Trung Quốc
giảm quân để gia tăng sức mạnh quân sự
Diễn binh trên quảng trường Thiên An Môn ngày 03/09/2015.REUTERS/Xinhua/Yao
Dawei
Ngày 03/09/2015 vừa qua, thế giới chứng kiến cuộc diễu binh rầm rộ
của quân đội Trung Quốc tại Bắc Kinh, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày đế quốc Nhật
đầu hàng, kết thúc Thế chiến Hai tại Châu Á. Đúng vào thời điểm này, trước 30
lãnh đạo các quốc gia, Chủ tịch Trung Quốc long trọng tuyên bố : «
vì hòa bình », Bắc Kinh có kế hoạch cắt giảm hàng trăm nghìn quân
nhân. Trung Quốc thực sự giảm quân «
vì hòa bình » ?
Để kỷ niệm 70 năm chiến thắng, Bắc Kinh đã huy động 12.000 binh sĩ
cho cuộc diễn binh hùng hậu, cùng xe tăng, phi cơ đại pháo trên đại lộ Tràng An,
đại lộ của hòa bình. Một cảnh tượng như để chứng tỏ với toàn thế giới : Bắc
Kinh sẵn sàng dùng sức mạnh. Rất nhiều người ngạc nhiên khi chứng kiến việc
lãnh đạo Trung Quốc chọn thời điểm này để thông báo quyết định giảm quân.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố : «
Quân đội giải phóng Nhân dân Trung Quốc là quân đội của toàn dân. Tất cả các
quân nhân cần phải ghi nhớ mục tiêu hết lòng phục vụ nhân dân. Trung thành với
nhân dân, quân đội phải thực thi sứ mạng thiêng liêng bảo vệ quốc gia và hạnh
phúc của nhân dân. Với mục tiêu bảo vệ hòa bình trên thế giới, tôi tuyên bố cắt
giảm 300.000 quân nhân ».
Điều gì ẩn đằng sau thông báo này ? Trước hết phải khẳng định rằng Trung Quốc giảm quân, nhưng lại
tăng chi phí quân sự. Từ nhiều năm nay, ngân sách
quốc phòng của Bắc Kinh tăng đều
đặn 10%/năm, khiến Trung Quốc trở thành
quốc gia đầu tư cho quân sự đứng thứ hai thế giới, sau Mỹ. Để so sánh, có thể
thấy Trung Quốc chi cho quốc phòng gấp ba lần Ấn Độ, quốc gia láng giềng có dân
số tương đương, và chi phí này của Trung Quốc còn nhiều hơn bốn nước Nhật Bản,
Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam cộng lại.
Như vậy, không có vấn đề giảm chi phí quốc phòng, cho dù tỉ lệ
tăng ngân sách năm nay có ít hơn năm trước một chút. Để trở nên hiệu quả, quân
đội Trung Quốc không cần nhiều binh sĩ, mà cần được cải cách và trang bị nhiều
vũ khí tối tân. Theo người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, quân số bị
cắt giảm là của các đơn vị trang bị vũ khí lạc hậu, nhân viên văn phòng, nhân
sự của các bộ phận phi tác chiến (Bài "Lý do Trung Quốc cắt giảm
300.000 quân", The Diplomat, ngày 08/09/2015). Vẫn theo đại
diện Bộ Quốc phòng Trung Quốc, chính nhờ việc cắt giảm quân số mà quân đội sẽ
có phương tiện để hiện đại hóa.
« Cải cách quân đội » là mục tiêu chính
Ông Rory Medvalf, chuyên gia về an ninh quốc phòng Đại học quốc
gia Úc, giải thích : chi phí cho nhân sự chiếm một phần lớn ngân sách quốc
phòng của Trung Quốc, và lương bổng của quân nhân tăng mạnh trong những năm gần
đây. Bản tin Tân Hoa Xã bằng Anh ngữ (bài «
Quân đội cam kết cải cách » ngày 06/09/2015) dẫn lại nhật báo của
Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, theo đó, chính quyền Tập Cận Bình đang tìm
cách cải cách quân đội và nỗ lực này có thể đụng đến «
các nhóm lợi ích ».
Cắt giảm quân số cũng là một cách để Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận
Bình khẳng định quyền kiểm soát đối với quân đội. « Cải cách quân đội » cũng là
ý nghĩa chính của việc cắt giảm quân số, chứ không phải mục tiêu « bảo vệ hòa
bình thế giới ». Một trọng tâm của
cuộc cải cách này là thay đổi quan niệm truyền thống của quân đội Trung Quốc :
« coi trọng đất hơn biển », cũng có nghĩa là gia tăng tỉ trọng hải quân và không quân trong
quân đội, nhằm đưa khả năng can thiệp quân sự của Trung Quốc vượt ra khỏi biên
giới, như Sách trắng quốc phòng của nước này công bố hồi tháng 5 cho thấy.
