Học giả Trung Quốc Lưu Á Châu xác
nhận :
quá trình lịch sử, Trung Quốc không có quan niệm về chủ quyền biển
Hồ Bạch Thảo
Học giả Lưu Á Châu [刘亚 洲], Thượng tướng không quân, con rể cố chủ tịch
Trung Quốc Lý Tiên Niệm, là cây bút có tầm cỡ quốc tế. Trong bài nghiên cứu
nhan đề Chúng Ta Ca Tụng Quang Minh Nhưng Mang Theo Ngàn Năm Hắc Ám [我们歌颂光明 却带来千年黑暗] ông có nhận xét về lịch sử như sau “ Cái chìa khoá khiến Trung Quốc mất
quyền ở biển, do trải qua các triều đại thống trị không có quan niệm về chủ
quyền biển ” [中国失去海洋的关键是历代统治者没有海 权观念。Trung
Quốc thất khứ hải dương đích quan kiện thị lịch đại thống trị giả một hữu hải
quyền quan niệm.]
Bài nghiên cứu của ông Lưu được báo mạng Trung quốc Cấm Văn đăng vào ngày
27/11/2016, giữa lúc Trung Quốc đang ra sức tranh giành biển Đông. Ở địa vị
Thượng tướng Không quân, ông không thể nêu thêm những chi tiết lịch sử trực tiếp
phủ nhận chính sách hiện hành của nhà cầm quyền Trung Quốc. Bởi vậy, nhắm giúp
độc giả hiểu rõ hơn, chúng tôi xin nêu lên những sử liệu liên quan đến việc “Các
triều đại Trung Quốc không có quan niệm về chủ quyền biển”:
Lịch sử từng chép những chuyến hành trình trên biển của Trung Quốc
xuống vùng Đông Nam Á qua các đời.
Như thời nhà Tuỳ, Thường Tuấn từ tỉnh Quảng
Đông [Nam Hải] vượt biển trải qua 2 tuần [20 ngày] đến đảo Tiêu Thạch Sơn, rồi tới
gần nước Lâm Ấp [Chiêm Thành] :
Tháng 10 năm Ðại Nghiệp thứ 3 [607] bọn Thường Tuấn từ quận Nam Hải đáp
thuyền, qua ngày đêm 2 tuần, gặp gió thuận đến đảo Tiêu Thạch Sơn, rồi qua đông
nam ghé đến châu Lăng Già Bát Bạt Ða, phía tây đối diện với nước Lâm Ấp,
tại đó có đền thờ thần [大 業 三 年 十 月, 常 駿 等 自 南 海 郡 乘 舟,晝 夜 二 旬,每 值 便 風 至 焦 石 山,而 過 東 南,泊 陵 伽 鉢 拨 多 洲,西 林 邑, 上 有 神 祠 焉] 1
Dưới thời Minh, Phí Tín đảm nhiệm chức vụ Thông sự [Thông dịch
viên] cho Thái giám Trịnh Hoà, kể lại cuộc hành trình xuống vùng Đông Nam Á qua
tác phẩm Tinh Tra Thắng
Lãm, trong đó nêu lên chi tiết tiêu biểu về cuộc hải hành đến
Chiêm Thành như sau :
“ Năm Kỷ Sửu Vĩnh Lạc thứ 7 [1409], nhà vua sai Chánh sứ Thái giám
Trịnh Hoà thống lãnh quan binh, sử dụng 48 chiếc hải thuyền, đến các nước Phiên
tuyên đọc ban thưởng. Cùng năm đó, vào mùa thu tháng 9 xuất phát tại cảng Lưu
Gia, huyện Thái Thương [Tô châu, tỉnh Giang Tô], đến tháng 10 ghé tại cảng Thái
Bình, huyện Trường Lạc, tỉnh Phúc Kiến. Tháng 12, khởi hành tại Ngũ Hổ Môn,
Phúc Kiến ra biển, trương 12 buồm thuận theo chiều gió, hàng hành 10 ngày đêm
đến nước Chiêm Thành.”
Những chuyến đi này chỉ là những cuộc viếng thăm, hoàn toàn không
xác định quyền lãnh hải; cũng tương tự như Sứ giả Bồ Đào Nha, Fernao Perez
Andrade [An Ðức Lỗ Ðức], từng đến thăm Trung Quốc dưới thời Minh [1517], nhưng
người Bồ chưa bao giờ dám xác nhận Trung Quốc thuộc về Bồ.
Tiếp đến vào giữa
triều Minh, miền duyên hải thường xuyên bị cướp biển Nhật tấn công, quân lính
Trung Quốc bất lực trong các cuộc hải chiến, nên chính quyền lúc bấy giờ chủ
trương di cư dân tại vùng ven biển vào trong nội địa, hoàn toàn phủ nhận chủ
quyền biển.
