Nhìn trong dài hạn, mọi nền kinh tế vừa chuyển hướng đều tăng
trưởng cao trong vài thập niên đầu, nhưng mà tăng trưởng chưa là phát triển hay
sức mạnh bền vững về tài sản. Quả nhiên là từ hai năm nay, ba nền kinh tế của
nhóm BRICS bị suy trầm, suy thoái, thậm chí khủng hoảng. Đó là Brazil, Liên
bang Nga và Nam Phi. Còn lại, hai nước đông dân nhất Châu Á của nhóm BRICS thì
vẫn đầy mâu thuẫn sâu sắc, thậm chí đụng độ quân sự dưới chân rặng Hy Mã Lạp
Sơn vào tháng trước, đó là Trung Quốc và Ấn Độ
Sự thật thì cả nhóm đều đề cao quy luật thị trường mà bên trong
vẫn duy trì chế độ bảo hộ mậu dịch để bảo vệ một số khu vực trọng yếu của họ
chứ chưa xây dựng nổi cơ chế thống nhất cho một thị trường chung. Mặc cảm hay
ác cảm của cả nhóm với Hoa Kỳ hay khối dân chủ Tây phương chưa là chất keo sơn
gắn bó với nhau. Thứ nữa, nếu muốn là đầu máy kinh tế và có ảnh hưởng trong
luồng giao dịch của thế giới thì đồng bạc của họ phải là ngoại tệ được các nước
sử dụng một cách phổ biến, như đồng Mỹ kim, Euro hay đồng Yen Nhật, là điều
chưa thể có, kể cả với đồng Nguyên của Trung Quốc. Tại thượng đỉnh của nhóm
BRICS vừa rồi, khi Tổng thống Vladimir Putin của Liên bang Nga kêu gọi các nước
trao đổi với nhau mà không sử dụng Mỹ kim thì ta thấy ngay sự viển vông đó.
Người ta dùng một đồng bạc vì sự tiện dụng, mức an toàn khi dự trữ tài sản và
vì khả năng giao hoán rộng rãi, không vì loại phản ứng duy ý chí của quốc gia
phát hành.
Nguyên Lam: Trở lại vai trò trọng yếu của Trung Quốc trong nhóm BRICS, ông
nhận xét ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Rốt cuộc, khái niệm BRICS chỉ cho Bắc Kinh diễn đàn và bệ phóng
để tung ra vài sáng kiến phát huy ảnh hưởng, như Con Đường Tơ Lụa Nhất Đới Nhất
Lộ hay Tân Ngân hàng Phát triển, New Development Bank, với tham vọng thay thế
Ngân hàng Thế giới. Có lẽ vì vậy, từ Tháng Ba rồi, Bắc Kinh còn muổn mổ rộng
nhóm BRICS để mời thêm nhiều nước khác tham dự, như Thái Lan, Mexico hay Ai Cập
v.v…. Nhìn từ quan điểm chiến lược, Trung Quốc đang nuôi tham vọng lãnh đạo một
trật tự mới của thế giới như một đối thủ của Hoa Kỳ và Chủ tịch Tập Cận Bình
còn đề cao tự do mậu dịch và chủ trương toàn cầu hóa, trái ngược với lập trường
hiện hành của Chính quyền Donald Trump là coi quyền lợi của Mỹ là trên hết sau
khi triệt thoái khỏi Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP.
Nhưng đấy chỉ là việc chiêu dụ và rao bán mà thôi. Thứ nhất, so
sánh với những hứa hẹn hay cam kết từ năm ngoái thì đóng góp tiền bạc của Bắc
Kinh cho các sáng kiến quy mô đó vẫn còn quá ít và gây thất vọng cho các nước
đang cần đầu tư nước ngoài, điển hình trường hợp Brazil chưa ra khỏi khủng
hoảng khi hai Tổng thống tiền nhiệm bị truy tố vì tham nhũng. Thứ hai là vụ Bắc
Hàn tiếp tục hung hăng khiêu khích mà Bắc Kinh không kiềm chế nổi. Thứ ba, ngay
trong nhóm BRICS, một đối thủ của Trung Quốc là Ấn Độ lại đang củng cố quan hệ
với Nhật Bản và dự tính xây dựng một “Hành Lang Tự Do” nhắm vào Châu Phi với tư
bản và kỹ thuật của Nhật và quan hệ kinh tế của Ấn Độ trong khu vực. Tháng Chín
này, hai nước sẽ khai triển sáng kiến đó và sự bành trướng của Bắc Kinh ngoài
Đông Hải rồi sự hung hăng của Bắc Hàn càng thúc đẩy sự hợp tác ấy, mà Bắc Kinh
chẳng thể nào đẩy Ấn Độ ra khỏi nhóm BRICS!
Nguyên Lam: Khi nhìn vấn đề trên toàn cảnh như vậy, có lẽ thính giả của chúng
ta cũng thấy rằng quan hệ giữa các nước không chỉ có yếu tố kinh tế mà còn bao
gồm cả khía cạnh an ninh vì hành lang kinh tế mà Nhật Bản và Ấn Độ mong muốn
thực hiện cũng mặc nhiên giảm tầm ảnh hưởng của Con Đường Tơ Lụa mà Trung Quốc
đang muốn thực hiện. Thưa ông Nghĩa, kết luận ở đây là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Các nước đang phát triển đã hão huyền tin vào khẩu hiệu viển
vông mà không tự cải cách từ bên trong cho người dân của mình. Khi thấy thiên
hạ vẽ ra nhãn hiệu dán lên một chai rỗng thì chui đầu vào chai. Vào trong rồi
họ mới thấy quá nhiều khác biệt nên không thể sống chung, rồi mới bắt đầu lục
đục. Với sản lượng kinh tế hạng nhì thế giới, Trung Quốc có thể dùng nhãn hiệu
BRICS để tuyên truyền cho thế lực của mình qua một số sáng kiến huê dạng hào
nhoáng. Nhưng màn tuyên truyền ấy lại gây nghi ngại cho nước khác. Vào đúng
ngày khai mạc thượng đỉnh BRICS tại Hạ Môn thì Bắc Hàn lại gây rối với việc thử
bom khinh khí và di chuyển hỏa tiễn liên lục địa khiến an ninh lại trở thành
một ưu tiên cho các nước. Người ta có thể chơi chữ mà gọi nhóm BRICS là một đống
gạch, nhưng lại thiếu xi măng và bị trái bom của Bắc Hàn thổi vào cõi ảo!
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia
kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích đầy tính châm biếm kỳ này.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment