|
Sự can thiệp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư bằng Nghị quyết số
18-NQ/TW là vi phạm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.
Nghị quyết số 18-NQ/TW do ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành
hôm 25-10-2017 có nhiều nội dung cho thấy đã đứng trên Luật Tổ chức Quốc hội
2014. “1. Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực
nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 2. Quốc hội thực
hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất
nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”. (Trích Điều 1, Luật
Tổ chức Quốc hội)
Ngày 25-10-2017, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản
Việt Nam khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW
“Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính
trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Trong phần đánh số III. 2.3 “Đối
với chính quyền địa phương”, cho thấy Nghị quyết vừa ban hành của Tổng bí thư
đã đứng trên cả Chính phủ và Quốc hội.
Lãnh đạo là được quyền
đứng trên luật?
Hiến pháp 2013, Điều 4 có nội dung rằng Đảng Cộng sản Việt Nam là
lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng
Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Thế nào là lãnh đạo Nhà nước và xã hội trong khuôn khổ Hiến pháp
và pháp luật thì đến nay vẫn chưa có quy định.
Trong Hiến pháp chỉ có mỗi Điều 4 là đề cập đến Đảng Cộng sản Việt
Nam. 119 điều còn lại của Hiến pháp đều không nói gì thêm về Đảng Cộng sản.
Pháp luật về Đảng – Luật về Đảng Cộng sản Việt Nam cho đến nay cũng chưa có.
Như vậy, nếu chiếu theo nguyên tắc các cơ quan nhà nước, các cán bộ – công chức
“chỉ được làm những gì mà luật cho phép”, thì xem ra các tổ chức Đảng và đảng
viên không được làm chuyện gì hết trong bộ máy quản lý Nhà nước, vì đến nay như
đã nói, chưa hề có luật về hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Câu hỏi đặt ra: thế thì cụm từ trong Điều 4, Hiến pháp “Đảng Cộng
sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” nên hiểu như thế nào về
nội hàm của pháp luật?
Quốc hội là cơ quan tối
thượng hay là… bù nhìn?
Luật Tổ chức Quốc hội, ngay điều đầu tiên đã khẳng định: “1. Quốc
hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao
nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 2. Quốc hội thực hiện quyền
lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám
sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”.
Tuy nhiên trên thực tế thì lại không phải như vậy. Trong quan hệ quyền
lực chính trị, thì nhân sự ở các vị trí chóp bu của Quốc hội lại do Bộ Chính
trị và Ban Bí thư Đảng đưa ra. Điều này cũng có nghĩa quyền lực của Quốc hội
tại Việt Nam đứng hàng thứ ba sau quyền lực của cặp đôi Bộ Chính trị – Ban Bí
thư Trung ương Đảng. Thế nhưng điều này lại không được luật hóa, mà được thực
hiện theo kiểu đương nhiên phải là như vậy. Với tâm thế đó, ông Tổng Bí thư đã
mạnh tay ký Nghị quyết số 18-NQ/TW với những can thiệp đầy thô bạo, ngang nhiên
thách thức Luật Tổ chức Quốc hội 2014, và Luật Tổ chức Chính phủ 2015.
Trong Nghị quyết này, ông Tổng Bí thư đưa ra mệnh lệnh hành chánh
như sau (trích): “Đối với hệ thống tổ chức của Nhà nước ở Trung ương: Thực hiện
tăng tỉ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách theo mục tiêu đã đề ra; nghiên cứu
việc giảm hợp lý số lượng đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm công tác ở các cơ quan
hành pháp. Quy định số lượng với tỉ lệ hợp lý giữa lãnh đạo, uỷ viên thường
trực, uỷ viên chuyên trách của Hội đồng Dân tộc và các uỷ ban của Quốc hội theo
hướng giảm số lượng cấp phó và uỷ viên thường trực. Sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức
bên trong của Văn phòng Quốc hội theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả”.
“Rà soát, bổ sung, hoàn thiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương,
quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của chính quyền cấp tỉnh, cấp
huyện, cấp xã; quy định rõ cơ chế phân cấp, uỷ quyền và thực hiện nhiệm vụ,
quyền hạn khi được phân cấp, uỷ quyền giữa các cấp chính quyền địa phương”.
“Đối với một số lĩnh vực được tổ chức theo ngành dọc, như: Thuế,
hải quan, kho bạc nhà nước, bảo hiểm xã hội… tiếp tục thực hiện sắp xếp tổ chức
theo khu vực liên tỉnh hoặc liên huyện để thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế.
Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng tổ chức bộ máy phù hợp với việc phân cấp ngân
sách nhà nước, phát huy vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương và chủ động
của ngân sách địa phương”.
Điều 4, Hiến pháp 2013 chỉ cho phép ông Tổng Bí thư lãnh đạo Nhà
nước và xã hội trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Nhiều nội dung trong Nghị
quyết số 18-NQ/TW đã có dấu hiệu vi hiến, khi ông Tổng Bí thư cho mình cái
quyền can thiệp vào hoạt động của Quốc hội và Chính phủ.
Theo Luật Tổ chức Chính phủ 2015, thì “Chính phủ là cơ quan hành chính
nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền
hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Chính phủ chịu trách nhiệm trước
Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ
tịch nước”. Sự can thiệp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư bằng Nghị quyết số
18-NQ/TW là vi phạm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Theo Luật
này, thì các nghị quyết được ban hành từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều không nằm
trong “Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật” mà các công chức, cơ quan Nhà nước
có bổn phận thi hành.
Cần chấm dứt việc lạm
quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam
Nếu ông Tổng Bí thư công nhận Hiến pháp Quốc gia có giá trị thực hiện,
thì ông Tổng Bí thư phải hiểu rất rõ rằng các nghị quyết của Ban chấp hành về
các công tác xây dựng Đảng đúng là công việc của nội bộ Đảng. Điều đó có nghĩa,
các nghị quyết của Ban chấp hành chỉ nên tập trung vào việc chỉ đạo làm tốt
công tác tư tưởng, lý luận; vận động quần chúng nhân dân thực hiện cương lĩnh,
đường lối của Đại hội Đảng; quản lý và giáo dục, xây dựng đội ngũ cán bộ đảng
viên của Đảng vững mạnh, có năng lực, phẩm chất tốt, uy tín cao, có khả năng
đảm đương các công việc của Đảng, đồng thời để sẵn sàng giới thiệu, ứng cử vào
các chức danh chủ chốt của bộ máy công quyền.
Ngoài chuyện đó ra thì các nghị quyết về định hướng chiến lược,
công tác quản lý các mặt của đời sống kinh tế – xã hội mà từ trước tới nay các
cơ quan Ban chấp hành của Đảng xây dựng, tổ chức chỉ đạo thực hiện, thì giờ đây
cần phải được chấm dứt. Bởi đây là thẩm quyền của các cơ quan hành chính Nhà
nước các cấp cũng như ở các tổ chức, đơn vị của Nhà nước. Có nghĩa, đây thuộc
công việc của Nhà nước.
Nếu Đảng cứ tiếp tục can thiệp vào việc vận hành bộ máy Nhà nước,
để rồi khi gặp các sai phạm thì lại tiếp tục duy ý chí kiểu đổ thừa, cho rằng
“Nghị quyết Đảng đúng”, chính quyền đã chỉ đạo, điều hành thực thi sai…
Thực tế hiện nay Việt Nam chưa có luật về hội, luật về đảng chính trị,
mà cụ thể là Luật Hoạt động của Đảng. Chính vì vậy, thực tế đã có không ít hiện
tượng sai phạm trong hoạt động của các tổ chức đảng và đảng viên, nhưng không
được xử lý theo pháp luật, chẳng hạn như: sự can thiệp trái với thẩm quyền của
các cấp Ủy Đảng đối với các cơ quan quản lý Nhà nước; việc các tổ chức Đảng sử
dụng các cơ sở vật chất, nguồn tài chính từ ngân sách Nhà nước… nhưng không
phải chịu sự chế tài của luật pháp.
Trong khi đó, luật về hội, luật về đảng chính trị là yêu cầu cần thiết
đối với các mô hình đảng cầm quyền trên thế giới Cũng như Hiến pháp và pháp
luật của Nhà nước, Luật Hoạt động của Đảng đều phải được thể chế hóa từ cương
lĩnh, đường lối của Đảng.
Do vậy, khi xây dựng cương lĩnh, đường lối của Đảng cũng như Hiến pháp
và pháp luật của Nhà nước nhất thiết cần phải có sự đóng góp, lấy ý kiến của
các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội và được sự đồng thuận của đông
đảo các tầng lớp nhân dân. Chỉ khi đó, Hiến pháp và các văn bản pháp luật mới
thực sự trở thành các văn bản pháp lý cao nhất, có quyền lực tối thượng trong
một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Xin Giúp Chúng
Tôi CHIA XẺ XA THÊM
__._,_.___
No comments:
Post a Comment