Việt-cộng-Theo-Tàu-cộng

Việt-cộng-Theo-Tàu-cộng-@blogger.com




Image result for Nhân ngày Quốc Khánh Trung Cộng, lần đầu tiên Bắc Cali biểu tình phối hợp với các cộng đồng bạn, chống Trung cộng đầy khí thế!



===============

>


lisa pham mới nhất 




Monday, 31 October 2016

Người cộng sản chống cộng

 

Người cộng sản chống cộng

Bùi Minh Quốc
…một lô-gích không gì cưỡng nổi: người cộng sản chân chính tất yếu trở thành người cộng sản chống Cộng khi Đảng CS cầm quyền trở thành Đảng cướp…

Trong cuộc CÁCH MẠNG LẬP QUYỀN DÂN – cuộc cách mạng nhằm thiết lập quyền làm chủ thực sự của nhân dân, tiến hành một cách ôn hoà, công khai, hợp hiến hợp pháp – có một lực lượng đặc thù, về mặt nào đó là khá quan trọng, làm những việc mà các lực lượng khác không dễ làm thay.
Đó là lực lượng những người cộng sản chống Cộng.
Bây giờ, hai tiếng “Cộng sản” chợt nghe đã khiến người ta muốn ói. Bởi đó là tên gọi của một thế lực quỷ dữ, một thế lực kết xoắn mọi độc ác và dối trá, một thiết chế của chế độ nô lệ mới.

Nhưng vào thời trẻ của tôi ở miền Bắc Việt Nam, những năm 60 thế kỷ 20, danh xưng người cộng sản là hiện thân của một phẩm chất cao quý. Đó là con người đặt Tổ quốc lên trên hết, Quyền Dân lên trên hết. Vì Tổ quốc và Quyền Dân, con người ấy dâng hiến cả đời mình, bất chấp mọi gian khổ, hiểm nguy, tù đày, chết chóc. Tôi đã thấy những con người như thế trong đời thực. Đó là vợ tôi, nhà báo nhà văn Dương Thị Xuân Quý, luôn nghiêm khắc tự rèn luyện cho đạt những phẩm chất ấy để trở thành đảng viên và đã hy sinh anh dũng trong quá trình rèn luyện. Đó là Chu Cẩm Phong, bạn tôi, nhà báo nhà văn, người cán bộ Đảng, Bí thư của Chi bộ Văn nghệ Khu 5 (thuộc Ban Tuyên huấn Khu 5). 

Chu Cẩm Phong ghi trong nhật ký ngày kỷ niệm 7 năm anh vào Đảng: “Mình có thể hy sinh trong mùa xuân lịch sử này lắm, nếu mình ngã xuống như Phương Thảo, Văn Cận, Xuân Quý, thì ba mình và nhất là mẹ, sẽ đau khổ đến nhường nào. Mình biết điều đó. Mình là đứa con trai được cả nhà yêu thương… nhưng dầu thế nào mình cũng không xê dịch cái phương châm sống của mình: dũng cảm, say sưa và quên mình như những chiến sĩ cộng sản chân chính đi trước. 

Dẫu ngã xuống một giờ, nửa giờ trước khi ta giành thắng lợi hoàn toàn, cũng Hạnh phúc lắm thay!”. Chu Cẩm Phong luôn sống gương mẫu và đã hy sinh anh dũng dưới hầm bí mật trong một cuộc chiến tuyệt đối không cân sức vào tuổi 30. Những dòng nhật ký vừa dẫn trên cho ta biết, vậy là Chu Cẩm Phong đã thấy trong Đảng có những người cộng sản chân chính và những người cộng sản không chân chính – tức là những phần tử có động cơ xấu tìm cách chui vào Đảng đội danh cộng sản để mưu lợi riêng. Trong lớp người cộng sản chân chính đi trước, tôi đã thấy những Kim Ngọc, những Trần Độ, Nguyễn Hộ, Võ Văn Kiệt… 

Đó là những chiến sĩ cách mạng đích thực đến trọn đời, họ luôn lấy lợi ích của Tổ quốc của Nhân dân, lấy thực tế khách quan làm căn cứ để suy nghĩ và hành động, dám nghĩ, dám nói, dám làm, thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh, tuyệt đối không nghĩ và làm theo bất cứ giáo điều chủ nghĩa nào, cho dù có thể bị khại trừ, bị cách chức, thậm chí có thể bị hãm hại. Vào thời ấy, những người cộng sản chân chính chiếm đa số trong Đảng. Điều lệ Đảng xác định: đảng viên là “người chiến sĩ cách mạng tiền phong gương mẫu, gắn bó máu thịt với nhân dân”. Thời ấy, phần lớn đảng viên đã sống như thế, và vì thế đại đa số nhân dân mới tin Đảng đi theo Đảng và nhờ thế mới giành được thắng lợi để đưa Đảng lên cầm quyền trên một nửa nước rồi cả nước.

Nhưng khi cầm quyền, và nắm độc quyền chính trị, Đảng trở thành chỗ để “thăng quan phát tài”. Từ sau năm 1975, nhất là từ khi Đảng cầm quyền buộc phải trở về theo cái dòng chảy bình thường muôn đời của nhân loại là kinh tế thị trường, có thể khẳng định mà không sợ nhầm rằng phần lớn đảng viên vào Đảng là để thăng quan phát tài. Hiện tượng mua một chân đảng viên, một chân cấp ủy, một chân đại biểu (như ngày xưa “mua một chân lý trưởng”), mua chức mua quyền (tất nhiên để có tiền) diễn ra phổ biến mà chưa thấy dấu hiệu gì ngăn chặn được. Và thực tế cho thấy sẽ không thể ngăn chặn được nếu không cải cách chính trị, nếu không có một thiết chế luật pháp buộc mọi hoạt động của Đảng – Nhà nước phải minh bạch kèm theo là một thiết chế luật pháp đảm bảo cho nhân dân thực hiện quyền giám sát của mình đối với mọi hoạt động của Đảng – Nhà nước.
Chủ nghĩa cộng sản là một ảo tưởng, một thiết chế phản động kéo lùi sự phát triển của xã hội, một mối đại hoạ của nhân loại còn khủng khiếp ghê tởm hơn cả chủ nghĩa phát-xít.

Nhưng phẩm chất, bản lĩnh, khí phách người cộng sản chân chính thì lại là một giá trị, một sức mạnh có thật. Đó là phẩm chất của những con người quên mình vì mọi người, giàu sang không thể làm hư hỏng, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục mà nhân loại thời nào và ở đâu cũng luôn trân trọng.
Tôi nhớ năm 1993, tại Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lâm Đồng, trong cuộc hội thảo nhân kỷ niệm 100 năm thành phố Đà Lạt và tưởng niệm công lao của bác sĩ Yersin, người phát hiện ra vùng đất để lập nên thành phố Đà Lạt, TS Hà Sĩ Phu bạn tôi, người đã có 15 năm được coi là đối tượng để kết nạp vào Đảng (CSVN), phát biểu: theo những tiêu chí về người cộng sản chân chính thì ông Yersin đích thực là một người cộng sản chân chính dù ông ấy hoàn toàn xa lạ và có thể rất dị ứng với chủ nghĩa cộng sản. Bạn tôi, anh Hồ Hiếu, nguyên Chánh văn phòng Ban dân vận Thành ủy TP HCM, hiện là một trong những người chống Cộng hàng đầu, ngay sau 30/4/1975 đã đặt ra câu “đảng viên nhan nhản, Cộng sản khó tìm” rồi ngầm lan truyền như thành ngữ dân gian nhằm báo động một tình trạng tồi tệ mà hiện nay đã trở nên thảm hại – bình thường: đảng viên ngày càng đông, người cộng sản chân chính – chiến sĩ cách mạng đích thực ngày càng hiếm.