Về số lượng 300.000 quân sẽ được cắt giảm theo tuyên bố của ông
Tập Cận Bình, con số tương đương với hai lần quân đội Anh Quốc này thực ra
không phải là nhiều so với tổng số 2,3 triệu binh sĩ hiện nay. Cho dù với 2
triệu binh sĩ, Trung Quốc vẫn là nước có quân đội đông nhất thế giới. Trên thực
tế, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã nhiều lần cắt giảm quân số quy mô lớn. Kể từ
những năm 1980, để hiện đại hóa, Bắc Kinh đã quyết định giảm 1 triệu quân năm
1985, 500.000 năm 1997, 200.000 năm 2003 (đây là lần cắt giảm quân đội thứ 11
của Trung Quốc kể từ năm 1949, vào thời điểm đó Trung Quốc có 6,27 triệu binh
sĩ).
«
Người Trung Quốc chúng tôi yêu hòa bình. Trung Quốc không bao giờ tìm cách bá
quyền hay bành trướng »,
quốc gia đông dân nhất thế giới cương quyết theo đuổi quan hệ hữu nghị với tất
cả các nước khác : đó những thông điệp mà lãnh đạo Trung Quốc muốn chuyển đến
thế giới. Tuy nhiên, nhiều quốc gia láng giềng của Trung Quốc như Việt Nam,
Philippines, Nhật Bản không có được ấn tượng như vậy, trước những hành động đơn
phương khẳng định chủ quyền trên một loạt các vùng lãnh thổ tranh chấp, đòi hỏi
chủ quyền trên phần lớn Biển Đông, áp đặt vùng nhận dạng phòng không tại Hoa
Đông. Đặc biệt là những động
thái liên tục mở rộng bồi đắp đảo với quy mô lớn để xây dựng các căn cứ quân sự
tại quần đảo Trường Sa, bất chấp nhiều phản đối và can ngăn của quốc tế.
Bóp méo lịch sử, Trung Quốc diễn binh để xưng
tụng « đảng cộng sản thắng Nhật »
Tập Cận Bình và lãnh đạo các nước trên khán đài
danh dự chứng kiến diễn binh, 03/09/2015.REUTERS/Andy Wong/Pool
Các tài liệu chính thức phân phát cho báo chí nhân dịp diễn binh
mô tả đảng Cộng sản là tổ chức « lãnh đạo » phong trào
kháng chiến Trung Hoa, và cuộc du kích chiến mà đảng tiến hành chính là « cuộc chiến chủ yếu chống lại quân
Nhật ». Nhưng thực ra đại đa số các trận đánh quy ước lớn là do các
lực lượng liên minh Quốc dân đảng của Thống chế Tưởng Giới Thạch - kẻ thù không
đội trời chung của phe cộng sản - tổ chức.
Tuy gia đình mình từng tích cực tham gia cuộc chiến đẩy lùi quân
Nhật ra khỏi Trung Quốc trong Đệ nhị Thế chiến, nhưng khi nhắc đến cuộc diễn binh
vĩ đại ngày hôm nay 03/09/2015 tại Bắc Kinh, TT Chen, người thợ làm bánh ngọt
lại cảm thấy nghẹn lời.
«
Tôi không coi cuộc diễn binh này là để chứng tỏ lòng ái quốc, mà là một sự phô
trương vô học » - người thợ 69 tuổi
nói. Cha và các cậu, chú của ông đều là các nhân vật cấp cao phục vụ trong
chính phủ và quân đội Quốc dân đảng đã từng chiến đấu với quân Nhật.
Trên toàn quốc, các màn ảnh xi-nê và truyền hình tràn ngập những
hình ảnh quân xâm lăng Nhật, vào lúc gần đến dịp diễn binh – điểm nhấn ngoạn
mục của buổi lễ mà chế độ cộng sản tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm Nhật Bản đầu
hàng đồng minh.
Người hùng không thể tranh cãi của « Ngày Chiến thắng » vừa được tuyên bố và
vô số phim ảnh truyền hình cũng như điện ảnh nói về đề tài này, chính là bản
thân Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Đảng tự khoe khoang đã làm nên một chiến
thắng mà chủ yếu là do xương máu của những chiến binh từ các tổ chức khác.
Khoảng 15 đến 20 triệu người Trung Hoa đã thiệt mạng trong tám năm
trời (1937-1945) bị chiếm đóng và chiến đấu với quân phiệt Nhật Bản có trang bị
tốt hơn, lại phạm nhiều tội ác chiến tranh, vẫn còn gây thù hận cho đến bây
giờ.
