Khởi động lại Formosa
ưu tiên nhà đầu tư nước ngoài hơn người dân Việt Nam
David Hutt
Phương Thảo dịch
(VNTB) – Cuộc tranh
cãi về Formosa không chỉ là cuộc đọ sức của lực lượng truyền thống với hiện đại
hóa mà còn làm lộ rất nhiều thách thức mà nhà nước độc đảng phải đối mặt. Các
nhà bình luận đã lưu ý rằng các hoạt động môi trường quanh sự cố Formosa đã gây
ra những vấn đề đặc biệt cho chế độ cai trị.
Lời nói…
Việt Nam sẵn sàng cho phép nhà máy thép Formosa của Tập đoàn Nhựa
Đài Loan hoạt động thử nghiệm lại sau một năm Formosa thải chất thải độc hại
làm ô nhiễm hơn 200 km đường bờ biển của Việt Nam trải dài trong bốn tỉnh.
Theo ước tính chính thức, vụ tràn dầu độc hại này, được xem là
thảm hoạ môi trường nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, đã cho cá chết hàng loạt
và ảnh hưởng đến ít nhất 250.000 người lao động sống nhờ vào nghề cá. Các nhà
phân tích độc lập đưa số thiệt hại còn cao hơn cho môi trường và con người.
Trong tháng này, Bộ Môi trường công bố rằng Nhà máy thép Formosa
Hà Tĩnh đã giải quyết được 52 trong tổng số 53 vụ vi phạm được xác định trong
cuộc điều tra chính thức về nguyên nhân và hậu quả của sự cố xả thải. Chính phủ
vẫn cần phải có bước xét duyệt cuối cùng trước khi bắt đầu chạy thử nghiệm lò
thép trị giá 11 tỷ đô la Mỹ.
Formosa đã cho biết sẽ đầu tư thêm 350 triệu đô la Mỹ vào dự án,
một phần trong đó sẽ được chi cho việc cải thiện các biện pháp an toàn môi
trường. Tuy nhiên, nhà máy sẽ không thay thế hệ thống cốc ‘ướt’ vốn đã gây ra
sự cố xả thải vào năm ngoái, với hệ thống cốc ‘khô’ an toàn hơn nhưng tốn kém
hơn mãi cho đến năm 2019.
Formosa cho biết họ hy vọng sẽ lại bắt đầu hoạt động kinh doanh
vào cuối năm nay. Một giám đốc điều hành công ty cho Reuters hay: “Chúng tôi sẽ
không để xảy ra thêm sai lầm nữa.”
Có đi đôi với việc làm?
Sự thật trước đây không phải như vậy. Sự cố xả thải tháng Tư năm rồi
đã gây ra các cuộc biểu tình hiếm có với quy mô lớn, bao gồm cả những lời kêu
gọi xúc động về trách nhiệm giải trình của chính phủ và các biện pháp trừng
phạt Formosa, một số nhà phân tích cho rằng đây là phong trào bất tuân dân sự
lớn nhất của Việt Nam trong suốt hơn bốn thập kỷ Đảng Cộng sản cai trị đất
nước.
Chính phủ đã đáp trả lại nặng tay khác thường, bắt giữ khoảng 500
người, một vài người trong số đó vẫn bị tạm giam về tội chống phá nhà nước hoặc
các tội hình sự hình sự khác. Họ là các nhà hoạt động độc lập và các blogger đã
lên tiếng về sự liên kết của các thành viên cao cấp trong Đảng với Formosa cũng
như các điều khoản không rõ ràng về cách giải quyết của thảm hoạ.
Tháng 6 năm 2016, hơn hai tháng sau vụ xả thải, chính phủ cuối
cùng đã thừa nhận rằng Formosa phải chịu trách nhiệm, chính phủ cam kết điều
tra thảm họa và yêu cầu Formosa bồi thường 500 triệu USD. Vào thời điểm đó, một
số người lý giải đây là một phản ứng hiếm có của chính phủ đối với áp lực công
chúng.
Một năm sau thảm hoạ, việc người dân không hài lòng vẫn còn gay
gắt vì chính phủ đã ủng hộ nước ngoài chống lại lợi ích người dân. Ngày 6 tháng
4, các cuộc biểu tình mới lại diễn ra tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng
Bình, tất cả các khu vực này đã bị ảnh hưởng xấu do việc xả thải độc hại.
Theo tin tức trên báo và mạng xã hội, ngư dân ở các tỉnh này cho
biết biển vẫn còn bị ô nhiễm. Nhiều người đã buộc phải bỏ khai thác thuỷ sản
chuyển sang các ngành nghề khác, làm suy giảm các làng chài lưới. Bộ môi trường
cho biết các khu vực bị ảnh hưởng có thể phải mất 10 năm mới có thể phục hồi
lại hoàn toàn.
