Tự ứng cử vào
Quốc hội – Thách thức chế độ hay Mùa Xuân dân tộc?
TS Đinh Xuân Quân
Trong
các năm gần đây những người dân chủ ở trong nước đã đi những bước thích hợp và
đạt được một số thành quả trong cuộc vận động chống Bắc Kinh xâm lấn, chống độc
tài, chống bạo hành của công an, bảo vệ dân oan… Nhiều người dân chủ đã thay
đổi tâm lý và ý chí, từ sợ hãi, thờ ơ chuyển sang tham gia tích cực; biết khai
thác sở trường để mở rộng tiếng nói, ảnh hưởng và gia tăng lực lượng.
Sau Đại Hội 12, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho là Việt Nam “dân
chủ đến thế là cùng…” Vào tháng 5 này, Việt Nam sẽ bầu lại Quốc hội (QH).
Theo
nhận định của hãng Reuters thì kỳ này Chính quyền Cộng sản Việt Nam (CSVN) sẽ
bị một số nhà bất đồng chính kiến thách thức bằng cách nộp đơn tự ứng cử vào
Quốc hội, không theo thủ tục từng được áp đặt là phải được đảng hay các tổ chức
do đảng kiểm soát đề cử. Trong nhóm “tự ứng viên” này có Tiến sĩ Nguyễn
Quang A, một nhà bất đồng chính kiến, thành viên Xã Hội Dân Sự thường xuyên có
tiếng nói phê phán chính quyền. Ông không phải là đảng viên, và là loại ứng
viên ĐCSVN không muốn có trong cơ quan lập pháp, mà nhiệm vụ chủ yếu là chuẩn y
các quyết định của Chính phủ.
Việc ứng cử vào thời điểm này cũng là… lúc theo người phát ngôn Bộ
Ngoại giao Việt Nam hé lộ về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama
dự kiến vào tháng 5, 2016. Theo Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) thì “Ông Obama
mong muốn tìm hiểu về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam; đồng thời trao
đổi về các vấn đề, các biện pháp hợp tác cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác
toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ”.
Nhiều người (trong và ngoài nước) cho là Tiến sĩ Nguyễn Quang A và
19 người “tự ứng cử” như là những người “không thiết thực và họ còn bị chê trách”
vì những kinh nghiệm không tốt của quá khứ, của những người “tự ứng cử” vào
2011.
Theo ý kiến của người viết, một chuyên gia Liên Hiệp Quốc về
“Governance & Development,” thì việc đánh giá cá nhân của các người ra tự
ứng cử cần thiết để biết xem Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói “dân chủ đến thế
là cùng…” đến đâu.
Hơn nữa nếu ĐCSVN “dân chủ đến thế…” thì đây có thể là cơ hội mùa Xuân
của dân tộc đi đến một giải pháp kiểu Miến Điện – không gây bất ổn – giải quyết
các khó khăn của ĐCSVN, đưa ra một giải pháp “Win-Win” cho Việt Nam.
Kinh
nghiệm bầu cử Quốc hội năm 2011
Hiến pháp CHXHCN Việt Nam quy định công dân với những điều kiện
bình thường mà phần lớn đều có, có thể tự do đề cử, ứng cử, nhưng mấy chục năm
qua hầu như không có mấy ai tự mình ra ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân
dân.
Lý do việc không mấy ai “tự ra ứng cử” là vì kinh nghiệm quá khứ
cho thấy không thể nào trúng cử và hiểm họa thì khôn lường. Theo bài của ông Nguyễn
Đình Ấm trong Boxít Việt Nam ngày 28 tháng 2, 2016 thì:
Để lọt vào danh sách để cử tri bầu, người ứng cử phải trải qua
nhiều đoạn như lấy tín nhiệm ở tổ dân phố, xóm thôn, phường xã, ở cấp Mặt trận Tổ
quốc… do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Đối với những người do đảng “đề cử” thì các bước trên được sắp xếp
một cách thuận lợi.
