“…Một mối nguy hiểm là
các chính sách hòa hoãn thay vì có thể làm dịu mối quan hệ lại có thể thổi bùng
cơn kích động bài Trung. Mối hoài nghi đối với TQ có thể vượt tầm kiểm soát…”
“Quyền lực nhọn” và trò
đâm thọc của Trung Quốc
Trung Quốc dùng “quyền
lực nhọn” để bịt miệng những chỉ trích ở phương Tây và âm thầm lèo lái dư luận
theo hướng có lợi.
Một năm qua, dư luận Úc
bị cuốn vào câu chuyện gay cấn đầy những hoài nghi, mưu mô quấy phá và những
nhân vật đáng ngờ. Ở chương mới nhất của câu chuyện này xuất hiện nhân vật Sam
Dastyari, chính trị gia người Úc gốc Iran, thuộc Đảng Lao động, người vừa từ
chức nghị sĩ Quốc hội vào ngày 12/12/2017. Một bản ghi âm được công bố cho thấy
ông kêu gọi Úc phải “tôn trọng” yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc (TQ) tại Biển
Đông, đi ngược lại chính sách của cả Chính phủ Úc lẫn của Đảng Lao động mà ông
là đảng viên, đồng thời xác minh những cáo buộc trước đó chống lại ông là đúng.
Ông còn tìm cách ngăn chặn phát ngôn viên ngoại giao của Đảng Lao động gặp gỡ
một nhà hoạt động dân chủ tại Hong Kong. Một năm trước nữa, ông bị ép buộc phải
rời chức vụ trong hàng ngũ đối lập, sau khi có cáo buộc ông nhận tiền của Hoàng
Tương Mô (Huang Xiangmo), một doanh nhân gốc Hoa có quan hệ thân thiết với Đảng
Cộng sản TQ, điều này xảy ra cùng lúc ông lên tiếng ủng hộ yêu sách chủ quyền
của TQ.
Rất nhiều chứng cớ cho
thấy TQ đã nhúng tay vào chính trị và vào sinh hoạt đại học, và điều này khiến
lãnh đạo cơ quan tình báo Úc phải cảnh báo rằng đất nước đang đối đầu với sự
can thiệp từ nước ngoài với “quy mô chưa từng có”. Thủ tướng Úc, ông Malcolm
Turnbull, cũng thực sự lo lắng. Các tiết lộ khác cho thấy hai công ty TQ, một
do Hoàng Tương Mô điều hành, đã ủng hộ một cách hợp pháp 6,7 triệu đô-la Úc (5
triệu đô-la Mỹ) trong 10 năm qua cho hai chính đảng chủ chốt tại Úc. Ngày
5/12/2017, chính quyền đã công bố luật cấm nhận những khoản đóng góp chính trị
từ các đối tượng không phải là công dân Úc và đòi hỏi giới vận động chính trị
hành lang phải khai báo nếu họ làm việc cho nước ngoài.
Úc không đơn lẻ trong vụ
này. Tháng 9/2017, tờ Financial Times cho biết một dân biểu New Zealand,
từng dạy học tại trường đào tạo gián điệp TQ trong nhiều năm, đã không khai báo
thông tin này trong lý lịch khi làm đơn xin quốc tịch. Chuyện này khiến ngày
càng có nhiều khuyến cáo phải điều tra kỹ hơn về ảnh hưởng của TQ đối với cộng
đồng Hoa kiều tại New Zealand. Trong khi đó, cơ quan tình báo Canada từ lâu đã
lo ngại về việc TQ cài người: năm 2010 họ đã cảnh báo rằng một số giám đốc cơ
quan và công chức chính quyền tỉnh là những “đặc tình dư luận”(*).
TQ có vẻ cũng đang bận
rộn tại Châu Âu không kém. Cơ quan tình báo Đức tuần này tố cáo TQ dùng mạng xã
hội để liên hệ với 10.000 công dân Đức, trong số đó có các dân biểu, nghị sĩ và
công chức, với hy vọng “lượm lặt thông tin và tìm người làm đầu mối”. Cũng có
báo cáo cho thấy tình báo TQ đã tìm cách đỡ đầu cho các chính khách đang lên
tại Anh Quốc, đặc biệt những ai có quan hệ làm ăn với TQ. Ngày 13/12/2017, Mỹ
bắt đầu điều tra khả năng TQ can thiệp khi Uỷ ban Hành pháp Thượng viện về TQ
bắt đầu phiên điều trần về những chiêu thức TQ theo đuổi để thao túng chính
trị.
Không mềm, mà là chọc
mũi nhọn
Chiêu thức của TQ có thể
gọi là “quyền lực nhọn” (sharp power). “Nhọn” vì nó không phải là “quyền lực
cứng” vốn dùng sức mạnh quân sự hoặc kinh tế để gây ảnh hưởng; và “nhọn” cũng
rất khác với “quyền lực mềm” vốn thu hút bằng văn hoá và các giá trị tinh thần
khác. Nhưng chiêu thức này tinh quái hơn nhiều. “Quyền lực nhọn” là cụm từ được
Quỹ Quốc gia vì Dân chủ (National Endownment for Democracy – NED) đặt tên (Quỹ
NED cũng là viện nghiên cứu, có trụ sở tại Washington DC và phần lớn được Quốc
hội Mỹ đài thọ).
Quyền lực nhọn hoạt động
bằng cách thao túng và gây sức ép. Giáo sư Anne-Marie Brady của Đại học
Canterbury tại New Zealand gọi hành vi lũng đoạn của TQ là “một trận chiến toàn
cầu” nhằm “định hướng, mua chuộc và tạo áp lực để gây ảnh hưởng chính trị”.
Kết quả của chiêu thức
này khác thời chiến tranh lạnh, ít nguy hiểm hơn nhưng khó đương đầu hơn. Trước
đây, Liên Xô và phương Tây là hai kẻ thù công khai, còn hiện giờ, TQ lại là một
bạn hàng được tận tình ve vãn, vì họ đã đầu tư những khoản tiền khổng lồ khắp
nơi trên thế giới (xem Biểu đồ 1). Điều này tự nhiên tạo cho họ nhiều ảnh
hưởng, và họ dùng ảnh hưởng đó để nhào nặn các cuộc tranh luận ở hải ngoại nhằm
khoá miệng những tiếng nói chỉ trích nhắm vào hệ thống chính trị, các vụ vi
phạm nhân quyền và các yêu sách chủ quyền quá đáng. Đặc biệt, họ muốn bịt miệng
những cuộc thảo luận liên quan đến Đức Đại Lai Lạt Ma, đến Pháp Luân Công (một
phong trào tu tập bị đặt ngoài vòng pháp luật), và về cuộc đấu tranh tại Quảng trường
Thiên An Môn năm 1989.
Biểu đồ 1: Hướng ngoại. Đầu tư trực tiếp của TQ ra nước ngoài. Tính bằng tỉ USD.
TQ không phải là nước
duy nhất tìm cách nhào nặn cách thế giới nhìn mình. Và chiêu thức “nhọn” của
họ, dù đang tăng nhanh, không phải là cách đầu tiên được dùng. Nhiều năm trước,
họ đã thường xuyên tìm cách bịt miệng những tiếng nói chỉ trích nền chính trị
TQ: họ từ chối cấp visa cho các nhà báo và học giả hay phê phán, họ lạnh nhạt
với các chính phủ và công ty không ủng hộ lập trường của TQ. Họ cũng tìm cách
giám sát và kiểm soát các cộng đồng Hoa kiều sống ở hải ngoại, thông qua các cơ
quan truyền thông nói tiếng Trung và các đoàn thể do TQ hậu thuẫn.
TQ từ lâu cũng đã dùng
quyền lực mềm để tạo ảnh hưởng. Khoảng 500 Viện Khổng Tử, do chính quyền TQ tài
trợ và cung cấp nhân sự, đang hoạt động tại các trường đại học, cùng 1000 “Lớp
Khổng học” tại các trường khắp thế giới, hầu hết là tại các nước giàu. Các học
viện này hoạt động tốt khi dạy tiếng Trung cho người nước ngoài, nhưng khó có
thể thuyết phục học viên phương Tây rằng chế độ độc tài TQ là đáng ca ngợi, dù
hết sức cố gắng.
“Quyền lực nhọn” là bước
nối tiếp cho những chiêu thức trên và là trò đâm chọc thâm hiểm hơn nhiều. Đó
là chiêu thức nhằm xâm nhập và phá hỏng sinh hoạt chính trị, sinh hoạt truyền
thông và sinh hoạt học thuật, kín đáo tạo dựng một hình ảnh tích cực về TQ,
đồng thời xuyên tạc và bóp méo thông tin để đè bẹp giới bất đồng và các cuộc
tranh luận tự do. Quyền lực nhọn của TQ có ba đặc tính sắc nét: Nó diễn ra
khắp nơi, nó thúc đẩy tự kiểm duyệt, và rất khó để chứng minh có
bàn tay của nhà nước TQ nhúng vào.
Cú huých nhọn hoắc
Hãy bàn về đặc tính đầu
tiên: nó diễn ra khắp nơi. Hầu hết các chính phủ và cơ quan tình báo các nước
đã mặc kệ việc TQ thao túng vì họ tin rằng việc nhà nước TQ giám sát và can
thiệp là chủ yếu nhắm vào cộng đồng Hoa kiều ở nước họ. Nhưng họ đã sai lầm.
Mục tiêu của TQ giờ đây rõ ràng là nhắm vào cả xã hội rộng lớn.
Các Viện Khổng Tử cũng
trở thành một mũi nhọn đáng gờm hơn. Nhiều đại học phương Tây thiếu tiền đã
phải bỏ khoá học ngôn ngữ của mình mà dùng giáo trình do Viện Khổng Tử soạn
thảo. Tại một số trường, các Viện này còn chủ động đưa ra các giáo trình Trung
Quốc học hoàn toàn mới. Hầu hết các Viện này không tích cực rêu rao đường lối
của đảng, nhưng họ thường né tránh các cuộc tranh luận về TQ bằng cách lèo lái
nội dung thảo luận tránh xa các đề tài nhạy cảm.
Thỉnh thoảng, mục đích
của TQ cũng trở nên lộ liễu. Các tổ chức do nhà nước hậu thuẫn, như Hội Sinh
viên và Học giả TQ (Chinese Students and Scholars Association - CSSA), thường
do Đại sứ quán TQ tài trợ, đã trở nên quả quyết hơn nhiều. Hội CSSA thường giúp
đỡ ngày càng nhiều sinh viên TQ trong các đại học nước ngoài (xem Biểu đồ 2).
Họ giúp sinh viên ổn định cuộc sống, bằng cách, chẳng hạn, tổ chức các sự kiện
xã hội. Hội còn theo dõi sinh viên và có khi báo cáo với chính quyền trong nước
về những người tham gia các hoạt động được cho là thù địch với đảng (một học
giả Úc cho biết vì lý do này, nhiều sinh viên TQ xin được xếp vào các nhóm học
tập không có người TQ nào khác).
Biểu đồ 2: Đi ngày đàng học sàng khôn. Số sinh viên Trung Quốc theo học đại học ở nước ngoài.
Tính theo số ngàn.
Việc lên tiếng vì bị TQ
lũng đoạn ngày càng lan rộng tại các nước dân chủ phương Tây. Làn sóng này cũng
đang lên cao tại Mỹ, nơi ảnh hưởng của TQ đến nay hầu hết vẫn nằm ngoài tầm
quan sát của giới hữu trách. Tuy nhiên, ông James Clapper, Giám đốc Sở tình báo
quốc gia cho đến tháng 1/2017, sau khi rời vị trí, đã lên tiếng cảnh báo về sự
nguy hiểm của thái độ lạc quan tếu, ông nói ảnh hưởng ngày càng lớn của TQ đang
đe doạ sẽ phá vỡ “những giá trị hết sức nền tảng” của hệ thống chính trị tại Mỹ
và Úc.
