Vu cáo Việt Tân, Nguyễn Phú Trọng âm mưu gì?
Lý Thái Hùng
Cùng tác giả:
Ngay sau khi Bộ công an ra thông cáo dựng chuyện vu cáo đảng Việt
Tân, chính quyền Tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã dựa theo nội dung vu cáo này phổ
biến hai văn kiện mang nội dung thách đố người dân tại đây.
Dưới tiêu đề “thông tin một số tình hình liên quan đến việc khắc
phục sự cố môi trường tại miền Trung”, bộ máy Tuyên giáo tại Hà Tĩnh đã phổ biến
một văn kiện dài 8 trang vào ngày 11 tháng 10, đổ vấy rằng Việt Tân đứng đằng
sau xách động bà con giáo dân biểu tình, phá hoại cái gọi là đang sắp xếp việc
bồi thường những nạn nhân do công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra.
Song song, chính quyền Nghệ An đã viết thư gửi Đức Giám Mục Phaolô
Nguyễn Thái Hợp và Đức Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Viên, “yêu cầu” trục xuất Linh
Mục Đặng Hữu Nam ra khỏi địa phận Nghệ An vì cho rằng Ngài đã vận động và tổ
chức giáo dân thuộc giáo xứ Phú Yên nộp đơn khiếu kiện tập thể, cũng do đảng
Việt Tân xách động.
Cả hai văn kiện nói trên đã cho thấy tính chất “côn đồ” của bộ máy
bạo lực hơn là một nhà nước “gần dân, vì dân” như Nguyễn Phú Trọng đã nói trong
cuộc họp báo hôm cuối Tháng 1, 2016 sau khi được bầu làm Tổng bí thư trong Đại
hội XII.
Thứ nhất, vụ cá chết hàng loạt ở
4 tỉnh miền Trung xảy ra từ đầu tháng 4 cho đến nay kéo dài hơn 6 tháng, các
gia đình nạn nhân chỉ mới nhận được 15 ký gạo “mục” (thiếu phẩm chất) từ chính
quyền địa phương. Trong khi đó các cấp chính quyền hầu như dẫm chân tại chỗ
việc xúc tiến các thủ tục bồi thường, giải quyết những khiếu nại của nạn nhân.
Nói cách khác, trước và sau cuộc họp báo hôm 30 tháng 6 đến nay để công bố thủ
phạm Formosa gây ra nguyên nhân cá chết cũng như số tiền bồi thường thiệt hại
500 triệu Mỹ Kim, nhà cầm quyền CSVN đã không có bất cứ hành động nào bồi
thường cụ thể, ngoại trừ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn hôm 1 tháng 9,
phổ biến văn kiện quy định 8 nhóm đối tượng và thiệt hại để cho địa phương làm
công tác… kiểm kê.
Thứ hai, trong kỳ họp thứ nhất
Quốc hội khóa XIV hôm 29 tháng 7, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và
môi trường cho biết là Formosa đã chuyển 250 triệu Mỹ Kim bồi thường cho Bộ tài
chánh. Cho đến nay không ai biết là số tiền 250 triệu Mỹ Kim bồi thường được
dùng vào việc gì, trong khi những nạn nhân hứng chịu các thiệt hại đầu tiên tại
Kỳ Anh từ khi xảy ra vụ cá chết hàng loạt hôm 19 tháng 4 hoàn toàn không được
giúp đỡ hoặc bồi thường một đồng nào. Trong khi đó, vụ cá chết và biển nhiễm
độc không chỉ gây thiệt hại cho bà con ngư dân, những gia đình nuôi cá bè, mà
còn làm ảnh hưởng đến những người dân kiếm sống ở các dịch vụ du lịch, quán ăn,
khách sạn và nhất là bà con lao động không hề được nhà cầm quyền CSVN quan tâm
giải quyết nhanh chóng và rốt ráo.
Ông Trần Hồng Hà tại Hội nghị “đúc kết báo cáo đánh giá môi trường
biển của 4 tỉnh miền trung của các nhà khoa học" ngày 22-8-2016. Ảnh: Nông
Nghiệp Việt Nam
Thứ ba, để nhanh chóng đưa
thảm kịch Formosa vào quên lãng, Bộ tài nguyên và Môi trường đã dàn dựng một
Hội nghị gọi là “đúc kết báo cáo đánh giá môi trường biển của 4 tỉnh miền trung
của các nhà khoa học” hôm 22 tháng 8, tại Cửa Việt, Quảng Trị. Tại hội nghị
này, ông Trần Hồng Hà đã khẳng định rằng biển miền Trung đã an toàn, dù là từ
tháng 4 đến tháng 8, nhà cầm quyền Hà Nội đã không có bất cứ động thái nào làm sạch
hay dọn dẹp những chất độc hại như phenol, xyanua… Và để chứng minh biển đã an
toàn, ông Trần Hồng Hà cùng một số quan chức của Bộ tài nguyên và môi trường,
lãnh đạo 4 tỉnh rủ nhau xuống tắm biển và ăn cá tại chợ Cửa Việt… với một số
hình ảnh được phổ biến trên hầu hết các trang báo của đảng.