Đối với những người “tự ứng cử” nếu không có “tiền sử trái ý
ĐCSVN” được xếp vào “cơ cấu” thì có thể cũng dễ vượt qua các đoạn nói trên nhưng
khi lập danh sách bầu, sắp xếp nơi ứng cử sẽ bị để ở vị trí không thuận lợi.
Những người quá nổi tiếng, dân tín nhiệm cao vẫn bị gạt ở khâu
cuối như trường hợp của nhà báo Võ Đắc Danh ở Cà Mau. Theo tường thuật thì nhà
báo Võ Đắc Danh vượt qua các bước thủ tục dễ dàng.
Đến khi dân bầu, do nhà báo
nổi danh chống tiêu cực, tham nhũng, có đức, có tài nên số phiếu cao hơn đại
biểu Nguyễn Đức Triều, ủy viên Trung ương Đảng từ Hà Nội “bắn” vào và ứng viên
Bùi Công Bửu, Phó bí thư Tỉnh ủy Cà Mau.
Không thể để những VIP này “kém thường
dân”, bị trượt nên ứng viên Võ Đắc Danh bị đánh trượt do có chỉ thị mật: “Tổ
bầu cử nào để Võ Đắc Danh trúng cử thì bí thư chi bộ đó phải chịu trách nhiệm”.
Luật sư Võ An Đôn ở Phú Yên, Nguyễn Thanh Giang ở Hà Nội (1991) cũng bị “gạt”
trong những trường hợp tương tự.
Tuy nhiên, đó vẫn là những người tự ứng cử đã cực kỳ may mắn. Một
số trường hợp tự ứng cử đến nay còn mang nỗi kinh hoàng như ông Nguyễn Phúc Giác
Hải sinh năm 1934 ở phường Chương Dương (Hà Nội).
Đó là trường hợp của Luật sư
Lê Quốc Quân và một số người tự ứng cử khác. Riêng Luật sư Lê Quốc Quân còn bị lũ
người lạ đón đường hành hung dã man như thể để cảnh cáo… Vừa qua các ông Nguyễn
Tường Thụy, bà Nguyễn Thúy Hạnh, Phạm Thành… mới chỉ tuyên bố ra ứng cử nhưng
trên mạng xã hội đã tung ra cơ man những lời vu khống trắng trợn, hèn hạ như
ông Thụy ăn cắp tiền, ngoại tình gái gú, sống lang chạ bừa bãi, bà Hạnh, ông
Thành thế nọ, thế kia… trong khi chúng tôi biết rõ phẩm giá, tài, đức của những
người này.
Rút
kinh nghiệm bầu cử Quốc hội 2016
Lần này có độ hơn chục trường hợp “tự ra ứng cử ĐBQH khóa 14
(2016)”. Những người này biết rõ hơn ai hết đầy dẫy nguy hiểm trước mắt nhưng vẫn
can đảm, cố gắng có tổ chức hơn và để ý đến nhiều khâu. Có một số điểm cần để ý
trong khóa 2016 (theo quy định hiện hành chưa dân chủ và phải thay đổi trong
tương lai):
– Quyền ứng cử
– Quyền đối với hội nghị cử tri ở nơi cư trú và làm việc: Đòi thực
hiện hội nghị cử tri dân chủ công khai như người ta vẫn nói (tiến tới phải bãi
bỏ quy định phi dân chủ này) với 3 việc chính:
– yêu cầu công khai danh sách những người được mời đến dự hội nghị
(để tránh việc làm phi pháp mời dư luận viên, không phải cử tri nơi đó, đến đấu
tố ứng cử viên như được cho là đã xảy ra trong quá khứ – trường hợp ông Nguyễn
Phúc Giác Hải ở phường Chương Dương (Hà Nội);
– mời báo chí (cả trong và ngoài nước) đến chứng kiến hội nghị cử
tri;
– công khai toàn bộ quá trình hội nghị cử tri (phát trực tiếp trên
mạng, hoặc ghi video lại để phát công khai trên mạng)
– yêu cầu cấp bản sao của biên bản hội nghị cử tri.