Năm 1988, trong chuyến đi Xuyên Việt vận động ra tuyên bố do 128 văn nghệ sĩ và công dân ký tên đòi đổi mới đồng bộ, triệt để, bạn tôi nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự có lời thơ: “Ai cộng sản / ai giả danh cộng sản / chân lý chói ngời sự thật / mắt nhân dân xuyên suốt lũ gian tà”, hai tiếng “cộng sản” ở đây là để chỉ người chiến sĩ cách mạng đích thực như đã nêu trên.
Cách đây mấy năm, bạn tôi, nghệ sĩ ưu tú Kim Chi, người đã tuyên bố không cần một bằng khen có chữ ký của một kẻ (là quan chức cộng sản hàng chóp bu) làm nghèo đất nước, làm hại nhân dân, khi trả lời phỏng vấn đã khẳng đinh mình tuyên bố điều đó với tư cách một người cộng sản chân chính.

Một lô-gích không gì cưỡng nổi: người cộng sản chân chính tất yếu trở thành người cộng sản chống Cộng khi Đảng CS cầm quyền trở thành Đảng cướp, đúng như dân gian từ xa xưa đã định danh “cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”.

Vậy là đã xuất hiện một lực lượng cộng sản chống Cộng, tức là một lưc lượng lấy sức mạnh phẩm chất, bản lĩnh, khí phách của người cộng sản chân chính chống chế độ độc tài cộng sản nhằm thiết lập quyền làm chủ thực sự của nhân dân để bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc và tự do của mỗi con người, và với quyền tự do ấy, mỗi con người phát huy mọi khả năng để mưu cầu hạnh phúc của bản thân và cho cả cộng đồng.

Người cộng sản chống Cộng từ nay đương nhiên đã tự rũ bỏ bỏ 2 chữ cộng sản, chỉ tự xác định mình là “người chiến sĩ cách mạng tiền phong gương mẫu, gắn bó máu thịt với nhân dân”.
Và họ quyết trọn đời không ngừng tiền phong gương mẫu vì nhân dân quên mình chiến đấu cho Tổ quốc và Quyền Dân, thiết lập bằng được quyền làm chủ thực sự của Nhân dân.
Đà Lạt tháng 10/2016
B.M.Q.
__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

Sunday, 30 October 2016

“Ông đội trưởng”....Thật thú vị, khi tự hỏi: “Ông Trọng thuộc loại người nào?”.

 

https://kyvancuc.files.wordpress.com/2014/10/loikhuyenvang.jpg

29/10/2016

“Ông đội trưởng”

Hạ Đình Nguyên
Thật thú vị, khi tự hỏi: “Ông Trọng thuộc loại người nào?”.
Trong khi làm vườn, quét sân, đốt lá, hay nhổ cỏ tôi luôn tự hỏi mình, tôi có thiên kiến, định kiến, thành kiến gì với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chăng, mà cứ nghe ông phát biểu, là tôi bị cảm lạnh hoặc mất ngủ! Mất ngủ mỗi lần nghe ông nói, từ khi ông lên làm Tổng Bí thư cho đến nay. Rồi cố quên ông đi, nhưng mới đây nữa, với Hội nghị Trung ương lần 4 vừa kết thúc, lại phải nhìn ông và nghe ông đọc diễn văn, dù có người bảo, nghe làm gì cho mệt!

Vốn là công dân bình thường, rất xa Hà Nội, không quen biết hay quan hệ hay… tư thù cá nhân gì với ông, vậy mà cứ khó chịu. Lại tự hỏi, vì sao ông ấy có thể trở thành Tổng Bí thư của một Đảng có chiều dài lịch sử như thế? Do đâu ông lại được tái nhiệm lần thứ hai? Và vì sao mấy trăm người ở Ban Chấp hành Trung ương lại nhất tề bầu ông? Tôi nghĩ đây là thắc mắc và cũng là nỗi ray rứt của nhiều người, chứ không riêng ai. Có lẽ lời giải đáp mù mờ nhất, mà cũng khả dĩ ổn nhất, ấy là do vận nước đã đến hồi… phải như thế! Có thể ông là nút thắt cuối cùng của một tiến trình suy sụp “đúng quy trình”?

Sự lên ngôi của ông là kết quả của tiến trình đi xuống tiệm tiến 20 năm, và đến ông, liệu là sự kết thúc một thời đại mà ông gọi là “rực rỡ nhất lịch sử”?
Và thật là thú vị, khi đọc tựa đề bài viết của tác giả Thuận An cách đây không lâu: “Ông Nguyễn Phú Trọng là loại người nào?“. Đây là một câu hỏi cần thiết, và nó có chút tương ứng cái tính tò mò có sẵn trong tôi về con người nổi tiếng và đặc biệt ấy. Tìm hiểu về ông cũng là điều lý thú, về tính đặc trưng hiếm có ở cá nhân ông, lại bởi ông không phải là người dân đơn thuần, mà là người ở vị trí cầm vận mệnh của đất nước này, theo nguyên tắc ông là người của công chúng.

Ngoài cái lý lịch mặt trắng thư sinh(1) từ nhỏ đến lớn ông bám vào con chữ mà nổi lên thành một lãnh tụ số một của Đảng Cộng sản Việt Nam, hẳn ông phải là người thế nào chứ! Ông ấy nổi tiếng về những câu/ý mà ông phát biểu. Nhiều lắm, và rất điển hình. Nhưng chỉ xin dẫn vài điều có thể là đặc trưng về tính cách của ông đang còn gây ấn tượng đậm đà trong dư luận.

Đặc điểm 1: Lập trường cách mạng kiên định với tầm thế giới.

Sau khi đắc cử chức Tổng Bí thư lần I với lời hứa là sẽ “đột phá” cái gì đó rất lằng nhằng, ông xuất ngoại sang Cuba với bài diễn văn làm chấn động trong chính trường thế giới, đến độ bà Tổng thống Brasil, với vai chủ nhà đứng ra mời khách, đã vùng vằng bực dọc, hủy bỏ chuyến đón tiếp ông mà không xin lỗi tiếng nào. Đoàn đại biểu do ông dẫn đầu phải quay về sớm, chuyên viên trong đoàn phải bở hơi tai đăng ký xin lại lịch trình bay phức tạp qua gần 20 nước. Bài diễn văn độc đáo đã bộc lộ ý chí mãnh liệt của ông: Muốn tái dựng phong trào Cách mạng xã hội chủ nghĩa, ít nhất là ở quy mô các nước đang phát triển, mà Việt Nam đang là tấm gương chiếu sáng (đọc lại bài diễn văn ấy là thấy ngay). 

Trong khi Liên Xô sụp đổ, Trung Quốc rời bỏ chủ nghĩa xã hội để trở thành chủ nghĩa bá quyền mèo trắng mèo đen, ông nuôi tham vọng đưa Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của ông, sớm trở thành ngọn cờ đầu của phe xã hội chủ nghĩa. Bà Tổng thống Brasil quá mừng rằng đã (suýt) được tiếp xúc với một linh hồn từ thế kỷ 19 mới hồi sinh. Sự kiện này tuy đã thành một sự cố gây dư luận ồn ào trong nước và ngoài nước, nhưng nó biểu trưng tính cách mạng kiên định nơi ông, như ông đã thấm nhuần trong sách giáo khoa của trường Đảng. Dân gian thường nói: kẻ điếc thì “dũng cảm”, vì không nghe được tiếng súng. Ông đã kiên trì đề cao và nâng niu, trang trí lại cái chủ nghĩa mà nhân loại đã sợ chết khiếp gần thế kỷ nay!

Đặc điểm 2: Biểu trưng người miền Bắc và có lý luận.

Ở tầm nội trị, để chuẩn bị cho sự thành công Đại hội 12 của mình, ông khoanh vùng về việc bầu cử: “Tổng Bí thư phải là người miền Bắc, phải là người có lý luận”. Và câu nói cũng nổi tiếng: dân chủ đến thế là cùng, vì mọi điều tiếng không hay ông đều bỏ ngoài tai.

Buồn cười thật!
Đành rằng miền Bắc Việt Nam là có trước miền Nam, dân Việt từ miền Bắc mà Nam tiến theo chiều dài lịch sử mở nước và dựng nước, nhưng đâu đơn giản là kẻ ra đi (Nam tiến) kém hơn người ở lại? Sao ông cả gan dám nói về đề tài mà ông không từng học hành? 

Tri thức cải biên Lê-Mao của ông không bao gồm môn lịch sử, xã hội học, dân tộc học… Trong lịch sử Việt Nam chưa có một ông vua hay quan nào dám phát biểu như vậy. Trong thời đại này, cái ý tưởng ấy lại càng dị hợm hơn. Nó lạc hậu về mọi loại kích thước.

Và lại nữa, phải là người “có lý luận”. Cái lý luận thì xưa nay vốn vô cùng vô tận. Mà thế nào là “có lý luận”? Mà có nhất thiết phải là lý luận Lê-Mao theo cái ông học và cách ông hiểu, mới được gọi là lý luận chăng? 

Ông muốn kích hoạt cho tinh thần người miền Bắc nhằm tạo vây cánh, hay chỉ muốn loại trừ những người ở phía Nam mà lý luận bốc đồng như thế? Đằng nào thì cũng không ổn! Phát biểu ấy, nếu ông sinh hoạt trong một chi bộ nghiêm khắc nào đó, có thể bị kiểm điểm ít nhất là ba ngày chưa xong, và bị hạ tầng công tác, vì ngoài cái tính nói càn, lại mắc phải tội kỳ thị địa phương, gây mất đoàn kết trong bộ Đảng và trong nhân dân.

Xóm tôi ở có khối người “có lý luận”, kể cả lý luận Mác-Lê, mà thuộc loại origin nữa, họ học và đọc từ nguyên bản chứ chẳng phải từ sách chế, mà hà tất phải là người Bắc mới có. Mà cũng có cả người Bắc di cư vào từ 1945, 1954, 1975 và liên tục cho đến nay, không thiếu, mà cũng giỏi lý luận lắm. Xác định cái sự “có lý luận” bởi cái bằng “Mác-Lê – Xây dựng Đảng” như ông, thì cũng có người có nốt, tuy ít người thích học, và cũng không dám khoe khoang. 

Theo ý ông, dù người có lý luận như ông mà không phải là người Bắc là không được, mà dù người Bắc như ông mà không có lý luận – giống như ông – cũng không được. Thì chỉ còn ông thôi, đúng không? Cũng có nhiều người bàn luận về chuyện này, và họ cười ngất trong quán xá và các chỗ vui chơi.
Thực tế phải thừa nhận ông là người miền Bắc, và có lý luận – dù cái lý luận ấy ra sao – ông vẫn rất độc đáo và không thể không nổi tiếng: trong lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam, nay mới có một Tổng Bí thư như thế!

Đặc điểm 3: Một người không tham vọng quyền lực.

Để hướng dẫn/khống chế đại biểu trong chuyện bầu cử Quốc hội, ông đã ra chỉ thị rất ngon lành: “không đưa vào danh sách ứng cử những người có tham vọng quyền lực”.
Và cái Chỉ thị 244 do ông đạo diễn đã trắng trợn tước quyền dân chủ của Đảng viên đại biểu: “không được ứng cử, không được quyền chấp nhận đề cử” những ai bị khoanh vùng bởi Bộ Chính trị mà ông là người chủ trì.

Đây là chỉ thị để cả Đảng thi hành. Không những chỉ là Quốc hội, ông cũng đã đưa ra tiêu chí này khi tiến hành tổ chức Đại hội Đảng 12. Đi sâu để phân tích cái “Có tham vọng quyền lực” thì tác giả Thuận An đã nói kỹ xin không lặp lại, nay có lẽ cả quan và dân cả nước đang quẩn chân không biết làm sao để chứng minh thế nào là “có tham vọng quyền lực” nằm trong bụng của ai đó để “không bầu vào Quốc hội”? Và không có cái tham vọng ấy thì phải có cái gì thay vào đó chứ?
Chắc cái ấy là loại siêu quyền lực xã hội chủ nghĩa vốn rất khó hiểu chăng?

Thế mà mọi việc cũng đã xong xuôi. Ông thuyết phục được mọi người trong Đảng, và mọi người trong Đảng đã để cho ông thuyết phục. Điều đáng kinh ngạc lần này là ở cái Đại hội Đảng do ông cầm đầu, đã bầu ông. Liệu có gì bí ẩn bên trong Đảng, hay bên ngoài… biên giới Quốc gia? Chẳng ai tiếc rẻ gì những kẻ ra đi, nhưng lại ngỡ ngàng về người ở lại.
Có thể phác họa sơ bộ về ông với bốn điểm đậm đặc sau:
- Cách mạng xã hội chủ nghĩa triệt để (cho Thế giới thứ 3)
- Người miền Bắc (Việt Nam)
- Có lý luận (Mác-Lênin theo cách mà ông hiểu)
- Không có tham vọng quyền lực (để làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam)

Đại hội còn có thêm nhu cầu đoàn kết trong Đảng. Thế là ông lập tức có khả năng đáp ứng thêm nhu cầu thứ năm này nữa, nên chi toàn Đại hội đã nhất tề bầu ông tiếp tục giữ vai trò Tổng Bí thư thêm một năm hoặc là nửa nhiệm kỳ nữa (nghe nói thế!).

Ông đã đắc cử vẻ vang như chưa từng có.
Các đối thủ miền Nam của ông, vì không có lý luận mà lại có tham vọng quyền lực, và tất nhiên không phải là người miền Bắc, phải lập tức khăn gói về quê, kẻ thả câu, nuôi yến (anh Sáu) người đi chùa (anh Ba), hay người ca tân cổ giao duyên (anh Tư). Chỉ còn lại mình ên, cực chẳng đã, ông phải chấp chính cái quyền lực tuyệt vời ấy – mà vốn thực lòng ông không hề muốn, như ông đã từng gay gắt lên án và cũng từng than thở. Ông cố thắp lên “ngọn nến trong sương mù Mác-Lê như cách nói của ai đó trong một bài báo.

Thông qua lý luận, ông tin rằng chẳng còn ai là xứng tầm đối thủ của ông trong Ban Chấp hành Trung ương mới, ông lại có những 73 mùa xuân già cỗi có lý luận, chắc chắn là ông khiển được, trên dưới sẽ một lòng, nhất hô bá ứng, giữ vững càn khôn đại cục, chủ nghĩa Mác-Lê sáng quắc, tình hữu nghị Việt-Trung đời đời vàng chói, với 16 chữ, với các thông cáo chung “chiến lược và toàn diện” mà ông từng ký kết. 

Biển Đông vẫn bình yên, đều đều vỗ sóng xanh (để ông thong dong tổ chức bầu cử như lời ông nói). Trên biển, trên bờ, cả trên các thảo nguyên bạt ngàn phấp phới những bóng cờ đỏ, vàng vàng những sáu sao, ghi hình trên 40 điểm như những vết lở lói, rải đều các nơi nhạy cảm trên cơ thể Việt Nam.

Tuy nhiên, gió bão không ngừng thổi lên từ đất, từ rừng, từ biển, từ trời, và từ người.

Có tiếng rào rào của hàng thảo dân khắp nơi lại cho rằng, cả cuộc đời của ông đã cần mẫn, cạy cục cho cuộc tìm kiếm quyền lực, suốt thời gian từ trước khi lên chức Tổng Bí thư đỉnh cao hôm nay, ông đã liên miên phát động các chiến dịch tìm quyền lực dưới các loại lý luận, gây nên suy thoái mọi mặt của xã hội, mà suy thoái lớn nhất, chính là sự “có lý luận” của ông đã dẫn đầu cho một cuộc suy vi về lý luận. 

Ông nổi bật lên như kẻ cầm đầu của một dòng chảy bảo thủ vốn và giáo điều đã có trong quy trình của Đảng ông mấy mươi năm qua, ít nhất từ cái suối nguồn “Hội nghị Thành Đô” đến nay. Với nhiệm kỳ 5 năm làm Tổng Bí thư đã qua, người dân cho rằng ông đã đi từ thất bại này đến thất bại khác, và thất bại nào cũng cay đắng cho ông, và cho đất nước. Lại nhờ cái “không tham vọng quyền lực” may ra trời cho, ông đạt được “đỉnh cao quyền lực”. Đại hội 12 mà đồng tình, thì hàng thảo dân cũng đành lòng lý luận: Đảng Cộng sản Việt Nam lúc này xứng đáng có một Đảng trưởng như vậy. Dân Việt Nam lúc này cũng xứng đáng có một ông “vua tốt” như vậy, và cũng đành… chấp nhận nốt một bản “anh hùng ca dang dở” thôi.

Thế rồi lịch sử đã bước sang một trang rất dang dở với sự thành công rực rỡ của ông. Trên 5.200 quân với bụi mờ và tiếng ầm ì của tăng và pháo quần thảo quanh Ba Đình, ở bên trong hội trường, thì vang lên cái lý luận siêu phàm, siêu nhiên, siêu siêu, gọi là trời ơi cũng được, đã làm cho cả nước hồi hộp: “Tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, có thể gây ra những hậu quả khôn lường.

Trong bối cảnh ảm đạm sau bức màn sân khấu, thế là Đại hội đã kết thúc, và một chiến dịch mới ra đời rất bề thế. Và có nguyên một “Ông Đội trưởng” hẳn hoi từ đó bước ra.


Ông Đội trưởng “Đội cải cách”!

Xem tác phẩm “Ba người khác” của Tô Hoài thì phác họa được chân dung của ông “Đội trưởng” Đội cải cách ruộng đất vào thập niên 60 ở Miền Bắc, một chiến dịch nổi tiếng, được Đảng ngợi ca là “long trời lở đất với vai trò nổi bật của ông Đội trưởng. Ý nghĩa chung của chiến dịch là vô cùng khủng khiếp. Mà kết quả sau đó là có nước mắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và sự mất chức Tổng Bí thư của ông Trường Chinh. Nhưng chân dung “Ông Đội trưởng” thì không phai mờ qua thời gian!

Và chân dung ấy đang sừng sững tái hiện vào lúc này, với chiến dịch có tên mới là “Cải cách tham nhũng”, cũng hứa hẹn sẽ long trời lở đất chăng?

Nhiều người cho rằng dư luận đáng ân hận vì đã nhầm to khi người ta – xuất phát từ người miền Bắc có lý luận, trước khi lan truyền cả nước – đặt tên cho ông là Lú, bởi thực tế đã không hẳn ông giống như tên gọi này. Với khẩu hiệu chống kẻ có tham vọng quyền lực, ông đã hoàn thành việc chiếm được trọn vẹn quyền lực một cách không thể ngoạn mục hơn.

 Từ tháng Ba năm nay, bây giờ là tháng 10/2016, trong 7 tháng tiếp tục cầm quyền với tư cách Tổng Bí thư lần hai, cả nước đang trở nên rối mù thêm nữa. Và ngay từ cái ngày Đại hội ở Ba Đình diễn ra thì cụ Rùa Hồ Gươm đột ngột ra đi, như báo một điềm xui: thiên tai, địch họa, nhân họa và cả Đảng họa đã liên miên xảy ra. Cái lỗi hệ thống đã làm nhễu nhão cả khung sườn lãnh đạo quốc gia, từ lý thuyết tư tưởng đến thực tế, kinh tế, giáo dục, đạo đức… mọi sự tệ hại lớn nhỏ xảy ra trên khắp xứ sở. Những bất ngờ, bất định, bất ổn không thể dự đoán trước, ngày càng xảy ra rộn ràng hơn.
Một sự suy sụp triệt để, từ vĩ mô đến vi mô.

Ông Trọng, như một người hùng Don Quixote với chiếc “Cối xay gió” trong tiểu thuyết của nhà văn Tây Ban Nha Miguel de Cervantes(2). Ông cũng khởi sự phát huy quyền lực của mình sâu rộng thêm, và như lẽ thường, ông đang đứng trước các phản động lực ngày càng gay gắt hơn, ông càng xoay người thì gió càng thốc tới, bởi tính “tự diễn biến” của nó mà ông hết sức không ưa.

Và như dân gian thường nói, gió ngược càng mạnh, chiếc diều sẽ bay cao hơn.

Ông sẽ bay cao hơn chăng, có thể cao tít tới trời xanh không chừng! Ông cũng đang trang bị cho mình chiếc áo giáp của phi hành gia, và xông xáo vào khắp các ngả đường làng. Cái ghế Tổng Bí thư Đảng – chiếc áo Chủ tịch Quân ủy Trung ương, chưa đủ! Ông mặc thêm quần cảnh sát, trang bị luôn súng ngắn, dùi cui, roi điện… của ngành cảnh sát(3).
Ông Đội trưởng Đội cải cách tham nhũng chưa có chỉ dấu nào cho thấy sự thành công của chiến dịch.

 Ông tiếp tục bài vọng cỗ biện chứng mà ông từng đã và đang ca. Qua Hội nghị lần 4 với bài diễn văn chỉ đạo hội nghị diễn văn kết thúc hội nghị với âm giọng rề rề buồn tẻ, bộc lộ đủ cái lý luận gàn và lòng vòng, mà nội dung thì không còn một chút nắng. Cả mở đầu lẫn kết thúc lại nhạt nhòe, đắm chìm trong cơn mưa lũ bão bùng khắp nước, với cả 100% các loại “lỗi hệ thống” đã nở hoa. Một loài hoa mà có nhà tiến sĩ văn hóa xã hội chủ nghĩa đã đề xuất làm Quốc hoa, tên là “hoa cứt lợn”, hay là hoa “mắc cỡ” gì đó.

Để phác họa thời kỳ rực rỡ nhất này, có bài viết của một quan to vừa rời ghế, là Vũ Ngọc Hoàng, đã tổng kết có phần xác đáng ở các phần chi tiết. Cái tổng thể thì ông Hoàng chỉ đề cập hơi nghiêng nghiêng. Ông Hoàng không nói về cái gì tương tự như “lỗi hệ thống” như ông nguyên Chủ tịch Quốc hội trước đây – Nguyễn Văn An – đã nói, bởi cái cụm từ ông An dùng đã là quá tế nhị, đã có chừa vùng cấm. Thuở ông An nói khi còn ngồi ghế, trong bối cảnh ấy dù không phải là sớm, nhưng cũng gọi là dũng cảm vì đã dám hé lộ nguyên hình của một sự thật căn cơ không tốt đẹp gì. Nhưng cũng chỉ được có từng ấy! 

Ông Hoàng có thể tăng ga thêm một chút nữa được không? Bởi bây giờ đã khác trước nhiều lắm rồi. Người dân đã chấp nhận đi đầu, bị đánh đập, bắt tù và chảy máu, và đang đứng lên đòi quyến sống, dõng dạc nói lên tiếng nói của mình. Đã có tiếng súng hoa cải của Đoàn Văn Vươn, lại mới có hoa cải ở Đắc Nông, đã có 6 phát súng Colt của Đặng Ngọc Viết, lại có 8 phát K59 ở Yên Bái. 

Đã có dân của bốn tỉnh miền Trung với Formosa, đã có những ngày Chủ nhật Hà Nội - Sài Gòn như vừa qua… Đã có những người như linh mục Antôn Đặng Hữu Nam với hàng vạn giáo dân của mình đã thắp lên một ngọn đuốc sáng, có MC Phan Anh với tư cách một cá nhân riêng lẻ và mấy lời kêu gọi trên mạng, đã có hơn hai chục tỉ đồng đóng góp trong một thời gian ngắn. Các chỉ dấu ấy chứng tỏ lòng dân không có sự sợ hãi mà người gieo rắc đã mong chờ. Và đa số người dân, bên ngoài được xem là thầm lặng, nhưng bên trong lại chứa đầy nhiệt huyết!

Hãy tin đó là một sức mạnh thật sự có. Sức mạnh của nước.
Đợi chờ gì từ một nơi hoang tưởng nhập nhằng, khi đánh chuột sợ vỡ bình, đánh tham nhũng là ta đánh ta? Đúng như lời ông ấy nói, chống tham nhũng khó thật! Nên chăng, chỉ cải cách cái cách tham nhũng thôi, để không rơi vào thế nghịch, ta lại đánh ta?