Một số lãnh tụ chính
trị, học giả và chuyên gia đã bắt đầu chống trả. Tại phiên điều trần ở Quốc hội
Mỹ tuần này, Thượng Nghị sĩ Marco Rubio, đồng Chủ tịch Uỷ hội Hành pháp Thượng
viện về TQ, bày tỏ nỗi bức xúc vì các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo
doanh nghiệp gần như cứ “ngủ quên” trong khi TQ ngấm ngầm tấn công vào tính độc
lập của giới đại học và tự do ngôn luận, đồng thời chiêu dụ các công ty và đại
học Mỹ bị choáng ngợp trước kích cỡ vĩ đại của thị trường TQ.
Phiên điều trần tại Quốc
hội cũng bàn về những chiêu thức phức tạp nhằm kiểm soát sinh viên TQ theo học
tại Mỹ. Sophie Richardson thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights
Watch), kể chuyện công an TQ đã đến thăm cha mẹ của một sinh viên vì hai ngày
trước đó sinh viên này đã nêu lên những “đề tài nhạy cảm” trong một buổi họp
nhóm tại một đại học Mỹ. Thượng Nghị sĩ Rubio cũng chú ý đến toan tính của
chính quyền TQ nhằm ngăn cản sinh viên ghi danh tại Đại học California ở San
Diego, sau khi Đức Đạt Lai Lạt Ma đọc diễn văn tại trường này. Trong khi đó,
việc TQ tìm cách chiêu dụ các công chức và học giả Mỹ, cấp tiểu bang lẫn địa
phương, vẫn tiếp tục diễn ra rầm rộ và nhanh chóng. Ông Rubio còn nói các hoạt
động vừa kể của TQ là “một vấn nạn địa chính trị hết sức quan trọng”.
Mục tiêu tức thì khi TQ
dùng “quyền lực nhọn” là khiến đối tượng “tự kiểm duyệt”. Điều này đôi khi phải
dùng áp lực mới đạt được. Tháng 8/2107, chính quyền TQ yêu cầu một số các nhà
xuất bản đại học kiểm duyệt cơ sở dữ liệu lưu trữ các nghiên cứu chuyên môn để
loại bỏ các bài vở có đề tài nhạy cảm như vụ đấu tranh tại Quảng trường Thiên
An Môn, vụ bất ổn của người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. Nhà Xuất bản Springer và
Nhà Xuất bản Đại học Cambridge (Cambridge University Press) đã bị chiêu dụ tuân
theo, nhưng sau khi bị chỉ trích kịch liệt ở phương Tây, Nhà Xuất bản Đại học
Cambridge đã phải phục hồi bài vở như cũ.
Tháng 11 vừa qua, không
kèn không trống, một nhà xuất bản Úc đã cho thu hồi cuốn sách có tên “Cuộc
xâm lăng thầm lặng” (The Silent Invasion), với lý do họ sợ bị các “đặc tình
dư luận của Bắc Kinh” kiện tội phỉ báng. Với những ai đã sẵn bức xúc về sự can
thiệp ngày càng nhiều của TQ, tin tức về vụ thu hồi sách càng xác nhận nỗi sợ
lớn nhất của họ, và cùng lúc chứng minh lập luận của tác giả – được đúc kết
trong tiêu đề dưới tên sách – “Trung Quốc đang biến Úc thành nước bù nhìn như
thế nào”.
Không chỉ các nhà xuất
bản cảm nhận được sức chèn ép của TQ. Một liên hoan phim của Pháp mùa hè vừa
qua cũng quyết định không công chiếu một phim truyện TQ vì phim vẽ nên một hình
ảnh tiêu điều và ảm đạm về TQ đương đại. Họ nêu lý do là bị “áp lực chính thức”
từ nhà cầm quyền TQ.
Quyền sở hữu của TQ
trong các công ty ngoại quốc cũng có thể là mối đe doạ lớn. Năm ngoái, 16 dân
biểu Mỹ đã yêu cầu chính quyền xem xét hoạt động của các công ty nước ngoài
trong một số công nghiệp chiến lược của Mỹ: đặc biệt, họ rất bất an với hoạt
động của công ty Đại Liên Vạn Đạt (Dalian Wanda), một công ty TQ sở hữu một
hãng phim Hollywood và hai chuỗi rạp chiếu phim tại Mỹ, vì “quan ngại ngày càng
lớn về việc TQ kiểm duyệt đề tài và tìm cách áp đặt kiểm soát và tuyên truyền
lên truyền thông Mỹ”.