– Về hiệp thương: Đã là hiệp thương, thì các bên liên quan phải CÓ
MẶT. Nói cách khác, những người ứng cử (được đề cử và tự ứng cử) hay đại diện
của họ (tốt nhất là một luật sư) phải có mặt tại các cuộc hiệp thương. Hiệp
thương cũng phải công khai minh bạch và quyền có thể làm tương tự như với hội
nghị cử tri.
– Vận động bầu cử: Bằng mọi phương tiện và hình thức mà luật hiện
hành không cấm (Điều 68 Luật Bầu cử, LBC).
– Bầu cử: Các tình nguyện viên, người dân nên động viên cử tri
thực hiện đúng quy định của luật và phát hiện (ghi lại bằng chứng nhất là bằng
video) mọi sự vi phạm pháp luật trong bầu cử (mà đã thường xảy ra trong các
cuộc bầu cử trước như: bỏ phiếu thay cho người khác, việc này là phạm pháp theo
điểm 2 Điều 69 LBC; hoặc việc nhân viên tổ BC gợi ý xóa tên người này ủng hộ
người kia [người khác có thể làm vậy song tổ bầu cử và thành viên tổ bầu cử bị
cấm theo điểm 3 Điều 63 LBC).
Quyền phát hiện, ghi bằng chứng và tố cáo việc vi
phạm pháp luật của người bỏ phiếu thay cho những người khác, cũng như của các
tổ chức bầu cử và nhân viên của các tổ chức này là QUYỀN và NGHĨA VỤ của mỗi
công dân (các tình nguyện viên có vai trò lớn trong việc này).
– Kiểm phiếu: Theo Điều 73 của LBC, việc kiểm phiếu phải tiến hành
ngay tại tổ bầu cử và các phóng viên báo chí và người ứng cử hoặc đại diện được
ủy nhiệm có thể chứng kiến việc kiểm phiếu và khiếu nại về việc kiểm phiếu.
Các
ứng cử viên hãy ký giấy ủy nhiệm cho các tình nguyện viên để có một người tại
mỗi tổ bầu cử. Như vậy nếu chúng ta thực thi QUYỀN của chúng ta, thì việc gian
lận kiểm phiếu (việc được cho là đã thường xảy ra trong các cuộc bầu cử trước)
sẽ bớt đi. Người được ủy nhiệm phải yêu cầu cho bản sao (hoặc chụp ảnh) biên
bản kiểm phiếu.
Tổng hợp kết quả bầu cử: Khâu tổng hợp kết quả thường dẫn đến sai
sót và gian lận, chính vì thế việc các tổ chức XHDS giám sát và phát hiện sai
sót hay gian lận là rất quan trọng (nếu các tình nguyện viên có bản sao hay
thông tin về biên bản kiểm phiếu ở các tổ bầu cử, thì việc tổ chức tổng hợp kết
quả có thể được tiến hành song song để đối chiếu với Hội đồng Bầu cử và có thể
giúp HĐBC loại bỏ sai sót; các tổ chức XHDS Indonesia đã làm rất tốt việc này
trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua và các tổ chức XHDS Việt Nam nên làm vậy).
– Làm rõ các sai sót và kiến nghị sửa LBC: kinh nghiệm của cuộc
bầu cử này có thể là bằng chứng thuyết phục để đòi thay đổi luật bầu cử.
Gian lận bầu cử là chuyện hàng ngày tại nhiều nước như
Afghanistan, Cambodia, Ukraine, v.v… nhất là không có thủ tục ra ứng cử và tổ
chức bầu do một “Independent Electoral Commission – Hội đồng Bầu cử độc lập do
LHQ hay các đại diện quốc tế tham gia và giám sát” thì khó lòng vượt qua các
khó khăn các người tự ứng cử gặp phải.
Vì vậy theo người viết thì Tiến sĩ Nguyễn Quang A và các người
đồng hành của Xã Hội Dân Sự vô cùng can đảm – nên được khuyến khích vì là ủng hộ
cho quy trình dân chủ hóa trong trật tự – bất bạo động.
Bầu
cử Quốc hội 2016 hay Mùa Xuân dân tộc Việt Nam
Không phải chỉ vì các thành viên Xã Hội Dân Sự như Tiến sĩ A không
muốn để mặc cho ĐCSVN muốn làm gì thì làm trước nguy cơ Trung Quốc chiếm lãnh
thổ Việt Nam, đây cũng là một cơ hội tốt cho chính ĐCSVN thoát ra khỏi ngõ bí –
mang lại con đường “dân chủ” theo gót Miến Điện hay các nước dân chủ khác ở Á
Châu hướng tới tìm một giải pháp ôn hòa.
Quả thật, đối với các tầng lớp nhân dân trong nước, nhất là các
thành viên an ninh, công an khi có “tiếng nói của Xã Hội Dân Sự” trong Quốc hội
thì tiếng nói của họ sẽ mạnh mẽ hơn, có thể thu gọn các tranh chấp hiện mang
các bất đồng ý kiến, thay vì thể hiện qua các cuộc “xuống đường, biểu tình” thì
nay họ mang vào tranh cãi tại Quốc hội. Cánh công an cảnh sát sẽ ít phải sử
dụng dùi cui hay cơ bắp để đánh dân vì dân sẽ có các đại diện của họ tại Quốc
hội giải quyết giùm họ.
Đây là cách ĐCSVN thể hiện tốt Điều 3 Hiến pháp Nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam (CHXHVN) khi “nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ
của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền
công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh,
mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc có điều kiện phát triển toàn
diện” sẽ được thực hiện tốt hơn.
Cũng theo hãng Reuters viết ngày 4 tháng 3, 2016, việc cho phép
các ứng viên độc lập ra tranh chức đại biểu Quốc hội sẽ giúp Đảng Cộng sản cải
thiện hình ảnh của mình, vì trong thời gian 40 năm độc quyền lãnh đạo toàn thể
nước Việt Nam vừa qua, đảng đã bị mang tiếng xa rời quần chúng, đặc biệt trong
số một nửa cư dân ở độ tuổi dưới 30. Đây là một cách ĐCSVN thể hiện những gì họ
viết trong Hiến pháp CHXHVN.
Không có chế độ nào, kể cả ĐCSVN, có thể tồn tại “muôn năm”, nhất
là khi các nước trên thế giới kể cả Nga, đều đã ném chế độ này vào sọt rác. Các
nước cộng sản còn lại, kể cả Trung Quốc, đang bị khủng hoảng. Đây là cơ hội cho
ĐCSVN thoát Trung và cho họ một bài học thay đổi “a la Vietnamese – A la
Anamít”.
Kết
luận
Chúng ta cần phải hoan hô những người tự ứng cử Đại biểu Quốc hội 2016
vì họ đã đưa ra một giải pháp ôn hòa, có trật tự để thực thi quyền công dân.
Đường vẫn còn dài và còn nhiều khó khăn, nhưng không lý nào một dân tộc như
Việt Nam lại không thể hiện nổi quyền công dân của chính mình?
Con người trên khắp thế giới đi vào thế kỷ 21 với ý thức rất rõ
cần phải loại trừ mọi thể chế độc tài, cần phải được sống trong chế độ tự do dân
chủ thì mới đạt được một đời sống vật chất và tinh thần xứng đáng với phẩm chất
của con người.
Đảng CSVN chắc chắn đã thấy rõ trước sau rồi đất nước Việt Nam
cũng phải tới đó. Cuộc bầu cử Quốc hội tháng 5 sắp tới với phong trào tự ứng cử
của dân chúng là cơ hội để thể nghiệm cho một cuộc chuyển mình.
Chuyển mình từ độc tài sang Dân Chủ.
Chuyển mình từ áp bức đến Tự Do.
Đ.X.Q.
Tác giả gửi BVN
thông qua ông Phạm Phú Minh
__._,_.___
No comments:
Post a Comment