Việt Nam: 'Phái kỹ trị như lá
mùa thu'?
Nguyễn
Giang bbcvietnamese.com
- 23
tháng 7 2015
Nhiều
tuần qua, cứ mỗi ngày đọc tin mạng từ Việt Nam tôi lại thấy có thêm chuyện về
các cố kỹ thuật, tai nạn gây thương vong.
Các ngành xây dựng, công nghiệp nặng và giao thông ‘đi đầu’
trong bản phong thần về tai nạn.
Hôm 21/7, tại quận 1, TPHCM, một xe đầu kéo gây tai nạn liên
hoàn vì tài xế không làm chủ tay lái khiến xe tông vào nhiều xe đang dừng đèn
đỏ, khiến bốn người bị thương.
Phạt lái xe là chuyện dễ nhưng cũng cần hỏi ai cho các xe phân
khối lớn, có tính năng công nghiệp lại 'chen vào' làn đường giao thông những
giờ bình thường?
Ở châu Âu, nhiều tuyến đường nội đô không cho xe tải to qua lại
ban ngày vì gây nguy hiểm và ô nhiễm trong khi ở Việt Nam, đường xá như thể là
biểu hiện của cuộc chơi ai gấu hơn thì thắng.
Báo Nhân
Dân hôm 17/06 viết:
“Thời gian gần đây, có nhiều vụ tai nạn, sự cố công trình, thiết
bị thi công gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như vụ sập giàn giáo tại cảng Sơn
Dương, dự án Formosa, khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh làm 13 người chết và 29
người bị thương; vụ cần cẩu đứt cáp tại Đồng Tháp khiến ba mẹ con tử vong ở
Đồng Tháp, nhiều vụ tai nạn trên công trường thi công tuyến đường sắt trên cao
Cát Linh - Hà Đông, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội… gây bất an và bức
xúc trong dư luận.”
Xây nhiều thì hẳn khó tránh khỏi tai nạn nhưng ở Việt Nam, tần
suất tai nạn quả là cao và không trừ ngành nào.
Trên đường: hôm 6/5 có xe tải chở điều hòa bỗng nhiên bốc cháy tại
đường trên cao tốc ở Hà Nội, đoạn ngã tư Trần Duy Hưng– Phạm Hùng.
Ngoài phố: Hà Nội chặt cây và trồng cây lại để nguyên bọc rễ
bằng nylon loại không phân hủy được.
Trên biển: trong tháng 4 cáp quang biển AAG bị đứt, gây khốn khổ
cho người dùng Internet và nhiều thiệt hại chưa đếm hết cho kinh tế.
Trên trời: năm qua ghi nhận chuyện như “máy bay của Vietnam
Airlines suýt đâm vào trực thăng quân sự” ở Huế hoặc “suýt va vào máy bay chở
hàng Cathay Pacific Cargo của Hong Kong”, theo báo chí trong nước.
Dưới đất: báo Việt Nam viết mới năm ngoái rằng tuyến cấp nước
sông Đà về khu vực Hà Nội đã “chín lần xảy ra sự cố vỡ đường ống”.
Bất kể quan điểm chính trị là gì, ai đọc những tin như trên cũng
thấy lo ngại về tình trạng điều hành đất nước với nhiều sự cố kỹ thuật, và các
dự án ‘đụng đâu vỡ đấy’.
Không ai phủ nhận nhu cầu phát triển của Việt Nam, quốc gia cần
các dự án lớn để kích cầu kinh tế, để tạo cơ sở hạ tầng cho một xã hội văn
minh, hiện đại.
Xây một lúc nhiều lò phản ứng nguyên tử, xây sân bay tầm khu vực
tại Long Thành thể hiện tham vọng của một chính phủ muốn canh tân, muốn thoát
khỏi ‘bẫy thu nhập trung bình’ (một mỹ từ trên quốc tế để chỉ những xứ sở vĩnh
viễn nghèo).
Về tổng thể thì rất đáng thúc đẩy các công trình lớn nhưng điều
gây lo ngại là yếu tố con người, ở đây là con người Việt Nam.
Từ lãnh đạo, nhà quản lý, đội ngũ chuyên gia, chuyên viên tới
từng người lao động, Việt Nam đang thiếu năng lực và tư duy công nghệ để làm
cho tốt những công trình khổng lồ tiền tỷ.
Ba thế hệ kỹ trị
Ta hãy so sánh ngay Việt Nam với láng giềng Trung Quốc.
Có bình luận quốc tế đánh giá về lãnh đạo Trung Quốc đã ghi nhận
ba thế hệ lãnh đạo của họ, từ các ông Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào đến Tập Cận
Bình, đều xuất thân là kỹ sư.
Cựu chủ tịch Giang Trạch Dân lên từ ngành điện tử và automobile,
cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào cũng là kỹ sư thủy điện.
Cựu thủ tướng Ôn Gia Bảo tốt nghiệp ngành địa chất và làm việc
nhiều năm ở Cam Túc trong ngành này.
Ông Tập Cận Bình, lãnh đạo tối cao hiện nay ở Trung Quốc, là kỹ
sư hóa và làm việc nhiều năm trong các nhà máy, công trường, trước khi sang
làm quan chức Đảng.
Cựu thủ tướng Chu Dung Cơ và đương kim thủ tướng Lý Khắc Cường tuy
không phải là kỹ sư nhưng đều có bằng kinh tế và đã làm quản trị từ các vị trí
thấp lên cao.
Nhờ có mấy thế hệ lãnh đạo kỹ trị (technocrats) Trung Quốc dùng
công nghiệp hóa làm động lực phát triển kinh tế và cải tạo xã hội.
Và dù có nhiều lãng phí, thất thoát, sự cố kỹ thuật (chủ yếu ở
các tỉnh), những công trình lớn và quan trọng của Trung Quốc đều có chất lượng
cao, có thể không hơn Nhật, Pháp, Mỹ nhưng ở một đẳng cấp hơn hẳn nhiều quốc
gia châu Á.
Ta không nên nhìn những thứ phẩm Trung Quốc đẩy sang Việt Nam và
châu Phi để đánh giá Trung Quốc, nơi các lãnh đạo thực sự chú tâm vào các vấn
đề kỹ thuật và có kiến thức cùng tham vọng.
Ở Việt Nam thì ngược lại: trong bốn vị giữ chức vụ cao nhất của
Đảng, Nhà nước, Chính Phủ, Quốc hội không có ai là kỹ sư.
Còn trong cả Bộ Chính trị 16 thành viên chỉ có một người từng
học chuyên ngành công nghệ là TS Nguyễn Thiện Nhân (ngành cybernetics tại
CHDC Đức).
Đa số các vị khác đi lên từ quân đội, công an, tuyên giáo bộ máy
Đoàn Thanh niên hay Đảng Cộng sản và một số ngành khác như kinh tế, quản trị
hành chính nhưng không gắn liền với công nghệ.
Hơn một thập niên qua, nền kinh tế càng bung ra xây cất nhiều
thì ta càng thấy ‘chủ nghĩa kỹ trị’ ở Việt Nam càng tỏ ra không phải là xu
hướng chủ đạo, thậm chí còn đang trên đà đi xuống, cùng con số các vụ bê bối, tai
nạn lao động gia tăng.
Nói như Tony Blair, chính phủ kỹ trị “không để ý đến phe Tả hay
phe Hữu mà chỉ để ý làm sao tìm ra giải pháp”.
Còn ở Việt Nam, trong bộ máy chính trị vốn là nơi các quyền lợi
của nhiều bộ ngành, nhóm lợi ích đan xen nên phái kỹ trị có vẻ chỉ là thiểu
số, có khi còn yếu thế hơn bộ máy kiểm soát văn hóa, tư tưởng, giáo dục.