Trời mưa trút nước, lũ lụt dâng cao, đồng xanh lúa chết, người và súc vật cùng một thân phận lao đao. Với thứ lý luận phá sản, loài sâu tham nhũng gặp thời, đang có trong tay vùng đất hứa, vẫn sinh sản tốt và đang phát triển ổn định. Như hãng nước mắm hóa chất Masan đang tận dụng nhanh chóng cơ hội phát huy tác dụng, như hãng xe Mai Linh đang làm cánh tay nối dài…

Câu hỏi vẫn còn nguyên đây, Nguyễn Phú Trọng, thực ra ông là ai? Không phải Lú, không phải là Ông Giáo Làng. Nhân loại vẫn sợ người cuồng tín.
Và Đảng của ông đang làm gì trước những hỗn độn rất “chiến lược và toàn diện” này?

Mỗi lần có sự bế tắc trên thực tiễn, thì những chùm từ ngữ mới, cách nói mới xuất hiện, như một giải pháp có tính vô hình, như một sự đánh đố vô nghĩa. Một thời hỗn loạn, có khái niệm “làm chủ tập thể” ra đời. Một thời bế tắc, thì xuất hiện kẻ thù “quan liêu bao cấp”. Cái khó hôm nay thì bên ngoài có “Việt Tân” lãnh tiếng, kế tiếp bên trong là “thằng tham nhũng” nào đó lãnh đủ, vừa được gọi tên thêm là thằng “ta đánh ta”. Lý luận vòng quanh lâu ngày cũng thấy đơn điệu! Vì thế, ông Nguyễn Phú Trọng vừa nhả bóng lại cho Hội đồng Lý luận Trung ương những câu hỏi bắt bí, làm quẩn chân các ông “Hội đồng” vốn đã quẩn chân lâu nay, về những sản phẩm do chính ông chế tác, với cái yêu cầu có chút thần thánh: Yêu cầu Trung ương “tiếp tục đổi mới với tinh thần kiên định sáng tạo”. 

Thật là khó lòng phải nhắm mắt (để kiên định), lại vừa phải mở mắt (để sáng tạo). Sau đó, ông vo tròn một gói giải pháp gọi là “Năm là”, và suýt bóng. Nhưng quả bóng đã hóa thành một thứ văn chương rổn rảng, rỗng đến không gì bằng ở mỗi cụm từ của nó:
“Con đường đi lên (!) chủ nghĩa xã hội (?) của Việt Nam dù còn nhiều khó khăn (!), gian khổ (!), nhưng là con đường đúng đắn (?), sáng tạo (?). Lẽ phải thuộc về chúng ta (?). Cần chú trọng đấu tranh trên mặt trận (!) tư tưởng, lý luận; đấu tranh không khoan nhượng (!) bằng những luận cứ khoa học sắc bén (!), giàu sức thuyết phục, bằng sức mạnh của niềm tin (!) không thể lay chuyển(!) vào chân lý, làm thất bại mọi mưu toan, hành động xuyên tạc (!), kích động (!), chống phá (!) Đảng, chế độ và sự nghiệp đổi mới (?) của đất nước”.
Sự hoang tưởng đến đây thì đủ rõ. Tư duy - lý luận bề bộn thế này không thể cứu vớt được ông Tổng Bí thư, dù ông rất tự tin! Là một giỏ chứa đầy những ý nghĩ bảo thủ, trộn với các ý niệm bạo lực, và những nhân danh hơi lớn.

Biết thế, nên ông đã động viên các ông “Hội đồng Lý luận”: “Nghiên cứu lý luận là công việc khó khăn, vất vả nhưng tràn đầy niềm vui sáng tạo (ôi!). Lý luận không phải là khô khan như có người tưởng, trái lại, rất sống động và thú vị (ôi!), bởi nó phản ánh quy luật vận động muôn màu muôn vẻ của cuộc sống (ôi!), bởi đó là sự khám phá chân trời trí tuệ không giới hạn (ôi chà!), nó là kim chỉ nam (ôi chao!) cho hành động của chúng ta”.

Vâng, niềm vui là chính? Quả là nỗi thú vị đắng cay!
Để hòa niềm vui vào công cuộc nghiên cứu lý luận được đề nghị, tôi gợi ý bà con nên nghiên cứu về ông ấy, chắc cũng là rất sống động và thú vị sẽ mênh mông. Để bớt băn khoăn và dễ tưởng tượng, cần gọi đúng tên, cái mà ông Trọng đang chỉ huy, là “Đội Cải Cách Tham Nhũng” mà chính ông thủ vai Đội trưởng. Sau đó, ráng nổ súng lên trời, như lời ông Thủ tướng Phúc đã nói và đang nổ, để bảo vệ Đảng. Và lệnh cho cánh dư luận viên la ầm lên là cuộc cải cách tham nhũng đang “long trời lở đất”. Cứ hãy đem “lý luận” mà trấn áp thực tiễn theo cách không khoan nhượng của ông ấy! (Vì thế ông đã vào vai Công an?)

Cho đến một hôm “Dân ta vùng lên như bão tố. Dân ta vùng lên như cuồng phong…” (Nhạc sĩ Tôn Thất Lập - thời chống Mỹ) để chấm dứt cái phương châm tai họa “đúng quy trình”, trên cơ sở cái quy trình không đúng mà rất hỗn độn ấy.
Để có quy trình đúng là không thể thoát ly tam quyền phân lập. Lúc ấy vĩnh viễn không còn phương châm “nhất Đội nhì Trời” và cũng vắng bóng luôn “Ông Đội trưởng”. Lúc ấy lòng dân sẽ phục sinh, mà không nhất thiết ai đó phải cố lấy lại bằng cách dao búa./.
H. Đ. N.
__________
(1) Xem lịch sử của ông Trọng trong thư gởi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, của Nguyễn Thanh Giang, có tựa “Quyền lực rất lớn, hiệu lực rất kém“.

(2) Don Quixote nói với những người lái buôn phải khen Dulcinca del Toboso là người đẹp nhất trần gian và kết thúc bằng một cuộc giao đấu của chàng với những người lái buôn, vì họ không chịu khi mà họ chưa từng thấy nàng (như nàng chủ nghĩa xã hội? – người viết). Don Quixote bị đánh nát người và được một bác nông dân đưa về nhà chăm sóc.
Trước khi chết, Don Quixote tỏ ra là một người nhận thức được tai hại của những cuốn truyện hiệp sĩ mà mình đã từng đọc khi viết những dòng di chúc để lại cho đời.

(3) Xem bài viết “Anh Trọng đi làm cảnh sát, tham bát bỏ mâm“ của ông Nguyễn Khắc Mai.
Tác giả gửi BVN.

A+ A- Print Email
Dư luận xã hội đang xôn xao phản ứng về việc ban hành những Nghị quyết rất thiển cận như “Tổng Bí thư phải là người miền bắc, phải là người có lý luận” thì ngày 4/1/2016 vừa qua, ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục ký ban hành chỉ thị số 51-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội Khóa 14, trong đó có nội dung yêu cầu “không đưa vào danh sách ứng cử những người có tham vọng quyền lực” gây nhiều tranh cãi. Xin gửi đến quý độc giả bài viết của tác giả Thuận An về chủ đề này để cùng thảo luận.

Ngày 4/1/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị số 51-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa 14. Trong chỉ thị có nêu “không đưa vào danh sách ứng cử những người có tham vọng quyền lực”. Nếu chỉ đọc lướt qua thì thấy câu này rất chặt chẽ trong việc lựa chọn nhân sự nhưng suy nghĩ kỹ thì thấy câu này là không đúng, thậm chí là một sai lầm rất nghiêm trọng.


 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Ảnh: Xuân Hải)


Trọn cuộc đời của một con người ai cũng có một mong ước, khát vọng đạt được một vấn đề gì đó cũng có thể coi đó là một tham vọng. Có người tham vọng trở thành triệu phú, trở thành bác sĩ, luật sư, bác học,... có người làm việc trong cơ quan công quyền có tham vọng giữ một cương vị gì đó theo khả năng của mình. Nói như vậy để thấy trong cuộc sống không ai lại không có tham vọng, đó là thuộc tính của con người, nhờ có tham vọng con người mới trở nên mạnh mẽ, là động lực để vượt qua khó khăn thử thách, chính nhờ nó mà xã hội loài người mới tiến bộ, phát triển. 