Vai trò bị che lấp của Quốc dân đảng
Các tài liệu chính thức phân phát cho báo chí nhân dịp diễn binh
mô tả ĐCSTQ là tổ chức «
lãnh đạo » phong trào kháng chiến Trung Hoa, và cuộc du kích chiến
mà đảng tiến hành chính là «
cuộc chiến chủ yếu chống lại quân Nhật ».
Nhưng « đại
đa số các trận đánh quy ước lớn là do các lực lượng liên minh Quốc dân đảng của
Thống chế Tưởng Giới Thạch - kẻ thù không đội trời chung của phe cộng sản - tổ
chức ». Rana Mitter, nhà sử học chuyên nghiên cứu về thời kỳ này
tại trường đại học Oxford, phản đối. Và «
sự hỗ trợ quốc tế của phe đồng minh là nhân tố quyết định cho chiến thắng »
- ông nhấn mạnh.
Một sự thật được những người ở cấp cao nhất trong phe cộng sản
thời đó công nhận. Lý Nam Ương (Li Nanyang), con gái của Lý Nhuệ (Li Rui), cựu
thư ký của Mao Trạch Đông, năm nay 98 tuổi, trong tuần này cũng xác nhận với
hãng tin Pháp AFP : « Theo lời kể của cha tôi, rõ ràng
là cuộc chiến chống Nhật không phải do đảng Cộng sản lãnh đạo ».
Ông Lý Nhuệ từng nằm gai nếm mật, ẩn náu với Mao tại căn cứ địa
của phe cộng sản ở Diên An (Yan’an) thuộc miền bắc Trung Quốc. Bà Lý Nam Ương khẳng
định cha mình « chẳng làm
gì cả trong việc tấn công trực diện vào quân Nhật ».
Đảng Cộng sản Trung Quốc, luôn kiểm duyệt tất cả tranh luận công
khai về lịch sử, nhân dịp này đã đặt hàng một số lượng lớn phim truyện, phim
tài liệu và các tác phẩm ca ngợi vai trò của những người cộng sản.
Dù vậy hôm thứ Ba 1/9 vừa rồi, ông Tập Cận Bình trước một chính
khách Đài Loan đến thăm, đã nhìn nhận rằng hai phe Quốc dân đảng và Cộng sản đã
« hợp tác và có liên lạc
với nhau » trong cuộc chiến,
« cả hai phe đã đóng góp đáng kể cho chiến thắng ».
Đó là những sự thật «
luôn ít được công chúng Trung Quốc hiện nay biết đến ». Chang Li,
nhà sử học Đài Loan thuộc Academia Sinica lấy làm tiếc.
Vương miện cho Tập Cận Bình ?
Cuộc diễn binh hôm nay nhằm củng cố tính chính danh của ĐCSTQ «
qua việc nhào nặn nên ý tưởng là không có đảng Cộng sản, sẽ không có một nước
Trung Quốc tân tiến ngày nay ». Ông Lâm Hòa Lập (Willy Lam), chuyên
gia về Trung Quốc của trường đại học Hồng Kông nhận xét.
Ông khẳng định : «
Tập Cận Bình và đảng Cộng sản muốn chiếm đoạt lấy vinh dự đã chiến thắng quân
Nhật, cho dù một dấu hỏi rất lớn vẫn treo lơ lửng trên mưu đồ này ».
Lâm Hòa Lập phân tích : «
Một cuộc diễn binh là một lề thói chính trị đã được bắt rễ vững chắc. Một khi
người lãnh tụ tối cao mới không tổ chức duyệt binh để đứng ở vị trí cao nhất,
ông ta không thể trở thành nhân vật số một không tranh cãi được ».
Chuyên gia này cho rằng cuộc diễn binh hôm nay là « chiếc vương miện » gắn lên đầu ông hoàng
đế đỏ, lên cầm quyền năm 2012.
Sau chiến thắng năm 1945, hai phe Quốc Cộng đã lao vào cuộc nội
chiến, và nhờ được Liên Xô giúp đỡ, đảng Cộng sản Trung Quốc đã giành được
quyền lực vào năm 1949, khiến phe Quốc dân đảng phải chạy sang Đài Loan. Đài Bắc
mới đây đã lên án cuộc diễn binh ở Bắc Kinh là một sự bóp méo lịch sử.
Người thợ làm bánh TT Chen đến Đài Loan năm mới lên ba tuổi cùng
với gia đình, vốn là một trong bốn đại gia tộc của chính quyền Quốc dân đảng.
Cách đây hơn chục năm, ông quay lại Hoa lục và mở tiệm bánh ngọt tại Bắc Kinh.
Cũng giống như các cửa hàng khác ở thủ đô Trung Quốc, ông phải đóng cửa tiệm
trong thời gian duyệt binh. Đối với ông, «
tất cả những thứ đó chỉ để phục vụ cho tuyên truyền cộng sản ».
__._,_.___
No comments:
Post a Comment