Dưới thời Minh Gia Tĩnh thứ 26 [1547], hàng trăm thuyền Nuỵ [Nhật] đến cướp phá tại
Ninh Ba [Ningbo] ; mấy ngàn quân đổ bộ cướp đốt. Tuần phủ Chiết Giang Chu Hoàn điều
tra biết rằng những chủ thuyền đều là những quan to, hoặc thuộc dòng họ lớn, buôn
bán với Nuỵ, qua lời nói trung gian để kiếm lời
to, nhưng hàng không giao đúng lúc, do vậy gây nên loạn. “Bèn cấm biển nghiêm khắc, cho huỷ
thuyền, tâu xin giáng chức những người thuộc họ lớn.” Minh Sử quyển 81, Chí 57, Hoá Thực 5 (乃嚴海禁,毀餘皇,奏請鐫諭戒大姓 – 卷八十一 志第57 食貨五).
Thời Thanh Khang Hy thứ 17 [1678], trong cuộc họp các Vương, Đại
thần bàn việc chính trị; xét tình hình an ninh biển lúc bấy giờ; nhà vua ban dụ
tiếp tục theo chính sách cũ, bỏ các đảo ven biển xung quanh Hạ Môn [Xiamen,
Phúc Kiến], di cư dân chúng vào nội địa, ra lệnh triệt để cấm biển:
“ Giặc biển bàn cứ tại các xứ như Hạ
Môn
[Xiamen, Phúc Kiến], cấu kết với giặc trong núi, phiến
động mê hoặc địa phương, nguyên do dựa vào dân ven biển tại vùng tỉnh Phúc
Kiến. Đáng theo lệ vào năm Thuận Trị thứ 18 [1661] lập ranh giới, đem dân chúng ngoài
ranh giới đồng loạt di cư vào nội địa; thân sức cấm biển nghiêm, tuyệt đường
giao thông.” (Khang Hy
Thực Lục, năm thứ 17)
(…海寇盤踞廈門諸處、勾連山賊、煽惑地方、皆由閩地瀕海居民為之藉也。應如順治十八年立界之例、將界外百姓、遷移內地。仍申 嚴海禁、絕其交 通。)
Dưới thời Gia Khánh, nhắm giúp việc cấm biển được hữu hiệu hơn; qua
chỉ dụ gửi cho Tổng đốc Quảng Đông, vua Gia Khánh chủ trương tra xét bọn tiếp
tế trên bờ, trừng trị nghiêm khắc, để tuyệt đường liên lạc với bọn cướp biển
Ngày 2 Kỷ Tỵ tháng 12 năm Gia Khánh
thứ 12 [30/12/1807]
“ Ðiều đó khẳng định rằng việc cấm
bọn phỉ tiếp tế tất phải nghiêm tra trên bờ, làm vững rào dậu là biện pháp chính.
Phúc Kiến nghiêm cấm tiếp tế tại cửa biển, thực hiện hữu hiệu, tỉnh Quảng Ðông
cần nhất luật thực hiện...” (Nhân Tông Thực Lục quyển 189, trang 7)
Thời gian trôi qua, vào thời cuối Thanh qua sự tiếp xúc với Tây
phương, giúp người Trung quốc hiểu rõ vị trí đặc thù và tài nguyên phong phú
của biển cả. Một người tỏ ra bén nhạy với thời cuộc là viên Thuỷ sư đề đốc Lý Chuẩn ;
y lợi dụng tình trạng Việt Nam trong vòng đô hộ, nên vào năm Quang Tự thứ 33
[1907] mang các tàu như Phục Ba, Sâm Hàng đến đảo Hoàng Sa để giành chủ quyền.
Điều kẹt cho y, quần đảo này chưa hề nằm trong lãnh thổ Trung Quốc nên các đảo
không có tên ; bởi vậy y bèn tuỳ tiện lấy tên hai tàu “ Phục
Ba ”, “ Sâm Hàng ” đặt tên cho 2 đảo, lấy tên quê y là “ Lãnh
Thuỷ ” đặt tên cho một đảo khác, rồi nhân có giếng nước ngọt trên một đảo,
bèn đặt tên đảo này là “ Cam Tuyền ”.
Nhắm khua chiêng gióng trống
cho mọi người biết, y cho bắn đại bác, treo cờ ; khắc bia trên hòn đảo
được đặt tên là Phục Ba, với hàng chữ như sau “ Đại Thanh Quang Tự năm thứ 33, Thuỷ
sư Quảng Đông Đề đốc Lý Chuẩn tuần thị đến nơi này.” 2
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc lên tiếng giành chủ quyền biển đảo.