Thảm họa môi trường trải dài trên 4 tỉnh, ảnh hưởng tới đời sống
của hàng triệu người dân và những độc chất mà công ty Formosa Hà Tĩnh thải xuống
biển gây tác hại kéo dài từ 40 năm đến 70 năm, mà nhà cầm quyền CSVN đã chỉ
giải quyết một cách sơ sài, thậm chí cố tình che giấu những thiệt hại. Trong lúc đó cũng một thảm họa tương tự xảy ra
ở Nhật Bản vào thập niên 50 gây ra bệnh Minamata kinh hoàng kéo dài nhiều thập
niên. Chính phủ Nhật đã mất 23 năm và hàng tỷ Yen để dọn sạch chất thủy ngân do
nhà máy Chisso đổ ra vịnh Minamata. Điều này cho thấy là lãnh đạo CSVN không quan tâm gì đến việc tẩy
sạch độc chất và nhất là bồi thường nhằm sớm phục hồi đời sống của người dân,
mà cố tình tẩy xóa thảm họa Formosa như trốn chạy một bóng ma.
Bóng ma Formosa đã ẩn chứa hai nguy cơ sinh tử đối với ông Nguyễn
Phú Trọng nói riêng và lãnh đạo CSVN nói chung, đó là trách nhiệm đưa Formosa
vào Hà Tĩnh và sự chống đối của người dân vì thảm họa môi trường.
Ông Trần Hồng Hà cùng một số quan chức của Bộ tài nguyên và môi
trường tắm biển để chứng minh biển an toàn. Ảnh: Internet
Trong hai nguy cơ nói trên, sự chống đối của người dân Hà Tĩnh và Nghệ
An hiện nay đang tạo ra áp lực về việc quy trách nhiệm của những ai đã ký quyết
định đưa Formosa vào Hà Tĩnh; vì thế mà Nguyễn Phú Trọng và Bộ máy công an tìm
mọi cách dập tắt làn sóng khiếu kiện của bà con ngư dân.
Nguyễn Phú Trọng và lãnh đạo CSVN đơn thuần nghĩ rằng việc công
bố công ty Formosa nhận tội và hứa bồi thường 500 triệu Mỹ Kim là xong chuyện;
nhưng chính việc đi đêm và khoả lấp tội ác với số tiền bồi thường ít ỏi mà không
thông qua bất cứ phiên tòa nào, CSVN đã cho thấy rõ họ đứng về phía Formosa chứ
không phải đứng về phía nhân dân.
Đây chính là mấu chốt khiến cho bóng ma Formosa đang trở thành
điểm nóng, dẫn đến những chuyển biến khó lường trong thời gian qua và sắp tới.
Chuyển biến đầu tiên là sự kiện 600 bà con ngư dân, dưới sự hướng
dẫn của Linh Mục Đặng Hữu Nam nộp đơn kiện công ty Formosa Hà Tĩnh tại Tòa án
Thị xã Kỳ Anh hôm 26 tháng 9. Một tuần lễ sau là cuộc biểu tình của hơn 10 ngàn
giáo dân và bà con ngư dân trước công ty Formosa Hà Tĩnh vào ngày 2 tháng 10.
Những diễn biến này đã làm rúng động dự luận và đặt cho ông Nguyễn
Phú Trọng và lãnh đạo Hà Nội rơi vào tình thế bất ngờ và hoảng hốt.
Linh mục Đặng Hữu Nam hướng dẫn bà con ngư dân trước cổng tòa án
Thị xã Kỳ Anh hôm 26-9-2016. Ảnh: TMCNN
Nếu là chính quyền “gần dân, vì dân”, ông Trọng hay ít ra là ông
Phúc đã phải bay vào Nghệ An và Hà Tĩnh trực tiếp đối thoại với bà con ngư dân
cùng các vị lãnh đạo tôn giáo để tìm biện pháp giải quyết ung nhọt Formosa.
Ngược lại, ông Trọng và ông Phúc lại cho cán bộ địa phương ra thông cáo đổ vấy
tất cả những ai, những đoàn thể nào nhắc đến thảm họa Formosa đều là do đảng
Việt Tân xúi giục.
Việc vu cáo này nằm trong âm mưu chuẩn bị một cuộc đàn áp quy mô
mà ông Trọng đang thực hiện để vừa bảo vệ chế độ, vừa hướng dư luận quên đi những
sa lầy chính trị của phe đảng hiện nay về vụ Trịnh Xuân Thanh và cuộc nội chiến
đến hồi gay cấn với phe Nguyễn Tấn Dũng.
Ngoài ra, việc Bộ Công an ra thông cáo quy chụp đảng Việt Tân đứng
sau những chống đối thảm họa Formosa cho thấy thêm một lý do khác về việc
Nguyễn Phú Trọng phải vào nằm trong Ban thường vụ Bộ công an mới đây. Đó là ông
Trọng muốn mình trở thành kẻ ra lệnh và kiểm soát bộ máy bạo lực trong những
cuộc đàn áp sắp đến.
Nhưng càng ra tay đàn áp, Nguyễn Phú Trọng chỉ chuốc lấy sự cô lập
của thế giới và thách đố làn sóng phẫn uất của người dân ngày một lên cao mà
thôi.
Bạo lực chỉ có thể tồn tại trong xã hội bưng bít. Ngày nay, với
hơn 45 triệu người xử dụng mạng xã hội, có thể chụp hình, đưa tin tức lên mạng
ngay trong vòng vây của công an. Đây là vũ khí của người dân và chính yếu tố
này sẽ trói tay bạo lực và buộc chế độ độc tài phải thay đổi, trước khi phẫn
uất của người dân trở thành ngọn sóng thần quét sạch bộ máy độc tài.
Lý Thái Hùng
|
Formosa get out!. Tranh Babui.
Quà lại quả bịt mồm Trọng lú của Formosa
__._,_.___
No comments:
Post a Comment