Điều này chứng minh ở các nước tiên tiến, quyền lực là mục tiêu của chạy đua chính trị, chúng ta chứng kiến những cuộc tranh cử tổng thống, thủ tướng của các nước rất quyết liệt. Trước hết những nhân vật đó phải là người có tham vọng quyền lực, thậm chí là đỉnh cao tham vọng của họ. Mục tiêu để giành được chức tổng thống hoặc thủ tướng không chỉ là vinh quang bản thân mà hơn thế, họ đều là những người muốn cống hiến, muốn thay đổi để phát triển đất nước họ. 

Vì vậy đạt được tham vọng quyền lực ấy họ phải vượt qua bao nhiêu chặng đường trong cuộc đua. Họ phải dùng mọi khả năng của mình vượt qua đối thủ, kể cả việc công khai chỉ trích lẫn nhau. Kết cục những người đạt được tham vọng quyền lực đều là những người tài ba hơn người khác. Tôi rất tâm đắc với câu nói bất hủ của Napoleon - nhà quân sự và chính trị kiệt xuất của nước Pháp: “Người lính mà không ước mơ trở thành tướng là một người lính tồi”.


Ở nước ta, không hẳn đã có chạy đua quyền lực, nhất là trong giai đoạn chiến tranh, các thế hệ tiền bối đã chiến đấu vì lý tưởng, vì sự cống hiến là trên hết. Việc sắp xếp vào những cương vị lãnh đạo là do tổ chức lựa chọn trong những người ưu tú nhất. Những người đó là những người có năng lực, có bảnh lĩnh, dũng cảm hy sinh. Họ là những người xứng đáng cho các vị trí lãnh đạo mà hiếm có trường hợp ganh đua nào.


Nhưng thời đại ngày nay đã khác trước rất nhiều, tâm lý chung những người làm việc trong hệ thống của Đảng và chính quyền không ai lại không ham muốn có được một chức vụ nào đó ở cấp này hoặc cấp khác. Họ luôn tỏ ra là những người có năng lực, muốn có quyền lực để được cống hiến, thực hiện mục tiêu của tổ chức cũng như cá nhân. Người ở trung ương thì muốn có chức vụ cao ở trung ương, người ở địa phương thì muốn có chức vụ đứng đầu địa phương, đó là lẽ thường tình của con người. 

Bản chất của vấn đề đó là ham muốn quyền lực. Chúng ta phải khuyến khích những người có khát vọng cống hiến và họ mong muốn ở một cương vị lãnh đạo nào đó để họ thực hiện khát vọng. Tất nhiên chúng ta phải phản đối những người mong muốn có quyền lực để tham nhũng hoặc mưu cầu lợi ích cá nhân.


Ở nước ta chưa có những cuộc tranh cử để đạt được quyền lực như các nước tiên tiến mà diễn ra âm thầm dưới hình thức phấn đấu, hoặc theo quy hoạch của tổ chức. Muốn hơn người khác thì phải nép mình, gọi là “khiêm tốn, đi nhẹ nói khẽ” để thể hiện là người không ham muốn quyền lực, luôn tỏ ra thờ ơ với những chức vụ đặt ra trước mắt; nếu làm được điều đó sẽ đạt được điểm cao nhất, rồi họ phải thể hiện mọi cách để được tín nhiệm của thủ trưởng cấp trên không chỉ bằng công việc mà còn là sự “chăm sóc” chu đáo với thủ trưởng. Rồi lại phải thể hiện sao cho không mất lòng ai trong cơ quan đơn vị. Kể ra thì còn nhiều chuyện nữa. Qua đây có thấy cuộc chạy đua vào quyền lực ở nước ta còn khó khăn gian khổ hơn rất nhiều so với nước khác.


Nội dung “không đưa vào danh sách ứng cử những người tham vọng quyền lực” trong chỉ thị của ông Nguyễn Phú Trọng lại càng khích lệ những hoạt động như trên của người có tham vọng quyền lực. Đặc biệt họ phải bằng mọi cách để giấu được ý nguyện (tham vọng) của mình để cơ quan, tổ chức và thủ trưởng không nhận xét mình là người có tham vọng quyền lực.

Nếu thực hiện theo chỉ thị của ông Nguyễn Phú Trọng thì đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị nước ta gồm những loại người nào?

Có thể kết luận, dưới sự lãnh đạo của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sắp tới đây đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị nước ta chỉ gồm hai loại người:


- Loại người thứ nhất toàn là người nói dối.


- Loại người thứ hai là thờ ơ, không thiết tha gì với chức vụ mà họ được đề cử.


Nhìn vào đội ngũ của một quốc gia toàn những người như vậy thì làm sao đất nước phát triển được?


Cuối cùng, tạm nêu một câu hỏi: Ông Nguyễn Phú Trọng là loại người nào?
Thuận An
__._,_.___


Posted by: Dien bien hoa binh <

Saturday, 29 October 2016

Lãnh đạo Việt Nam muốn ổn định trong trì trệ hay đổi mới tiếp?

 
KinhTeTTXHCN

29/10/2016

Lãnh đạo Việt Nam muốn ổn định trong trì trệ hay đổi mới tiếp?

Tiến sỹ Vũ Cao Phan
Đại học Bình Dương
…nghịch lý ở Việt Nam hiện nay là trong khi chúng ta có một nền kinh tế đã thay đổi về mặt bản chất thì chính trị thượng tầng của nó vẫn ngủ quên, vẫn y như cũ, và làm nên nguyên nhân chủ yếu sinh ra vô số tật bệnh không tìm thấy thuốc chữa, kìm hãm phát triển…
clip_image002
Việt Nam phấn đấu về cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020
Bản tổng kết kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm đưa ra một chỉ số buồn: tăng trưởng chỉ đạt 5,52%, thua gần một điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước (6,32%), thua hơn một điểm rưỡi so với chỉ tiêu của năm (6,7%) và cũng là năm đầu tiên sụt giảm trở lại kể từ 2012- thời điểm gượng dậy sau nửa thập niên ốm yếu.

Vào lúc này khi hơn ba phần tư năm đã trôi qua và Ngân hàng Phát triển châu Á đã đánh tụt dự báo xuống còn 6%, người ta lại đang tìm cách điều chỉnh chỉ tiêu để cuối cùng có thể “kết thúc thắng lợi” một năm không thắng lợi của kinh tế nước nhà.
2016 là năm đầu của kế hoạch 5 năm được hy vọng mở lại một chu kỳ tăng trưởng mạnh, nhưng đã khởi đầu nan. Rất nhiều nguyên nhân được chỉ ra trong phiên điều trần bất thường tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới cũng như liên tục tại các diễn đàn trao đổi, hội thảo từ đó đến nay; và tất nhiên cả trong kỳ họp Quốc hội cuối năm đang nhóm tại Hà Nội.
Không một nguyên nhân nào cho thấy: động lực phát triển đã cạn (kiệt).
Có thể khẳng định, những thành tựu của công cuộc Đổi Mới (mà người ta định ồn ào tổng kết 30 năm thực hiện rồi lại im?) được dựa chủ yếu vào hai nguyên nhân: dòng vốn tài chính và kỹ thuật từ nước ngoài đổ vào và những chính sách (được Nhà nước từng bước cập nhật) tương đối phù hợp với một nền kinh tế đã thay đổi về bản chất.
Dòng vốn ấy vẫn chảy, thậm chí còn mạnh hơn nhưng đã không còn tính động lực. Vào chính lúc đó, xã hội bùng lên vấn đề tham nhũng và chống tham nhũng bắt đầu bằng câu chuyện tưởng chừng ất ơ: một ông quan muốn trộ oai tỉnh lẻ với cái biển số xe của mình.
Chẳng còn nghi ngờ gì nữa, câu chuyện về cái biển số xe ấy có cùng một nguyên nhân với nền kinh tế yếu kém. Nó đưa lời kêu gọi: cải cách thể chế, đổi mới chính trị, không thể chậm hơn được nữa.

Kinh tế tư bản

clip_image003
Một số dự án qui mô được bàn thảo ở Quốc hội. Image copyright Reuters
Nhà nước bảo: đó là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nhiều ý kiến khác: kinh tế xã hội chủ nghĩa định hướng thị trường. Với tôi, đó là nền kinh tế đang tư bản hóa (những gì gọi là) kinh tế xã hội chủ nghĩa. Nói một cách chính xác: nền kinh tế chúng ta đang có là một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, dù muốn hay không. Nó “tư bản” ở ngay trong cốt lõi quan hệ sản xuất, từ phân phối chế phẩm, tổ chức lao động đến sở hữu tư liệu, cho dù có hay ho gọi là cổ phần hóa chăng nữa. Nó “tư bản” ở chính bản chất kinh tế thị trường.
Kinh tế, do quan hệ sản xuất đẻ ra chính trị và đến lượt mình, chính trị lĩnh nhiệm vụ hướng đạo kinh tế phát triển theo quy luật, theo thúc triển nội tại của nó - đây là luận điểm không chỉ riêng của những người Marxist. Để thấy rằng, nghịch lý ở Việt Nam hiện nay là trong khi chúng ta có một nền kinh tế đã thay đổi về mặt bản chất thì chính trị thượng tầng của nó vẫn ngủ quên, vẫn y như cũ, và làm nên nguyên nhân chủ yếu sinh ra vô số tật bệnh không tìm thấy thuốc chữa, kìm hãm phát triển.

Công bằng thì cái chính trị ấy cũng có được cải đổi ít nhiều do áp lực của Đổi Mới nhưng chỉ nửa vời lẽo đẽo đằng sau với cái dây “định hướng” tròng trên cổ.

Trong nông nghiệp, để “định hướng xã hội chủ nghĩa”, ruộng đất không được tư hữu hóa mà thay bằng quyền sử dụng, thì thôi cũng được, nhưng tại sao vẫn không cho phép dân cày (khái niệm dân cày ngày nay đã khác trước rất nhiều) được tích tụ (bằng chuyển nhượng quyền sử dụng) loại tư liệu sản xuất ấy đến mức có thể đầu tư lớn, sản xuất lớn, tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội thay vì bỏ ruộng cho cỏ mọc, đi kiếm việc khác sống cho qua ngày?

Trong công nghiệp, để “định hướng”, đối với những công ty hoặc mặt hàng quan trọng có ảnh hưởng lớn đến quốc kế dân sinh thì Nhà nước vẫn nắm độc quyền hoặc chỉ cổ phần hóa chiếu lệ để trên thực tế, vẫn là thiên đường của quan liêu, tham nhũng : cha chung không ai khóc, tiền chung cứ móc mà xài. Do đó, những công ty này luôn làm ăn thua lỗ và tiền thuế của dân lại được đổ vào để giữ vững “định hướng” trong khi khu vực tư nhân (đã được chính thức coi là động lực tăng trưởng) thì chẳng được một sự ưu đãi nào - kể cả những công ty tên tuổi, làm ăn có mảng, có miếng- nếu chẳng may thất bát.
Không có một chính sách tích cực và chẳng có một ngân sách nào dành cho các doanh nhân khởi nghiệp mà vẫn cứ hy vọng sẽ có được một triệu doanh nghiệp trong vài năm tới (và sau đó để chết yểu) là sao?
Còn trong lĩnh vực tinh thần - văn hóa, tư tưởng, tuyên truyền, báo chí, giáo dục,pháp luật… - thì sự đổi mới, cải cách càng hiếm đến, bởi nó là chính trị.

Rất dễ đồng ý, đây là lĩnh vực hầu như không có sự thay đổi khi đã qua cả bảy chục năm dân chủ cộng hòa. Công tác chính trị của đất nước vốn dĩ dựa trên nền tảng đấu tranh giai cấp, dựa trên nền tảng lý tưởng hóa những cái được gọi là đạo đức xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa tập thể thì ngày nay vẫn dựa trên nền tảng ấy. Không ai thẳng thắn trả lời, nó còn tương hợp với nền kinh tế thị trường không khi ở nền kinh tế này cái cá nhân, cái tôi tất yếu phải được khẳng định, được tôn trọng. Ai cũng thấy nhưng không ai lên tiếng về tình trạng đạo đức giả đã gần như đặc trưng cho xã hội lúc này.

Quốc hội “sản xuất” được khá nhiều luật nhưng ban hành vừa xong lại phải chuẩn bị dự luật sửa đổi. Bàn đến nhất thể hóa - điều mà ngay cả những quốc gia cộng sản còn lại đã thực hiện từ lâu - nhưng thử nghiệm vừa xong lại bỏ vì sợ….độc tài! Mà ai độc tài, ai che dấu cái tôi của mình? Ai điều gì cũng lập luận lấy được? Đẩy thừa con đường này là “do Bác Hồ lựa chọn” để khỏi phải thừa nhận chính mình lựa chọn.

Trịnh Xuân Thanh

clip_image004
Vụ ông Trịnh Xuân Thanh bị truy nã đang gây chú ý của dư luận. Image copyright Tuoi Tre
Trở lại câu chuyện Trịnh Xuân Thanh. Có thể thấy kinh hoàng vì lỗi hệ thống. Nếu không có câu chuyện ông quan tư cách hàng chợ này khoe sang khoe mẽ thì ông ấy sẽ hanh thông tiến lên, chưa biết đâu là điểm dừng. Nhưng vì trót dại, người ta không thể không lôi ra việc “luân chuyển” của ông, người ta đào đến khoản tiền thất thoát khổng lồ (mà thực tế đã được chôn quên trong đống giấy lộn), người ta lần đến ông A, ông B, ông C… chống lưng.

Lỗi hệ thống là đây: Do cơ chế chính trị, Trịnh Xuân Thanh được đưa ra kiểm điểm trong Đảng trước, Đảng kết luận có tội mới chuyển qua công an cảnh sát điều tra. Thấy động lớn, Thanh chủ động xin ra khỏi Đảng và… chuồn êm. Mọi hành động của nhà chức trách đều là vuốt đuôi.

Nhưng liệu nó có đi đến hồi kết như người ta mong muốn hay không thì chẳng biết. Quan điểm của tôi: ngay dù đạt được như vậy, có lôi ra lũ lít cả đống chuột mẹ chuột con thì vấn đề vẫn còn nguyên. 

Tại sao?

Chống tham nhũng lại dựa vào các quan điểm và hệ thống chính trị từ thời xã hội chủ nghĩa, từ thuở tất cả đều nghèo, từ thời giàu có đồng nghĩa với vô đạo đức là công việc bất khả, là sai lầm cơ bản. Chưa nói, tham nhũng ở Việt Nam đã phát triển vũ bão kể từ mười lăm năm trước khi còn nương nhẹ gọi một cách phiếm chỉ là “hiện tượng tiêu cực”, không ai thực sự muốn ngăn cản nó để bây giờ thì thôi rồi.

Công tác cán bộ

Tôi không có điều kiện đi sâu, đi rộng trong một bài viết nhưng không thể không đề cập đến khâu đầu: công tác nhân sự, công tác cán bộ. Công tác này được hiểu là việc bổ nhiệm, thăng giáng và điều động nhân sự trong bộ máy công quyền, và nó hoàn toàn đi theo cách làm cũ, một cách làm nhân danh Đảng, nhân danh giai cấp, nhân danh chế độ với cả một quy trình nhiều bước có thể với mục đích tích cực nhưng kết cục trở thành bình phong cho những kẻ bất lương. Không ai tìm hiểu xem, ở một nền kinh tế thị trường đích thực, người ta làm việc đó như thế nào. Và cũng không ai cần biết tại sao các quan chức ở môi trường ấy không coi và không thể coi quyền lực là nơi thu vén lợi ích cá nhân; và khi cần thì họ từ nhiệm rất dễ dàng, rất tự giác mà ở Việt Nam thì không?

Đảng Cộng sản Việt Nam có một Hội đồng Lý luận và Hội đồng này vừa nhận được huân chương cao quý do Nhà nước trao tặng “vì những thành tựu xuất sắc trong công tác lý luận”.

Thành tựu ấy là gì không ai biết, mặc dù như tôi, rất hy vọng nó đóng góp được vào việc đổi mới chính trị sao cho theo kịp, sao cho ăn khớp với đổi mới kinh tế. Nhưng tất cả những gì được nghe, được đọc chỉ là chống “tự diễn biến”,” tự chuyển hóa”, những khái niệm không đầy đủ, không thuyết phục, vừa vô lý về mặt triết học, vừa thiếu vắng về mặt ngôn từ, cụt ngủn.
clip_image005
Lãnh đạo Đảng CSVN lo ngại Đảng của ông ‘tự diễn biến’. Image copyright AP
Chưa nói, tự diễn biến tự chuyển hóa về đâu, đến đâu? Trước đây còn được nghe là chống “diễn biến theo con đường tư bản chủ nghĩa”, thì bây giờ không thấy chỉ điểm đến. Mất phương hướng?
Nếu vẫn là chống tha hóa về phía tư bản chủ nghĩa thì có thể yên tâm, tất cả những tai to mặt lớn bị Đảng và luật pháp trừng trị vừa qua không thấy cái tên nào bị lên án nhạt nhòa lý tưởng, mất ý chí chiến đấu, phản bội giai cấp cả. Bọn này vẫn phấn đấu vì tập thể, vì chủ nghĩa xã hội đấy, thậm chí còn to mồm hơn tất tật. Không tin cứ hỏi những người xung quanh. Nếu Hội đồng Lý luận thực sự làm được việc thì có rất nhiều vấn đề thiết thực mà Hội đồng này nên làm và cần làm.
Chẳng hạn. Hội đồng đã từng giải thích sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu là có sự phá hoại của các thế lực thù địch cộng với sự trì trệ của lãnh đạo. Hãy giải thích xem, đảng cộng sản ở các nước đó bây giờ hầu hết đã đổi tên đổi họ (trở thành các đảng mang tính chất xã hội hoặc xã hội - dân chủ) với cương lĩnh mềm trong một nền dân chủ đa nguyên mỗi người một lá phiếu, nhưng sao vẫn chưa thấy một đảng nào quay trở lại cầm quyền, thậm chí chẳng len được vài xuất nghị trường?

Chẳng hạn. Những đảng vẫn còn hiếm hoi giữ tên cộng sản như Đảng Pháp thì cương lĩnh của họ cũng đã đổi đến tối mũi tối mày. Họ không còn giữ cả biểu tượng búa liềm và thay đổi hẳn quan niệm về sở hữu. Ở Đại hội gần nhất, Đại hội 36 (2/2013), Đảng tuyên bố chủ nghĩa Mác-Lênin không còn sức sống cả trong thực tế và lý luận, và giai cấp vô sản không còn giữ vai trò thúc đẩy xã hội nữa. Vai trò ấy bây giờ nằm trong tay tầng lớp trí thức trong một nền kinh tế tri thức hiện đại. Hãy chứng minh những luận điểm đó là sai!

Ông Hồ Chí Minh từng cho rằng người Việt thiếu tư duy khái quát, tư duy hệ thống nên công tác nghiên cứu lý luận “hãy để các đồng chí X (ông nêu tên một nước lớn) làm”. Có lẽ đúng, thực tế từng chứng minh. Khi Trung Quốc chống Việt Nam thập kỷ 70, 80 của thế kỷ trước, Việt Nam đã dựa vào Liên Xô để tìm đến các lý thuyết phát triển. Khi Liên Xô rơi vào khủng hoảng, sắp sụp đổ đến nơi thì Việt Nam lúng túng định quay sang nắm áo Romania.

Cái quốc gia và đảng của nó mà Việt Nam từng tuân theo Liên Xô đả kích không thương tiếc một thời ấy bây giờ được coi là mô hình độc đáo, vững chắc, được toàn dân ủng hộ. Bất thình lình chỉ một ngày, người Romania nổi dậy và Tổng Bí thư Nicolas Ceaucescu cùng bà vợ quyền lực của ông bị xử bắn trong một phiên luận tội nhanh như chớp mắt.

Không còn chỗ bám víu nữa thì may sao, cuộc đại sụp đổ cả hệ thống lại là cơ hội vàng của Việt Nam (đừng nghi ngờ điều này). Câu chuyện sau đó như thế nào chúng ta đều đã rõ.

Ổn định trong trì trệ

Mặt trái của ổn định là trì trệ, chưa nói thực trạng ở Việt Nam hiện nay là ổn định trong trì trệ. Nên thử làm một cuộc thăm dò khách quan xem phỏng được bao nhiêu phần trăm? Thăm dò kín đáo thôi, khỏi cần công bố, để giật mình mà nhận ra thực trạng của cái gọi là niềm tin.

Muốn ổn định và giữ cho ổn định có sức sống, nếu chưa thể đổi mới toàn diện về mặt chính trị, hãy chọn những vấn đề trì trệ nhất, cản bước phát triển nhất để đột phá. Hãy coi và phải coi đổi mới chính trị, cải cách thể chế là động lực cho giai đoạn phát triển hiện nay.

Giới lãnh đạo Việt Nam đặt nhiều hy vọng vào TPP, Hiệp định về đối tác xuyên Thái Bình Dương. Nhiều người cho rằng TPP sẽ tạo động lực cho phát triển bởi các lợi ích kinh tế, thương mại to lớn có thể sờ nắn thấy được.

Nó có những ràng buộc về mặt chính trị nhưng không có chế tài thì Việt Nam vẫn có thể “mềm mại” vượt qua bằng “sách lược” khôn ngoan. Chắc chắn đây là một lầm lẫn tai hại.
TPP sẽ là một động lực, nhưng phải nhìn nó dưới góc độ là một Hiệp định thương mại thế hệ mới, hoàn toàn mới. Học giả Trung Quốc Dương Bằng cho rằng, với TPP, một “thời đại thương mại giá trị” được kết nối bằng những “quy tắc chính trị” tự giác đã đến. Người Trung Quốc không phải không muốn tham gia TPP hay bị ai đó gạt ra; họ ngần ngại chính là bởi các ràng buộc chính trị. Gia nhập TPP là chấp nhận các ràng buộc ấy khiến Trung Quốc sẽ phải ở cửa dưới. Ví dụ về các xí nghiệp quốc doanh.

Nó sẽ không được hưởng bất cứ một ngoại lệ ưu tiên nào mà còn phải giảm thiểu (khác với Việt Nam, các xí nghiệp, tập đoàn nhà nước ở Trung Quốc vốn rất mạnh). Không chỉ thế, các yêu cầu về quyền tự do tư tưởng, quyền được thông tin, quyền của người lao động… với TPP là đương nhiên.
Học giả Vương Bằng mà tôi vừa nêu trên, giáo sư thỉnh giảng Đại học Harvard, trong cuộc trả lời phỏng vấn gần đây trên Đài Tiếng nói Hoa Kỳ cho rằng dù không đề cập trực tiếp đến chính trị nhưng những điều đó tạo nên quy tắc chính trị của TPP và sẽ là quy tắc nguồn tác động đến tất cả. Nó được thực thi một cách tự giác vì làm ngược lại người ta sẽ tự đào thải mình. Không có chế tài ư, lợi ích của chính anh sẽ là chế tài.

Việt Nam có nhận thức được như vậy không khi quyết định tham gia TPP?
Nhưng những động thái gần đây có thể là đáng ngại khi Quốc hội xem xét khắt khe dự thảo Luật về hội và các dự thảo sửa đổi luật Hình sự, luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh…

Chính trị tổng quát là: Mọi việc đều phải trên cơ sở tôn trọng pháp luật và minh bạch.
Những gì khập khiễng, nửa vời sẽ đem đến kết quả thậm chí cũng không được nửa vời.
V.C.P.
__________
* Bài thể hiện quan điểm riêng của Tiến sỹ Vũ Cao Phan, Viện trưởng Viện Chính trị và Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế của Đại học Bình Dương, nguyên Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc.

__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

Featured post

Bản Tin cuối ngày-19/11/2024

My Blog List