Từ bauxite ở Tây Nguyên, tới cầu đổ bê tông lõi tre ta thấy quy
trình thực hiện và hậu quả đều phản ánh một tư duy hoàn toàn ‘phi kỹ trị’.
Trong rất nhiều công trình, gồm cả sân bay Long Thành thì cuối
cùng lại phải dựa vào câu thần chú ‘chủ trương lớn của Đảng’ để làm.
Vậy thì là Đảng trị vẫn trên kỹ trị, hay người ta chỉ viện dẫn
ra Đảng khi cần?
Việt Nam cũng đã có các gương mặt chuyên viên, với một số vụ
trưởng, thứ bộ trưởng và cả hai phó thủ tướng Việt Nam được học ở nước ngoài
trong các ngành quản trị, kinh tế, ngoại giao, và có trình độ ngoại ngữ tiếng
Anh tốt.
Các nước Phương Tây, giới quan sát, các nhà đầu tư nước ngoài và
một phần xã hội đã từng mơ ước Việt Nam có một chính phủ kỹ trị, gồm các
chuyên viên cởi mở có kiến thức hiện đại, khả năng ngoại ngữ, năng lực điều
hành nền kinh tế hiện đại.
Bởi những gì chúng ta thấy vẫn đang là biểu hiện của thói làm ăn
tiểu nông, liều ẩu, vô tổ chức, coi khinh quy trình kỹ thuật và rất nguy hiểm.
Người ta cũng hy vọng các quan chức kỹ trị sẽ giúp tạo ra một nền
văn hóa công chính trọng sự chuẩn xác, mẫu mực của kỹ thuật, bớt đi những điều
mơ hồ, giáo điều cũ kỹ phí thời gian trong giáo dục, dạy nghệ, nhằm nâng cao
chất lượng lao động chung.
Cho tới nay, thành tích của nhóm này chưa thấy có gì nhiều.
Đây cũng là lý do mục tiêu thành quốc gia 'công nghiệp hóa hiện
đại' vào năm 2020 có vẻ không khả thi.
Như GS Trần Văn Thọ từ Nhật Bản viết gần đây trên trang Thời Đại
Mới thì:
"Hiện nay theo phân loại của Ngân hàng thế giới, bình quân
đầu người từ 1.000 đến 12.000 USD là nước có thu nhập trung bình, Trên 12.000
USD là nước thu nhập cao. Do đó một nước được gọi là công nghiệp phải có trên
12.000 USD."
"Việt Nam hiện nay mới gần 2.000 USD, đến năm 2020 có lẽ khoảng
3.000, giỏi lắm là 3.500 (tùy theo biến động của tỉ giá). Nhìn từ điểm này ta
thấy mục tiêu năm 2020 là hoàn toàn không đạt được."
Và cần phải bỏ đi tư duy rằng có những quan chức làm ngành gì cũng
giỏi, vì Việt Nam cần các chuyên gia kỹ trị chuyên nghiệp chứ không phải các ông
chuyên làm quan, từ ngân hàng, xây dựng sang vận tải, hàng không, giao thông,
dầu khí.
Vẫn Tony Blair nói ưu điểm của các nhà kỹ trị là “không để tâm đến
chuyện đổ lỗi cho phe này, phe kia” và sẵn sàng “ra các quyết định trái ý
nhiều người” (unpopular decisions) để đạt các mục tiêu lớn về kinh tế, tài
chính cho toàn bộ xã hội.
Ở Việt Nam, các quan chức đóng vai chuyên gia lại hóa ra thường
tư vấn cho chính phủ đưa ra khá nhiều các quyết định trái chiều, thậm chí bất
chấp dư luận và trong điều hành thì đầy sự cố.
Nếu muốn thực sự hiện đại hoá thì Việt Nam không có cách nào
khác là sắp đặt lại tổng thể chính sách nhân sự hoặc làm mới hoàn toàn.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment