Tâm thư của một nữ doanh nhân ‘yêu nước’ gửi TBT Nguyễn Phú Trọng
29/06/2018
Trong một bức thư ngỏ đăng trên Facebook hôm 20
tháng 6, bà Lê Hoài Anh – người tự nhận là một doanh nhân yêu nước – gọi ông
Trọng bằng “bác” và yêu cầu ông cho biết chế độ mà ông muốn bảo vệ “là chế độ
nào” – nhắc tới một phát biểu trước đó của ông nói rằng “cần có Luật An ninh
mạng để bảo vệ chế độ, không để muốn nói gì thì nói, muốn chửi ai thì chửi.”
Người hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị HAL Group và thường xuyên
làm từ thiện yêu cầu ông Trọng cho biết chế độ mà ông muốn bảo vệ “là chế độ
nào?”
Bà đặt câu hỏi: “Có phải là chế độ của Đảng Cộng Sản Việt Nam
không ạ???”
Những bức xúc này (của người dân) tăng rất
nhiều so với trước đây. Không phải chỉ riêng tôi mà tất cả mọi người đều cảm
thấy rằng bức xúc của người dân là có cơ sở và chính phủ phải quan tâm giải
quyết. Còn nếu không bất ổn trong xã hội sẽ ngày càng tăng.
Lê Hoài Anh, Chủ tịch HDQT HAL Group
Ông Trọng đưa ra phát biểu về sự cần thiết có luật an ninh mạng
trong một buổi tiếp xúc cử tri tại Hà Nội hôm 17/6.
Dự luật An ninh mạng, với tiêu chí bảo vệ ‘an ninh quốc gia’ được Quốc
hội Việt Nam thông qua hôm 12/6 với 86% phiếu đồng ý. Tuy nhiên dự luật này bị
người dân trong nước phản đối và cộng đồng quốc tế chỉ trích vì họ cho rằng nó
sẽ giúp nhà cầm quyền bóp nghẹt tự do ngôn luận trên mạng Internet và hạn chế
quyền con người cũng như quyền công dân.
Đối với những nhà hoạt động thường đưa ra các ý kiến trái chiều
với Đảng Cộng sản hay chỉ trích cách điều hành của chính phủ thì bộ luật mới là
một công cụ để nhà cầm quyền siết chặt việc quản lý họ, theo nhà hoạt động dân
chủ Nguyễn Chí Tuyến.
“Luật An ninh mạng với những điều khoản không rõ ràng như thế thì
rất dễ để quy chụp ai là phản động,” theo bà Hoài Anh.
Theo nữ doanh nhân 53 tuổi, điều này sẽ đóng góp thêm vào sự bất
ổn trong xã hội vì những người, bao gồm cả bản thân bà Hoài Anh, khi lên tiếng
trước những “đau xót của người dân” sẽ dễ bị quy là phản động.
Việc thông qua dự luật an ninh mạng, cùng với việc Quốc hội xem
xét thông qua Luật Đặc khu, đã làm dấy lên các cuộc biểu tình trong cả nước vào
các ngày cuối tuần từ giữa tháng 6.
Bất ổn và bức xúc
Trong bức thư ngỏ được đưa lên Facebook cá nhân hôm 20/6 và được nhiều
người chia sẻ, bà Hoài Anh – người tự nhận mình là “ôn hòa, không theo đảng
phái” và “chỉ muốn sự hòa bình, ổn định cho người dân” – đề cập đến những bức
xúc khác của công chúng như mối nguy mất chủ quyền quốc gia khi “Trung Quốc
dùng vũ lực lấn chiếm phi pháp Hoàng Sa, Trường Sa”, hay người dân bị tàu Trung
Quốc ức hiếp trên Biển Đông, cũng như thảm họa môi trường Formosa gây ra, và
nạn tham nhũng trong nước.
Người từng từng đóng góp 140 tỷ đồng trong 15 năm qua cho biết qua
những chuyến công tác hay những chuyến đi từ thiện đến các vùng quê nghèo hay
vùng lũ lụt, bà Hoài Anh được tiếp xúc với nhiều người dân và họ cho biết những
bức xúc của họ về những chính sách của chính phủ cũng như những bất công trong
xã hội đang tăng cao.
“Những bức xúc này (của người dân) tăng rất nhiều so với trước
đây. Không phải chỉ riêng tôi mà tất cả mọi người đều cảm thấy rằng bức xúc của
người dân là có cơ sở và chính phủ phải quan tâm giải quyết. Còn nếu không bất
ổn trong xã hội sẽ ngày càng tăng.”
Bà Hoài Anh, người có ông nội là một nhà tư sản tri thức yêu nước nhưng
bị “chết một cách tức tưởi và oan sai trong cuộc Cải cách ruộng đất ở miền Bắc
năm 1953”, thắc mắc trong bức thư gửi ông Trọng rằng liệu “tiêu chí của Đảng
Cộng sản Việt Nam là ‘Của dân, do dân và vì dân’ có còn được gìn giữ” nữa
không? Bà kêu gọi người đứng đầu Đảng Cộng Sản Việt Nam và những đảng viên khác
hãy “lắng nghe tiếng dân.”
Với tiếng nói của một nữ doanh nhân có ảnh hưởng, bà Hoài Anh –
người có hơn 290.000 người theo dõi trên Facebook – cho biết bà muốn thông qua
bức thư ngỏ này đưa được tiếng nói của người dân tới người đứng đầu Đảng Cộng
Sản và hy vọng “ông Tổng Bí Thư trả lời.”
Theo truyền thông trong nước, nữ doanh nhân này đã nhiều lần góp tiếng
nói riêng của bản thân vào vấn đề chung của xã hội và là người đứng ra kêu gọi
cộng đồng ủng hộ tiền và hỗ trợ pháp lý trong vụ án Đoàn Thị Hương, người bị
nghi tham gia ám sát Kim Jong Nam, anh em cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Hàn
Kim Jong Un. Bà là một doanh nhân tiên phong trong việc đưa các dòng thương
hiệu mỹ phẩm cao cấp vào thị trường Việt Nam và đã làm nên thành công từ hai
bàn tay trắng sau những biến cố của gia đình để trở thành một triệu phú đô la
lúc mới 20 tuổi.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment