Tranh
cãi gay gắt về việc cấp phép xả thải cho Formosa
Vào sáng ngày 30/12/2016, tại trụ sở Bộ Tài nguyên Môi trường diễn
ra buổi làm việc giữa các luật sư đại diện cho các hộ dân Kỳ Anh (Hà Tĩnh) và
Bộ Tài nguyên Môi trường về tính pháp lý xung quanh quyết định Bộ này cấp phép
xả thải cho Formosa.
Đại diện các hộ dân Kỳ Anh gồm Luật sư Trần Vũ Hải, Luật sư Ngô
Anh Tuấn, và Trợ lý Luật sư Hải. Đại diện phía Bộ Tài nguyên Môi trường (Bộ
TNMT) có Ông Lê Văn Hợp, Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Chủ trì buổi làm việc; Ông
Hoàng Văn Bảy, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước; và các chuyên viên của
Bộ.
Mở đầu màn “chào hỏi”, đại diện Bộ TNMT than phiền về việc mời một
mình Luật sư Trần Vũ Hải thôi, sao lại có tới cả hai người khác đi cùng. Sau
hồi tranh luận căng thẳng ngay từ màn chào hỏi, Luật sư Hải đã giữ được nguyên
quân số của mình cho buổi làm việc.
Bắt đầu buổi làm việc, Vụ trưởng vụ Pháp chế, người chủ trì buổi
làm việc khẳng định đây là buổi làm việc riêng và đề nghị các luật sư không
được ghi âm, chụp hình, nhưng các luật sư không đồng tình với đề nghị này.
Luật sư Trần Vũ Hải yêu cầu nội dung buổi làm việc hôm nay phải
được lập biên bản để có cơ sở pháp lý cho cả hai bên tiếp tục thực hiện quyền và
nghĩa vụ của mình sau này. Vụ trưởng Lê Văn Hợp không đồng ý, và ông kiên
quyết: “Không ghi biên bản, đây là buổi “trao đổi cởi mở” chứ không nên lập
thành văn bản làm gì”.
Nội dung chính của buổi làm việc, Luật sư Trần Vũ Hải nêu ra việc
cấp Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước mà Cục Quản lý Tài nguyên nước thuộc
Bộ TNMT đã cấp cho Formosa năm 2015 trái pháp luật vì đã không tham vấn ý kiến
cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng theo đúng quy định tại Phụ lục 9, Thông tư
27/2014/TT-BTNMT.
Luật sư Ngô Anh Tuấn qua các buổi tiếp xúc trực tiếp với người dân
ở đây cho biết: “Tất cả những người dân được hỏi đều cho biết họ hoàn toàn
không được lấy ý kiến – ngoài việc biết có dự án thép Formosa thì họ không hề
có thêm thông tin nào khác, đặc biệt là sự ảnh hưởng của dự án tới môi trường.
Cả ông Hợp và ông Bảy đại diện cho Bộ TNMT đều cho rằng, việc
cấp phép xả thải cho Formosa là hoàn toàn đúng pháp luật. Hai ông có dẫn ra một số tài liệu pháp luật về
tài nguyên nước và môi trường nhưng tuyệt nhiên không đề cập đến các tài liệu
liên quan tới việc cấp Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước cho Formosa mà các
luật sư đã yêu cầu Bộ cung cấp.
Luật sư Tuấn nhận định, với những văn bản có được vào thời điểm
này, soi vào các văn bản luật hiện hành, không chỉ Giấy phép xả nước thải vào
nguồn nước được cấp sai mà ngay cả việc phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi
trường của dự án này cũng làm sai nốt.
Trong suốt buổi làm việc gần 02 giờ đồng hồ, quan điểm của hai bên
vẫn bất đồng và gay gắt: Bên cho rằng sai, bên thì bảo đúng. Bên bảo sai đã nêu
cụ thể vấn đề chiếu theo quy định pháp luật, nhưng bên cho rằng việc làm của
mình là đúng lại không chịu cung cấp những tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu để
chứng minh.
Mục đích buổi làm việc của hai bên không đạt được.
Luật sư Hải nhiều lần khẳng định rằng, phía Bộ TNMT quanh co,
không minh bạch, không muốn đi vào nội dung chính mà người dân và luật sư đã
nêu. Ông yêu cầu Bộ phải có văn bản trả lời – buổi làm việc dạng như thế này sẽ
không mang lại hiệu quả thực tế.
Cuối buổi làm việc, Người chủ trì buổi làm việc khẳng định sẽ báo
cáo lại Bộ trưởng và Bộ trưởng sẽ có văn bản trả lời chính thức. Ông bổ sung
thêm, thảm họa môi trường xảy ra là do lỗi của Formosa và họ đã khắc phục lỗi,
cả hệ thống chính quyền cũng đang ra sức khắc phục hậu quả – thảm họa này không
phải do việc cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước gây ra nên đề nghị các
luật sư không đào sâu vấn đề này.
Phía luật sư nêu quan điểm, lỗi lớn là do Formosa nhưng các cơ quan có thẩm quyền cũng có
trách nhiệm không hề nhỏ khi đã lơ là trong việc thực hiện quyền và trách nhiệm
của mình đối với dự án này, đối với kế sinh nhai và sinh mệnh của hàng triệu
người dân miền Trung.
Phía luật sư đã dẫn chứng rằng, nếu việc cấp phép xả thải cho
Formosa trải qua đầy đủ các công đoạn cần thiết theo quy định pháp luật thì có
lẽ đã không có một thảm họa môi trường biển như hiện nay – nhưng Bộ đã đã không
làm vậy – các giấy phép đã được
cấp một cách không thể nhanh hơn với thủ tục tinh giản tới mức lờ đi cả một số
quy định của luật.
Qua đó phía luật sư yêu cầu cơ quan có thẩm quyền phải nghiêm túc
nhìn nhận lại trách nhiệm của mình và có những động thái cụ thể, chấn chỉnh lại
hoạt động của Formosa cho đúng khuôn khổ của luật pháp Việt Nam, cần thiết rút
lại giấy phép xả thải cho Formosa để chấm dứt nguy cơ xảy ra thảm họa, và đảm
bảo cho việc phục hồi môi trường biển miền Trung. Nó cũng là lời cảnh tỉnh đối
với các doanh nghiệp khác đang có thái độ vô trách nhiệm với môi trường, vô
trách nhiệm với mạng sống người dân.
Các luật sư sẽ tiếp tục theo đuổi vụ việc cho tới khi vụ việc được
sáng tỏ, và đảm bảo việc bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng đúng với thiệt
hại của họ.
P.L.V.C.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment