Đập Trung Quốc ở đầu nguồn Mêkông gây hạn ở Việt Nam ?
- inShare
Sau một thời gian dài bị hạn hán và nhiễm mặn nghiêm trọng, khu
vực Đồng Bằng Sông Cửu Long từ đầu tháng 04/2016 đã bắt đầu thở phào được một chút
nhờ nước từ thượng nguồn đổ về, trái hẳn với tình trạng khá thê thảm kéo dài từ
trước Tết Âm Lịch. Có câu hỏi đặt ra là phải chăng các con đập khổng lồ của
Trung Quốc trên thượng nguồn đã giữ nước của dòng Mêkông khiến Việt Nam ở cuối
nguồn bị hạn hán và nhiễm mặn ?
Chỉ cần nêu lên một con số là đủ thấy tính chất gay gắt của trận
hạn hán và ngập mặn lần này ở miền Nam Việt Nam : Theo báo chí trong nước, tính
đến giữa tháng Ba, toàn bộ 13/13 tỉnh thành khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long đã
bị nước mặn xâm nhập; trong đó có nhiều tỉnh bị mặn rất nặng nề như Bến Tre, Cà
Mau, Kiên Giang…
Trong một cử chỉ có vẻ hết sức hào phóng, ngày 15/03/2016, Trung
Quốc đã loan báo sẽ xả nước từ đập thủy điện Cảnh Hồng ở thượng nguồn sông
Mêkông cho chảy xuống khu vực hạ nguồn để cứu giúp các nước như Việt Nam, Cam
Bốt hay Thái Lan đang bị hạn hán nặng nề. Theo dự kiến thì nước xả ra từ đập
Cảnh Hồng sẽ xuống về đến miền Nam vào ngày 04/04/2016.
Vấn đề nổi cộm trong vụ Việt Nam bị hạn hán và ngập mặn và được
Trung Quốc ra tay « cứu giúp » đã nêu bật
nguy cơ Bắc Kinh lợi dụng vị trí quốc gia ở thượng nguồn, dùng sông Mêkông để
gây sức ép đối với các nước ở hạ nguồn trong đó có Việt Nam.
Công cụ giúp Bắc Kinh gây sức ép chính là các đập thủy điện khổng
lồ mà họ đã xây dựng ở thượng nguồn, vừa mang lại nguồn năng lượng mà Trung
Quốc cần đến, vừa là phương tiện để Bắc Kinh chi phối lưu lượng nước đổ xuống
phía hạ nguồn Đông Nam Á, nơi có khoảng 60 triệu con người mà sinh kế dựa vào
dòng sông.
« Hạn hán là do hiện tượng khí hậu El Nino »
Câu hỏi đặt ra là phải chăng là miền Nam Việt Nam bị hạn hán là do
đập nước Trung Quốc trên thượng nguồn làm nước chảy xuống hạ nguồn ít đi ?
Ngoài tác hại trông thấy đó còn ảnh hưởng tiêu cực nào khác ? Việt Nam hay các
nước chịu tác hại làm được gì để hóa giải ngón đòn lợi dụng sông Mêkông của
Trung Quốc ?
Để tìm hiểu thêm về vấn đề này RFI đã đặt câu hỏi cho chuyên gia
môi trường Nguyễn Đức Hiệp tại Úc. Là người đã theo dõi vấn đề sông Mêkông
trong nhiều năm trời, chuyên gia Nguyễn Đức Hiệp đã phản bác ngay lập luận cho
rằng đập Trung Quốc là nguyên do chính gây hạn hán hiện nay ở Việt Nam.
Đối với anh Hiệp, nguyên nhân gây ra hạn hán và nhiễm mặn trên
bình diện rộng tại Đồng Bằng Sông Cửu Long trong thời gian qua là chính là hiện
tượng khí hậu El Nino.
Nguyễn Đức Hiệp : Việc Trung Quốc xây đập đã xảy ra từ bao lâu nay rồi, và bây giờ
họ vấn xây những con đập mới. Nhưng hạn hán tại Đông Nam Á không phải là do những
cái đập trên thượng nguồn đó, mà là do hiện tượng El Nino, đang trong thời kỳ
cuối ở Thái Bình Dương, cho nên ảnh hưởng chủ yếu đến miền Nam Việt Nam, và mấy
nước như Cam Bốt, Thái Lan và Lào...
Tuy nhiên, những con đập đó cũng ảnh hưởng trên vấn đề điều hòa
nước trên dòng sông Cửu Long : Mực nước tăng lên bất thường do việc xả nước từ
đập xuống tùy thuộc vào nhu cầu năng lượng của Trung Quốc.
Trung Quốc phải xả nước để sản xuất điện cho nhu cầu của họ. Họ
lên tiếng nói rằng đây là một hình thức giúp đỡ các nước hạ nguồn, nhưng thực
ra không đúng như vậy : Việc họ làm có lợi cho họ !
Nước Trung Quốc xả ra thực sự không giúp được bao nhiêu, tại vì
lưu lượng nước từ sông Lan Thương (tên đặt cho sông Mêkông ở thượng nguồn) ở
Trung Quốc cao nhất chỉ bằng 20% toàn lưu lượng của sông Cửu Long thôi.
Nước sông Mêkông bị các quốc gia phía trên hút bớt.
Một nguyên do khác, quan trọng không kém, là tình trạng nước sông
Cửu Long bị Trung Quốc, Lào và nhất là Thái Lan sử dụng.
Nguyễn Đức Hiệp : Nguyên do chủ yếu của hạn hán như đã nói là vì hiện tượng khí
hậu. Còn vấn đề nhiễm mặn một phần là do lưu lượng nước ở sông Cửu Long bây giờ
ít quá, làm cho nhiễm mặn lan vào Đồng Bằng Sông Cửu Long rất nhiều, và đó là
một vấn đề về sử dụng nước.
Tất cả các nước đang bị hạn hán, nhất là Thái Lan, đã dùng rất
nhiều nước từ các phụ lưu của sông Cửu Long, chuyển vào các tỉnh miền Đông Bắc
Thái Lan như Nong Khai. Và trước đây, cách nay cả chục năm rồi, họ cũng đã có ý
định chuyển nước từ phụ lưu sông Cửu Long đoạn chảy qua nước Thái Lan, đưa
xuống lưu vực sông Chao Praya, tức là phía Bangkok, nơi dùng rất nhiều nước.
Thế nên, khi hạn hán xẩy ra, Thái Lan đã có những hệ thống chuyển nước, cho nên
vùng đông bắc Thái Lan không bị hạn hán nặng lắm.
Ở Lào cũng vậy, họ dùng nước sông Mêkông lúc này khá nhiều. Ở Cam
Bốt cũng thế.
Do việc nước sông Cửu Long càng ngày càng bị nhiều quốc gia sử
dụng, lưu lượng nước chảy ngày càng yếu đi, làm cho nhiễm mặn xẩy ra khắp nơi ở
Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Tóm lại, có hai yếu tố chính. Thứ nhất là hiện tượng khí hậu El
Nino trong thời kỳ cuối, đang mạnh (và cũng sắp hết rồi), và thứ hai là các
nước bị hạn hán đã dùng quá nhiều nước và đã thiết lập cơ sở hạ tầng từ lâu
rồi, nhất là Thái Lan, cho nên lúc này, họ chuyển nhanh nước từ phụ lưu sông
Cửu Long, làm cho nước vào dòng chính rất ít.
Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Đức Hiệp, dù không tác động nhiều đến
vấn đề lưu lượng nước sông Mêkông, các con đập của Trung Quốc có tác hại rất
lớn trong việc làm mất đi lượng phù sa lớn, thủy sản, đồng thời gây ra tình
trạng sói mòn đất.
Cần có cơ chế ASEAN chuyên trách hồ sơ Mêkông
Để đối phó với tình trạng này, Việt Nam cần thúc đẩy một giải pháp
khu vực, mang vấn đề này ra ASEAN để lập ra Ủy Ban về sử dụng nước sông Mêkông,
theo mô hình trước đây trong ASEAN về Ủy Ban hợp tác chống cháy rừng và khói mù
xuyên biên giới giữa 4 thành viên Malaysia, Singapore, Indonesia và Thái Lan.
Nguyễn Đức Hiệp : Bây giờ, muốn giải quyết vấn đề thì phải huy động toàn lưu vực,
không thể giải quyết từng khúc nhỏ được, mà phải là toàn thể các nước trong khu
vực ngồi lại với nhau, giải quyết vấn đề dùng nước hữu hiệu hơn, và phải để ý đến
các tác hại đối với phía hạ lưu, nhất là Việt Nam, và một phần của Cam Bốt.
Có hai cơ chế có thể làm việc này. Một là Ủy Hội Sông Mêkông MRC,
một cơ chế mà theo kinh nghiệm trong những năm vừa qua không giải quyết được gì
nhiều, không thể làm việc hữu hiệu.
Cơ chế thứ hai là trong ASEAN. Các nước trong khối có thể lập ra
một ủy ban chuyên về nước dùng ở lưu vực sông Cửu Long. Vì đây là vấn đề liên
quan đến nhiều nước nên cần phải có một cơ chế chung, phải có một ủy ban phụ trách
chung trong ASEAN.
Một tiền lệ là cách nay hơn chục năm, năm 1997, khi xảy ra cháy
rừng ở Sumatra (Indonesia) rất nhiều, ảnh hưởng đến nhiều nước như Singapore,
Malaysia và Thái Lan, ASEAN đã có cơ chế là các nước đó họp lại, lập ra một ủy
ban trong ASEAN để giải quyết vấn đề ô nhiễm xuyên quốc gia.
Vấn đề nước sông Mêkông cũng tương tự, có thể dùng ngoại giao, và
một phần là kinh tế, nhất là nhân các cuộc họp thượng đỉnh ASEAN, nêu lên vấn
đề để kêu gọi giải quyết chung.
Thái Lan chẳng hạn, là quốc gia hút nước rất nhiều, nên có thể bàn
luận với họ một cách làm hiệu quả hơn, vẫn có thể là giải quyết vấn đề nước cho
họ, nhưng mà họ cũng phải để lại một chút nước cho dòng sông Cửu Long, phải có
một lưu lượng nước tối thiểu cho dòng sông Cửu Long, để chảy xuống Việt Nam sao
cho tình trạng ngập mặn ở Đồng Bằng Sông Cửu Long không được quá một mực độ nào
đó.
Đó là những vấn đề có thể giải quyết chung với nhau. Lào bây giờ
đã mở một số đập nước ở phụ lưu để có thể giúp Việt Nam ở phía hạ lưu, nhưng
nói chung, ngập mặn đã xẩy ra và hiện giờ, nhưng giải pháp cũng có thể gọi là
hơi trễ một chút, thậm chí quá trễ.
Vấn đề này là một kinh nghiệm, về sau, nếu có hạn hán, thì trong
ASEAN phải có một cơ chế để giải quyết đồng bộ với nhau. Đấy là giải pháp mà
tôi cho là thích hợp nhất.
Theo anh Nguyễn Đức Hiệp, sự kiện Trung Quốc mới đây cho thành lập
khối Hợp Tác Mêkông - Lan Thương, một cơ chế hợp tác giữa toàn bộ 6 nước cùng
sử dụng sông Mêkông, có thể là một phương tiện tốt để buộc Trung Quốc quan tâm
nhiều hơn đến lợi ích của các nước ở hạ nguồn sông Mêkông.
No comments:
Post a Comment