Cánh tay nối dài của nhà
nước
Một số tổ chức được nhà
nước TQ hậu thuẫn còn tìm cách thắt chặt quan hệ với các viện nghiên cứu và đại
học phương Tây, một phần để giảm bớt các phê phán nhắm vào chế độ và chính sách
TQ. Theo lời ông Peter Mattis, thuộc Viện Nghiên cứu Jamestown tại Washington
DC, nhiều cơ quan như thế ở phương Tây đang khát tiền, nên việc nhận tiền từ
các tổ chức TQ (tất cả các tổ chức này ở TQ đều có quan hệ với đảng), đã trở
thành một việc làm “gần như hết sức bình thường”. Tại Úc thì ông Hoàng Tương
Mô, doanh nhân TQ từng đóng góp tiền của cho các đảng chính trị, cũng cho gần 2
triệu đô-la Úc để giúp Viện Quan hệ Úc-Trung, một viện nghiên cứu ở Sydney. Ông
Hoàng sau đó đã rút lui khỏi ban quản trị viện này.
Ngay khi không chịu áp
lực trực tiếp từ các quan chức TQ, nhiều vị đứng đầu các đại học phương Tây đôi
khi sợ mất các khoản tài trợ tương lai nếu các Giáo sư của họ làm phật lòng
Đảng Cộng sản TQ. Việc yêu cầu “lại quả” sau khi cấp tiền có thể diễn ra ở
những giai đoạn sau, còn trước mắt, giới học giả cho biết họ được yêu cầu làm
các việc nhẹ hơn, chẳng hạn như không mời một số diễn giả [bị cho là ‘có vấn
đề’] nào đó đến dự hội nghị.
Ảnh hưởng của TQ diễn ra
khắp nơi. Truyền thông TQ đã mở rộng hoạt động tại hải ngoại để trình làng một
hình ảnh tươi đẹp, được đảng kiểm duyệt về TQ. Một cuộc điều tra năm 2015 của
hãng tin Reuters tiết lộ rằng một cơ quan trực thuộc chính quyền TQ là Đài Phát
thanh Quốc tế Trung Quốc (China Radio International – CRI) đã bí mật tài trợ
cho ít nhất 33 đài phát thanh tại 14 quốc gia, trong đó có Úc và Mỹ. Tất cả tạo
thành một mạng lưới toàn cầu truyền phát thông tin có lợi cho TQ, hầu hết bằng
tiếng Anh và tiếng Trung, nhưng cũng có cả tiếng Ý, tiếng Thái và Thổ Nhĩ Kỳ.
Dĩ nhiên, quan hệ của chính quyền TQ với các đài phát thanh này đều được giấu
kín đàng sau những công ty bình phong.
Thường thì những cuộc
điều tra như thế không xác định được ai là người chịu trách nhiệm – đây lại là
một đặc điểm khác của “quyền lực nhọn”. Từ tháng 5/2017 đến nay, có bốn lần,
sinh viên (hầu hết là người TQ) bài xích các Giáo sư Úc vì họ “xúc phạm đến
tình cảm của người TQ” (một khiếu nại đầu môi của Đảng CS TQ). Bốn vị đó gồm:
Một giảng viên được cho là đã cố ý châm chọc người TQ khi ông viết thông báo
yêu cầu sinh viên không gian lận bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Trung. Một Giáo sư
khác dùng bản đồ cho thấy phiên bản của Ấn Độ về đoạn biên giới Hy Mã Lạp Sơn
đang có tranh chấp Ấn-Trung. Một Giáo sư khác nhắc đến Đài Loan như một quốc
gia độc lập. Và Giáo sư thứ tư dùng một tục ngữ TQ trong bài thi nói rằng quan
lại TQ chỉ dám nói sự thật khi “rượu vào lời ra” hoặc khi “bất cẩn”.