*
Bàn về chuyện người xong, hãy quay sang nói về mình. Tại Việt Nam
dưới thời Tiền Lê, trong cuộc tiếp xúc với Sứ thần Trung Quốc Lý Nhược Truất
vào năm Bính Thân [996], vua Lê Đại Hành đã khẳng định chức phận của An Nam là
giữ an ninh biển Trướng Hải, Tổng sử quyển 488,
Liệt truyện Giao Chỉ, trích dẫn như sau :
“ Hoàn ngạc nhiên dời chiếu đứng dậy
nói : Hải tặc phạm biên, là tội của thủ thần ; Thánh quân khoan dung, ơn
quá cha mẹ, không gia tru phạt. Từ nay cẩn thận giữ chức phận đã giao, giữ yên
nơi Trướng Hải.” [桓愕然避 席,曰:「海賊犯邊,守臣之罪也。聖君容貸,恩過父母,未加誅責。自今謹守職約,保永清於漲海].”
Theo sử chí Trung Quốc như Nhĩ Nhã của Quách
Phác, Phù Nam Liệt
Truyện của Khang Thái, thì vị trí Trướng Hải tại miền đông nước
Việt Nam, chạy dọc từ bắc chí nam ; giáp với các nước An Nam, Chiêm Thành, Chân
lạp thời xưa, tương đương với Biển Đông ngày nay.
Một sự kiện lịch sử khác cũng xảy ra tại Biển Đông dưới thời Minh
Hồng Vũ. Lúc bấy giờ chính quyền cũ tại miền Trung Việt Nam do Vua Chiêm Thành
Chế Bồng Nga [tên xưng với Trung quốc là Ha Đáp Ha Giả] quản lý. Vị Vua này sai
Sứ thần dâng biểu báo tin bắt được bọn cướp trên biển, Vua Minh Thái Tổ bèn
khen thưởng ; nội dung ghi tại văn bản dưới đây :
Ngày
29 tháng 8 năm Hồng Vũ thứ 6 [16/9/1373]
“ Quốc vương Chiêm Thành Ha Đáp Ha
Giả sai bọn bầy tôi Dương Bảo Ma Ha, Bát Đích Duyệt Văn Đán mang biểu cống sản
vật địa phương. Lại tâu rằng bọn giặc biển Lâm Nhữ Hậu, Trương Phúc tự xưng là
Nguyên soái cướp phá trên biển, bị Quốc vương đánh bại. Bọn Nhữ Hậu bị chết
trôi, bắt được 20 chiếc thuyền biển, 7 vạn cân tô mộc, cùng tên giặc Ngô Đệ Tứ
đem đến hiến.
“ Thiên tử vui lòng, mệnh ban cho
Vương nước này 40 tấm lụa là, lụa văn ỷ; cho Sứ giả 2 tấm lụa là, 4 tấm lụa văn
ỷ, 1 bộ y phục, 1 vạn 2 ngàn đồng tiền; những người đi theo được ban thưởng có
phân biệt. (Minh
thực Lục, V.4, tr1505; Thái tổ quyển 84, trang 7a)
Qua những sử liệu vừa nêu thấy được các triều đại thống trị Trung
Quốc tỏ ra hoan hỷ về việc các chính quyền trên lãnh thổ Việt Nam hành sử chủ
quyền tại Biển Đông. Vua Chiêm Thành Chế Bồng Nga được khen thưởng; riêng Sứ thần
Lý Nhược Truất đời Tống lúc trở về nước, được vua Thái Tông thăng chức, chứng
tỏ việc vua Lê Đại Hành hứa giữ an ninh Trướng Hải là một thắng lợi ngoại giao
của Trung Quốc.
Đến đời Hậu Lê, nước An Nam nhiều lần bắt giặc cướp biển và giữ
yên bờ cõi phương nam, nên được vua Thanh Càn Long năm 49 [1784] ban biển ngạch
với 4 chữ Nam Giao Bình Hàn [『南交屏翰』扁額] tức làm rào dậu yên bờ cõi đất Nam Giao.
Đến đời chúa Nguyễn và nhà Nguyễn đã đặt các đội đặc nhiệm, như
Hoàng Sa, Bắc Hải hoạt động trên Biển Đông; công việc của các đội này được ghi
rõ trong các sách như Phủ
Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn ; Sử, Chí của triều đình như Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, Chính
Biên ; Đại
Nam Nhất Thống Chí, và Châu Bản triều Nguyễn.
Nói tóm lại kể từ thời kỳ khởi đầu tự chủ tại thế kỷ thứ 10 cho đến ngày nay,
chính quyền tại Việt Nam qua các đời đã kế tục hành sử chủ quyền tại Biển Đông.
Hồ Bạch Thảo
2 Lý Chuẩn khắc trên đá tại đảo y đặt tên là Phục
Ba, như sau: 大清光绪三十三年广东水师提督李准巡 视 至此” (Đại
Thanh Quang Tự năm thứ 33 [1907] Thuỷ sư Đề đốc Lý Chuẩn tuần thị
đến nơi này)
__._,_.___
No comments:
Post a Comment