Một bức ảnh đăng trên Facebook về cuộc mít tinh tháng này có hình
ảnh một người biểu tình mang theo biểu ngữ: “Chính phủ lấy tiền, người dân chịu
họa.” Nhưng ở một đất nước không có dân chủ và nhân quyền, chế độ cộng sản biết
rằng một nền kinh tế đang phát triển nhanh nhờ đầu tư công nghiệp nước ngoài là
nguồn chính danh của chính phủ.
Đoàn tàu nghiêng
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trung bình 6% trong thập kỷ qua,
với GDP bình quân đầu người tăng gấp đôi kể từ đầu những năm 2000. Tuy nhiên,
tới đây quốc gia hàng đầu về kinh tế của Đông Nam Á có thể sẽ khó khăn hơn. Ông
Ngô Thắng Lợi, nhà kinh tế học thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân, mô tả nền kinh
tế như là “một đoàn tàu đang chạy nghiêng với tốc độ chậm”.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê vào tháng trước, Việt Nam ghi
nhận mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng ba năm qua. Việc tư nhân hóa các
doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả hay “cổ phần hoá” đã không diễn ra nhanh như
nhiều người mong đợi, dẫn tới việc cản trở nguồn lực của chính phủ.
Quyết định rút khỏi TPP của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong
ngày đầu tiên của ông nhậm chức đã ảnh hưởng nặng đến Việt Nam. Nền kinh tế dựa
vào xuất khẩu này xuất gần 40% sản phẩm sang Mỹ. Những khoản thu này được dự
tính sẽ tăng trưởng đáng kể theo TPP.
Ngân hàng đầu tư Credit Suisse, ước tính trong báo cáo tháng Giêng
rằng việc Trump đe doạ áp dụng thuế biên và thuế suất cao hơn đối với mặt hàng
nhập khẩu vào Hoa Kỳ nếu nhằm vào Hà Nội, thì có nghĩa GDP của Việt Nam sẽ giảm
đi 0,9% trong năm nay.
Việc không chắc chắn về kinh tế này có thể giải thích tại sao
chính phủ lại đẩy nhanh việc mở tại hoạt động của Formosa, một trong những nhà
máy có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam. Ngoài các nhà máy sản xuất
thép, Formosa có kế hoạch mở rộng cơ sở rộng hơn bao gồm cảng nước sâu và khu
phức hợp nhiệt điện lớn nhất của loại hình này ở Đông Nam Á một khi hoàn tất.
Tháng 4 năm ngoái, khi thảm hoạ môi trường xảy ra, một người phát
ngôn của Formosa đã gợi ý rằng Việt Nam sẽ phải chọn lựa giữa đánh bắt cá hoặc
ngành công nghiệp thép hiện đại. Lời gợi ý nhạo báng này đã làm dấy lên khẩu
hiệu phổ biến trên mạng truyền thông xã hội tại Việt Nam, “#Tôi Chọn Cá – #IChooseFish”.
Khoảng 70% trong số 90 triệu người dân Việt Nam vẫn sống và làm
việc ở các vùng nông thôn. Chính phủ cộng sản đã đưa ra một viễn cảnh tạo ra
một quốc gia hiện đại và công nghiệp hóa vào năm 2035, một kế hoạch phụ thuộc
vào mức độ tăng trưởng kinh tế cao do đầu tư nước ngoài.
Cuộc tranh cãi về Formosa không chỉ là cuộc đọ sức của lực lượng
truyền thống với hiện đại hóa mà còn làm lộ rất nhiều thách thức mà nhà nước
độc đảng phải đối mặt. Các nhà bình luận đã lưu ý rằng các hoạt động môi trường
quanh sự cố Formosa đã gây ra những vấn đề đặc biệt cho chế độ cai trị.
Phản ứng của chính phủ – là lắng nghe những thông điệp môi trường
nhưng lại kiểm duyệt và đàn áp các cá nhân dẫn dắt chiến dịch đó – có thể đã
xoa dịu được một số người ủng hộ đảng.
Tuy nhiên, các cuộc biểu tình, hiện đang bùng nổ trong bối cảnh kế
hoạch khởi động lại và mở rộng nhà máy Formosa gây ô nhiễm trước đây, đã chứng
tỏ ảnh hưởng sâu xa của một bộ phận xã hội vốn ngày càng cảm thấy mạnh dạn hơn
trong việc phản đối với sự cai trị của Đảng Cộng sản.
D.H.
———————
Nguồn bản gốc: http://www.atimes.com/article/formosa-factory-restart-favors-foreign-local-interests/
__._,_.___
No comments:
Post a Comment