Điều bất ngờ là sau mỗi
sự việc vừa kể lại là một cơn bão những bình luận sôi động trên mạng xã hội và
những bài báo chỉ trích các Giáo sư. Có một trường hợp cả Lãnh sự quán TQ cũng
nhảy vào khiếu nại ăn theo. Hai trong số bốn đại học liên quan đã phải khấu đầu
chịu nhục: một Giáo sư phải xin lỗi trên truyền hình quốc gia; một Giáo sư khác
bị đình chỉ hoạt động; giảng viên thứ ba phải viết một bài xin lỗi dài ngoằng.
Có lẽ, sinh viên TQ ở hải ngoại cho rằng họ chỉ bày tỏ cảm xúc bực dọc khi lòng
yêu nước của họ bị đụng chạm, và với họ, điều đó không có gì là quá bất thường.
Tuy vậy, dù có bị giựt dây hay không, phản ứng dữ dội như thế có tác dụng khiến
người khác phải dè chừng khi muốn lên tiếng chỉ trích trong tương lai.
Ngay cả trường hợp của
ông Dastyari cũng khó chứng minh. Nhìn thì rõ là tệ hại. Thậm chí ông còn bị
một cựu nhân viên tình báo Úc gọi là “đặc tình dư luận”. Có tin cho rằng ông
ủng hộ lập trường TQ tại Biển Đông sau khi ông Hoàng Tương Mô cảnh báo là sẽ
ngưng tài trợ cho Đảng Lao động của Dastyari vì đảng này ủng hộ hoạt động của
hải quân Úc trong vùng biển tranh chấp. Chưa hết, trong một phiên họp sau khi
rời khỏi vị trí đối lập, ông Dastyari lại còn muốn bảo vệ ông Hoàng trước Sở
Phản gián Úc, bằng cách báo cho ông Hoàng rằng điện thoại của ông có thể bị
nghe lén.
Mặc dù vậy, đã không có
tội phạm nào bị truy tố trong vụ Dastyari. Ông Dastyari phủ nhận mọi sai phạm
và kiên quyết nói rằng đã không có gì ảnh hưởng đến những phát biểu của ông về
hoạt động của TQ tại Biển Đông, ngoài “quyền lợi quốc gia”. Chứng cớ thường
được viện dẫn nhất để chứng minh ông làm việc cho TQ là các quan hệ của ông
Hoàng với Đảng CS. Trên thực tế, cho đến tháng 11/2017, ông Hoàng đã là Chủ
tịch chi nhánh Úc của một tổ chức thân đảng, có tên là Hội đồng Trung Quốc Thúc
đẩy Thống nhất Quốc gia trong Hoà bình. Nghe thì rất đáng ngờ nhưng đó lại
không phải là chứng cớ về quan hệ của ông với đảng hoặc ông nhận chỉ thị từ
Đảng CS TQ.
Công thức thành công?
Quyền lực nhọn của TQ
liệu có thành công? Một trong những mục tiêu chính của chiêu thức này là ngăn
cản cộng đồng người Hoa ở hải ngoại làm tổn hại đến Đảng CS trong nước. Hiện
nay, dưới sự lãnh đạo độc đoán của Tập Cận Bình, môi trường chính trị đã thay
đổi lớn lao. Lần đầu tiên từ thời Mao Trạch Đông, TQ có một lãnh tụ mạnh mẽ nắm
quyền. Lãnh tụ đó đã đè bẹp các đối thủ và gieo rắc sợ hãi trong lòng giới quan
chức từ thấp đến cao với chiến dịch chống tham nhũng khốc liệt. Nhân quyền bị
chà đạp. TQ muốn chắc chắn rằng chính sách kiểm soát người dân trong nước sẽ
không bị hở sườn vì họ mất khả năng kiểm soát ở nước ngoài.
Mục tiêu khác của “quyền
lực nhọn” - tạo dư luận tích cực về TQ - khó đạt hơn nhiều. Với tư cách là một
cường quốc đang lên, TQ đương nhiên muốn làm cho thế giới trở nên thân thiện
hơn với các quyền lợi của mình. Ở lĩnh vực này, ông Tập cũng vượt xa các vị
tiền nhiệm. Đã qua rồi thời giấu mình ở ẩn trước mắt thế giới với chủ trương
“thao quang dưỡng hối” của Đặng Tiểu Bình. Ông Tập đã kêu gọi TQ hãy “lên tiếng
mạnh dạn hơn” trên sân khấu thế giới. Ông đã xây dựng hạ tầng cơ sở quân sự
trên các đảo nhân tạo còn đang tranh chấp trên Biển Đông, đã gửi tàu hải quân
đi tập trận với Nga ở những vùng biển xa tận Địa Trung Hải hay Biển Baltic, và vào
tháng 8/2017, đã khánh thành căn cứ quân sự hải ngoại đầu tiên tại
Djibouti(**).
Ngoài sức mạnh cứng vừa
nêu, TQ ra vẻ cũng muốn định vị bản thân như một công dân toàn cầu có trách
nhiệm. Nhưng “sức mạnh nhọn” là một vũ khí khó dùng, dù nó có tác dụng làm im
những lời chỉ trích và có thể tạo dư luận có lợi (xem Biểu đồ 3).
Biểu đồ 3: Chua và Ngọt: “Bạn có thiện cảm hay không có thiện cảm với TQ?”. Tỉ số là % số người phản ứng “có thiện cảm”
Nhưng, ít nhất là tại
Úc, sự ủng hộ đang lên dành cho TQ có thể bị đảo ngược vì hậu quả của vụ lùm
xùm vừa qua. Gần đây, tranh tường được dán tại một số trường đại học dọa đuổi
người Trung Quốc về nước; dòng chữ “Kill Chinese” (Giết Tàu”) được viết trên
vách một nhà vệ sinh tại Đại học Sydney, dưới dòng chữ còn vẽ chữ vạn ngược,
biểu tượng của Đức Quốc Xã; một số bạn tuổi teen gốc Hoa cũng bị đánh đập tại
một trạm xe buýt ở thủ đô Canberra, Úc.
“Sức mạnh nhọn” của TQ
đặt ra một bài toán hóc búa cho giới làm chính sách phương Tây. Một mối nguy
hiểm là các chính sách hòa hoãn thay vì có thể làm dịu mối quan hệ lại có thể
thổi bùng cơn kích động bài Trung. Mối hoài nghi đối với TQ có thể vượt tầm
kiểm soát. Rào cản đối với giới học thuật, với các dự án hợp tác kinh tế và văn
hóa với TQ có thể sẽ được dựng lên nhiều hơn. Thay vì học cách sống chung với
nhau thì TQ và phương Tây có thể rơi vào tình trạng đáng buồn là ngộ nhận lẫn
nhau.
Ngược lại, một mối nguy
khác là các nhà làm chính sách lại xem nhẹ nguy cơ TQ thao túng chính trị. Nếu
vậy thì công chúng và giới chính khách phương Tây đánh giá quá thấp mối đe doạ
đến từ một TQ đang trỗi dậy.
Làm thế nào để vừa có
thể quan hệ tốt với TQ vừa có thể tự bảo vệ trước đòn phép TQ? Ngay bây giờ, có
lẽ không ai biết phải làm thế nào cho đúng.
The Economist
Phan Trinh dịch
(*) “Agent of
influence”: Tạm dịch là “đặc tình dư luận” vì yếu tố bí mật và nhiệm vụ của họ.
Họ không “thu thập thông tin mật” như đặc vụ hay gián điệp mà là can thiệp,
xuyên tạc, bóp méo, tạo dựng dư luận có lợi cho nước ngoài mà họ có cảm tình
hoặc thông đồng, phục vụ. Những người này thường có vị trí và uy tín cao trong
xã hội, trong giới chính khách, khoa bảng, kinh doanh hay thế giới ngầm. Xem
thêm từ mục “agent of influence” trên Wikipedia: en.wikipedia.org/wiki/Agent_ of_influence (ND).
__._,_.___
No comments:
Post a Comment