VGCS ĐẨY DÂN VÀO CHỖ CHẾT: ÁC VỚI DÂN, LÀM THÂN KHUYỂN NGỰA CHO TẦU
Vĩnh Tân, Bình Thuận Hôm Nay, Dũ Lộc Ngày Mai: Đẩy Dân Vào Chỗ
Chết?
JB Nguyễn Hữu Vinh:
PHẦN I - NỐI GIÁO CHO GIẶC
Ngày 6/4/2015, báo chí nhà nước đưa tin: "Xô xát ở Hà Tĩnh, 10 chiến sĩ
công an bị thương". Đọc bản tin này, người ta nhận thấy hình như, cuộc
xô xát đó, chỉ có công an bị thương? Bản tin viết: "Biết tin người dân kéo ra ngăn
không cho công nhân thi công đường điện, chính quyền xã đã báo với cơ quan cấp
trên. Khi lực lượng chức năng được huy động đến bảo vệ công trường thì xảy ra
xô xát với người dân". Với cách đưa tin như vậy, người ta biết được
rằng lực lượng công an chỉ được điều động khi có người dân đến ngăn cản việc
thi công?
Gần một tháng sau khi xảy ra sự việc, chúng tôi đã đến Giáo xứ Dũ
Lộc, thuộc xã Kỳ Trinh, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh thì sự việc hoàn toàn khác.
...............
Từ mối đe dọa nguồn sống của bãi xỉ than nhiệt điện Vũng Áng
Xã Kỳ Trinh, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh có thôn Hòa Lộc là thôn toàn
tòng công giáo với 1.800 giáo dân, một xứ đạo từ lâu đời được xây dựng ở đây
với bao công sức, xương máu của cha ông họ ở vùng đất khô cằn nắng cháy này.
Người dân ở đây hiền lành, chất phác và chịu khó cần cù lam lũ từ bao đời nay
sống thuận hòa êm đẹp. Những cánh đồng lúa bên cạnh những ao đìa nuôi thủy sản
nước lợ như tôm, cua kết hợp nguồn lợi thủy sản đã đảm bảo đời sống yên bình
cho họ xưa nay.
Bỗng nhiên, vùng Vũng Áng thuộc huyện Kỳ Anh được bán cho Tàu với
thời hạn 70 năm đã làm xáo trộn cuộc sống của họ cũng như cả vùng đất yên bình
trong khu vực trọng yếu của đất nước này. Trong dự án đó, hạng mục Nhà máy
nhiệt điện Vũng Áng đã quy hoạch bãi đổ xỉ than ngay cạnh bên làng của Giáo xứ
Dũ Lộc. Bãi xỉ than chiếm của dân một diện tích 131 ha, chiều cao của bãi xỉ 30
mét. Công suất của bãi xỉ là hơn một triệu tấn xỉ than mỗi năm. Nơi gần nhất
của bãi xỉ cách nhà dân chỉ 20m, chỗ xa nhất cũng chỉ có 500 mét.
Không chỉ có bãi xỉ than, ngay tại khu vực gần cầu Hòa Lộc, một
đập chắn nước được quy hoạch xây dựng ngay sát làng. Điều này đe dọa nguồn sống
bằng hải sản, đầm đìa nuôi tôm cá cũng như chất thải của cả khu vực đổ về cho người
dân ở đây được hưởng. Ngoài ra, là sự lụt lội và sự đe dọa đời sống mỗi khi xả
đập hoặc có sự cố nào đó như thường xảy ra.
Nói tóm lại, đời sống người dân nơi đây như đã được đặt trước một
tương lai hết sức bấp bênh và mờ mịt.
Kể từ đó, người dân sống bất an, ngày đêm như ngồi trên đống lửa
vì sự đe dọa đến cuộc sống của họ và con cháu họ sau này.
Từ những năm 2010, người dân Dũ Lộc đã gửi đơn kêu cứu khắp nơi,
đề nghị các cơ quan và chính phủ nghiên cứu lại việc đặt bãi thải nhà máy nhiệt
điện Vũng Áng, bởi nếu được xây dựng, sẽ triệt môi trường sống của họ.
Ngày 27 tháng 12 năm 2010, một lá đơn tập thể toàn dân ký đã gửi
đến các cấp từ Tỉnh đến Trung ương và cả giáo quyền.
Lá đơn tập thể đã nêu rõ tác hại của việc ảnh hưởng đến môi trường
rõ ràng như sau: " Có rất nhiều chất độc hại trong xỉ
than: Theo các tài liệu mà chúng tôi có được và nhất là qua tài liệu mà cán bộ
huyện Kỳ Anh gửi kèm để tham khảo thì trong xỉ than có rất nhiều chất độc hại:
chẳng hạn như trong xỉ than có chứa một số kim loại nặng có độc tính cao (Mn,
Cr, Cu2, Hg2, As, Pb,…), nước trong bãi xỉ thường có hàm lượng cặn, kim loại độ
cứng cao, độ Oxy hoà tan giảm và chứa nhiều các khoáng chất như SO2, HCO3, CL,
CO3 …
Nếu nước trong bãi xỉ tràn ra môi trường do nguyên nhân nào đó như
tràn đập chắn xỉ, vỡ đập, thấm qua đập…) sẽ gây ô nhiễm môi trường nước biển
khu vực. Tác hại của các khí Oxít(SOx, NOx) rất nguy hiểm đối với sức khoẻ con
người…, rồi đến ô nhiểm bụi từ xỉ than và nước ngầm. Bãi thải xỉ than nằm đầu
ngọn gió đông-nam và đầu nguồn nước chảy với độ cao so với mặt bằng nhà dân
chếch khoảng 2-3 m thì không thể tránh được tầng nước ngầm. Cũng theo tài liệu:
Trong xỉ than có chất Lưu huỳnh và cả chất Thuỷ Ngân sẽ ngấm theo dòng nước
ngầm và có thể đi vào các giếng nước của dân. Đây là những nguy cơ nhã tiền và
không thể tránh khỏi".
Chính quyền và nhà đầu tư không có các biện pháp có thể khắc phục
được hậu quả: Như trên đã nói, hậu quả ô nhiễm môi trường là rất nặng nề và ảnh
hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người dân, sự sống và giống nòi nhưng khi đã xẩy
ra ô nhiễm thì chắc chắn hậu quả lúc đó là khôn lường và không thể khắc phục
được. Bản thân chính quyền và nhà đầu tư chưa dự kiến hết các tác hại của bãi
xỉ than và vì thế cũng chưa đưa ra được các biện pháp dự phòng, thậm chí còn
cho rằng không có ô nhiễm".
Sở dĩ, họ phản ứng bởi họ đã có kinh nghiệm về những dự án, những
công trình của nhà nước như sau: "Thực tiễn tại địa phương này cách đây 6
năm nhà nước làm dự án nước lấy từ núi để cung cấp cho dân qua các bể chứa với
kinh phí 500 triệu đồng. Dự án hoàn thành được hơn một tháng thì đã rò rĩ và
rồi chưa đầy 2 tháng thì tất cả các bể không còn chứa được một giọt nước nào
đành phải bỏ hoang. Và cuối cùng không ai chịu trách nhiệm để xử lý. Đây mới
chỉ là một dự án nhỏ chưa phải là dự án lớn mà còn như thế thì liệu cấp chính
quyền xử lý như thế nào nếu bãi xỉ than ô nhiễm với hậu quả lớn hơn rất nhiều
lần".
Lẽ ra, nếu có một nhà nước, một chính quyền "Của dân, do dân,
vì dân" thì chắc chắn không ai không thấy những tiếng kêu chính đáng của
người dân cần phải khẩn trương được giải tỏa và đáp ứng. Thế nhưng, những tiếng
kêu của họ cứ như đá ném ao bèo và không được nơi nào đếm xỉa.
Chính vì thế, người dân nơi đây đã có những phản ứng khá mạnh:
"Chúng tôi không có ý thức chống lại chính quyền và nhà đầu tư nhưng chúng
tôi không thể làm ngơ trước việc môi trường, sức khoẻ con người và nòi giống bị
đe doạ và huỷ hoại. Vì thế, toàn thể giáo dân sẽ không đồng ý để dự án được
triển khai ký dự án chưa thực sự khả thi về bảo vệ môi trường, môi sinh."
Khi nhà nước đưa những đội đo đạc về để đo đất, cắm mốc ruộng của
họ, thậm chí cho cán bộ vào tuyên truyền, chia rẽ họ, giáo dân đã nhất loạt tẩy
chay. Đã có những lúc, nhà nước đưa công an đến nhằm uy hiếp họ nhưng không có
tác dụng.
Nhà nước giải thích rằng thì là bãi xỉ than sẽ không gây ô nhiễm
môi trường, sẽ dùng để sản xuất gạch không nung, sẽ thế nọ, sẽ thế kia... nhưng
không hề dám cam kết và khảng định điều họ nói.
Kết quả là những lời hứa được đưa ra, rằng sẽ đưa những hộ dân nơi
đây đến khu vực tái định cư, để đảm bảo cuộc sống của họ không bị đe dọa bởi
bãi thải của nhà máy. Thậm chí, một khu vực đã được chỉ định để lập khu tái
định cư cho họ nhưng rồi bỏ dở khi mới san ủi được một phần rồi thôi.
Cứ thế, người dân sống trong sự nơm nớp, lo sợ cho đời sống của
mình, cho tương lai con cái của mình và cho toàn thể cộng đồng đã hình thành và
xây dựng bằng xương máu của họ bao đời nay.
Nhãn tiền vụ Bình Thuận hôm nay
Chiều 15/4, trên quốc lộ 1A đoạn qua xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong
(Bình Thuận) hàng trăm người dân địa phương tiếp tục dùng bàn ghế, đá, gạch làm
chướng ngại vật đưa ra giữa lòng đường chặn xe để phản đối Nhà máy nhiệt điện
Vĩnh Tân 2 gây ô nhiễm môi trường. Người dân đã phải dùng đến bom xăng để chống
lại việc nhà cầm quyền cho công an đến trấn áp họ. Việc biểu tình phản đối của
người dân, đã khiến dòng xe cộ trên đường Quốc lộ 1A ùn tắc dài đến 50 km.
Sở dĩ có điều đó, là những người dân ở đây đã không thể chịu đựng
nổi sự ô nhiễm của nhà máy nhiệt điện do Trung Quốc xây dựng ở đây, mạng bụi
bặm đến cho mọi ngõ ngách đời sống người dân. Điều ai cũng có thể thấy, là sự ô
nhiễm đến nguồn nước, không khí và mọi mặt của cuộc sống của họ bị đe dọa hết
sức nghiêm trọng.
Nhà nước lại dùng con bài cảnh sát, công cụ, công quyền, phát
loa... để trấn áp người dân. Nhưng, khi dồn người dân đến đường cùng, không còn
con đường nào để sống, thì họ chỉ còn mỗi cách duy nhất là phản kháng. Sự đồng
lòng của người dân và sự chú ý của công luận đã đặt nhà nước vào sự lúng túng.
Cuối cùng, họ đành phải chấp nhận dừng việc vận chuyển xỉ nhiệt điện, thi hành
các biện pháp để người dân nguôi giận.
Sau đó, nguyên nhân được xác định là do khi xây dựng nhà máy nhiệt
điện, nhà nước đã không lường trước được hậu quả của việc phát tán tro xỉ ảnh
hưởng đến đời sống người dân. Và thế là... huề.
Cách duy nhất có thể làm, lại là di chuyển dân, coi như mọi việc
đã rồi và đó là cách hữu hiệu nhất để buộc người dân rời khỏi nơi chôn rau cắt
rốn bao đời với bao nhiêu tài sản, vườn tược, cây cối cũng như mọi nếp sống văn
hóa của họ một cách nhanh chóng.
Tương lai của Dũ Lộc ngày mai
Nhiệt điện Vũng Áng gồm 3 nhà máy được xây dựng đã gần hoàn thành,
cũng lại là một nhà máy nhiệt diện do Trung Quốc xây dựng. Ở khu Vũng Áng mà
nhà cầm quyền đã bán cho Tàu 70 năm này, tất cả từ điện, đường, đất, nước, và
bến cảng... đều được bán trọn. Ở đó, người Tàu xây dựng trong một khu đất mấy
chục km vuông biệt lập. Họ đào hào sâu 10m, rộng 10m và có hàng rào bên ngoài.
Người dân không được lai vãng đến trong vùng đó. Nói cách khác, đó như một vùng
Tô giới của Tàu ngay tại điểm yếu huyệt nhất của Việt Nam. Hậu quả của khu CN
Vũng Áng này đối với đất nước như thế nào, nhiều người đã phân tích. Riêng đối
với người dân xung quanh, nó cũng đã gây biết bao tai họa.
Trước những tiếng kêu của người dân Dũ Lộc, nhà cầm quyền đã không
đếm xỉa đến những ý kiến, nguyện vọng chính đáng của họ mà hình thành một quan
niệm coi người dân như kẻ thù.
Những công trình đe dọa cuộc sống của họ vẫn được lập dự án, được
xây dựng bất chấp sự phản đối. Một đập chắn xả nước ngay trước của Dũ Lộc đe
dọa việc sinh tồn và sản xuất của người dân đã được triển khai.
Những dự án, công trình của nước ngoài được tiếp tay của nhà cầm
quyền nhưng lại triệt đường sống của người dân, thì điều đó chẳng khác gì việc
"nối giáo cho giặc" mà cha ông ta thường nhắc nhở.
Nếu như, nhà cầm quyền Bình Thuận đã thành công trong việc xây
dựng xong nhà máy nhiệt điện của Trung Quốc, đẩy đời sống người dân vào chỗ
tiêu vong bởi ô nhiễm môi trường, thì ở Dũ Lộc, Kỳ Trinh, Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh,
người dân đã sớm ý thức được quyền sống của mình cũng như hậu họa của việc đó và
đã có những phản ứng dữ dội.
Nhưng, cũng nếu như nhà cầm quyền Bình Thuận còn biết - theo lời
công chủ tịch Tỉnh nói - rằng họ đã không dùng bạo lực khi người dân đang phẫn
nộ, thì ở Hà Tĩnh, nhà cầm quyền đã chủ động dùng bạo lực đối với người dân ngay
từ đầu trong vụ việc ngày 6/4/2015.
Hà Tĩnh, ngày 2/5/2015
J.B Nguyễn Hữu Vinh
----
Phần II -
HUNG HÃN VỚI DÂN
Đến Dù Lộc, Kỳ Anh
Những thông tin trên báo chí nhà nước về "vụ xô xát" ở
Hòa Lộc, Kỳ Trinh, Kỳ Anh, Hà Tĩnh với nội dung chỉ là những công an bị thương,
những cán bộ công nhân bị đánh... đã làm chúng tôi thắc mắc.
Chẳng lẽ có một "cuộc xô xát" mà người dân tịnh không có
ai hề hấn gì sao? Lẽ nào công an Việt Nam ngày nay lại hiền hòa đến thế?
Chẳng lẽ ở đất nước Việt Nam này, đã có hiện tượng lạ lùng xảy ra
chỉ nơi đây, khi mà khắp đất nước rộ lên những hình ảnh và thông tin công an,
công quyền đánh dân cướp đất, cướp nhà, công an đánh dân mất mạng... xảy ra như
cơm bữa, như chuyện thường ngày thì ở đây lại có chuyện ngược đời?
Để trả lời các câu hỏi: Vì sao lại có thể xảy ra cuộc xô xát vào
những ngày đầu tháng tư vừa qua? Phải chăng chỉ có công an bị tấn công nên bị
thương? Có phải công an bị động nên đã chấp nhận thương tích mà thôi? Nguyên cớ
vì sao người dân nơi đây, quanh năm lầm lũi ở một vùng đất chua phèn lại có thể
dám tấn công người nhà nước? Những câu hỏi đó đã thôi thúc chúng tôi tìm về Hòa
Lộc để tìm hiểu sự thật ở đó.
Chúng tôi đến Dũ Lộc vào một ngày đầu tháng 5/2015, sau sự kiện
đàn áp người dân ngày 6/4 gần một tháng. Bầu trời Kỳ Anh, Hà Tĩnh nắng gắt như
đốt cháy con người. Trước mũi xe, những luồng không khí bay trên mặt đường nhựa
như đang có đám cháy phía trước.
Con đường đầy nắng cháy chạy giữa những đồng lúa xanh ngăn ngắt
dẫn chúng tôi về thôn Hòa Lộc, thuộc xã Kỳ Trinh, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
Qua cầu Hòa Lộc, một đập nước đang được thi công, bên cạnh đó là con sông với
những đầm nuôi tôm, cua ven bờ nuôi sống người dân nơi đây bao đời nay.
Gặp gỡ những nạn nhân
Gặp những người nông dân nơi đây, họ toát lên sự chất phác từ
giọng nói, cử chỉ và dáng dấp. Với những người khách lạ, họ xưng
"con" rất khiêm cung và nhẫn nại. Nhìn những người dân này, nghe họ
nói, chúng tôi không nghĩ rằng họ là những người dám đứng lên phản kháng bất cứ
ai. Thế nhưng, có lẽ như sự đời người ta vẫn nói rằng "con giun xéo lắm
cũng quằn". Họ đã buộc phải lên tiếng phản đối những điều hiển hiện trước
mắt giết chết chính họ và tương lai con cháu họ như bãi thải nhiệt điện. Hẳn
cũng là sự chẳng đặng đừng.
Gặp họ, chúng tôi thật ngỡ ngàng khi chính họ còn chưa biết được
lực lượng công an nào với lực lượng cảnh sát nào để phân biệt. Những Cảnh sát
cơ động được trang bị áo giáp, khiên, dùi cui... họ chỉ biết là "công an
mặc áo đen đen". Những Cảnh sát Giao thông tham gia trấn áp, bắt giữ lấy
xe mô tô của họ, được gọi là "Công an áo vàng", còn những công an
khác, là "công an áo xanh", còn chó nghiệp vụ, họ gọi là đội chó Béc
giê... Họ chỉ biết vậy và nói vậy.
Ba người phụ nữ là nạn nhân của trận đánh đập hôm đó cho chúng tôi
biết sự tình như sau:
Sáng hôm đó, 6/4/2015, người dân bàng hoàng khi nghe tin trên cánh
đồng của họ, không hiểu có chuyện gì, mà các loại công an, dân phòng các xã bên
cạnh được huy động nhiều đến thế. Con số sau đó bà con khẳng định là hơn cả
ngàn người đừng chật cứng trên đường và đổ ra cánh đồng.
Thậm chí, họ còn thấy cả bầy chó béc giê được công an đưa ra đứng
đó. Những nông dân này ra đồng xem thì trên những cánh ruộng của họ, chưa hề
được đền bù, hỗ trợ, lúa đang lên xanh, người ta kéo đường dây điện và thi công
trên đó mà chủ nhân không được thông báo một tiếng nào.
Bởi trước đó, chính chủ tịch Huyện Kỳ Anh, ông Nguyễn Văn Bổng đã
hứa trước dân rằng: Khi thi công đến đất ruộng của ai, thì nhà đó sẽ được đền
bù và hỗ trợ trước. Thấy vậy, một số phụ nữ lên cánh đồng yêu cầu không được
phá lúa của họ, khi chưa đền bù hoặc có ý kiến của chủ nhân. Hầu như đã chuẩn
bị sẵn và chỉ cần có vậy thì ngay lập tức họ bị tấn công.
Hai phụ nữ đã luống tuổi cho chúng tôi biết: Sáng hôm đó, nghe tin
Công an về rất đông trên đồng, con (Tôi - Cách xưng hô khiêm tốn của người dân
nơi đây) ra đồng xem thì họ kéo dây điện. Con ngăn không cho kéo xuống ruộng
của con, bảo rằng ruộng chưa đền bù tiền cho dân, chưa nhận được tiền thì các
bác không được làm hỏng lúa của dân. Để đền bù tiền nong cho dân đã, thì các
bác hãy làm.
Ngay lập tức, họ đánh con vào hàm. Sau đó, con bị đánh vào người
thâm tím hết thì con lết lên bờ ngồi. Khi thấy em con cũng bị đánh như vậy, thì
con vào cứu em, nhưng nó đánh cả chị luôn, cả hai ngã xuống đó.
Chúng tôi hỏi lại:
- Hôm đó, lực lượng nào đánh đập các ông bà?
- Công an mặc áo đen đen, có dùi cui dài chừng này (Họ giơ khoảng
nửa sải tay) còn công an áo vàng thì cũng tham gia ném và đánh đập chúng tôi.
Họ đuổi vào tận làng để đánh, trong khi chúng tôi thì tay không, còn họ thì có
tấm để chắn (khiên của CSCĐ - NV) và họ đánh chúng con bầm tím cả người.
Chị giơ bắp chân đang cứng thành cục và có một vết sẹo lớn dọc bắp
đùi. Đồng thời, chị giơ hai cánh tay đầy những vết sẹo sau một tháng bị đánh.
Khi những phụ nữ bị đánh đập tàn bạo, tiếng kêu khóc váng đồng.
Thấy vậy, hai người bảo vệ canh đồng lên can gián rằng hãy bình tĩnh và việc
đánh đập phụ nữ là không nên. Và thế là họ bị tấn công tàn bạo.
Ông Nguyễn Văn Thanh, ở xóm 2, thôn Hòa Lộc, một trong hai nạn
nhân là người bảo vệ đồng cho chúng tôi biết:
Sáng hôm đó, hai anh em đi canh đồng, thường thì chúng tôi đi canh
đồng theo bà con giao cho, cầm theo một cây roi nhỏ, để đuổi dọa trâu bò và trẻ
chăn trâu bò không cho phá lúa của dân. Khoảng 8 giờ sáng, nghe tiếng kêu khóc
của một số phụ nữ đang bị đánh đập, chúng tôi đã đến nói với công an rằng:
"Không nên đánh đàn bà, không nên làm cho việc thêm phức tạp và mất đi sự
đoàn kết".
Mới nói được như vậy, lập tức ông bị đấm một đấm giữa mặt tối tăm
mặt mũi và ngã xuống. Ngay lập tức, một người khác, xông đến đá ông vào mạng
sườn, rồi bị đánh túi bụi và ông bị lôi ném lên xe như ném con lợn, đưa về đồn
Công an. Ông bị giam giữ đến 16h30 chiều hôm đó, nhờ sự đấu tranh của bà con,
ông mới được thả về. Về đến nhà, ngoài mặt mũi sưng híp, ông còn bị gãy một xương
sườn.
Một người già khác cho biết: Ông cũng được phân công đi canh đồng,
nghe tin vậy thì từ đội dưới đi lên, khi thấy họ đánh đàn bà tàn bạo, thì chúng
tôi vào can ngăn. Lập tức ông bị tấn công vào đầu vỡ đầu và máu chảy be bét,
khắp thân mình bầm tím. Ông giơ cho chúng tôi xem đầu ông còn một vết sẹo lớn
ngay giữa đỉnh đầu.
Trả lời câu hỏi những lực lượng nào đã có mặt tham gia hôm đó?
Người dân cho chúng tôi biết: Lực lượng hôm đó gồm có công an áo đen (CS Cơ
động) Công an áo vàng (CSGT), công an áo xanh (Công an các loại) và dân quân
của bốn, năm xã xung quanh được huy động đến đánh dân. Lực lượng đó tổng cộng
phải hơn 1.000 người. Ngoài ra, còn có chó béc giê (Chó nghiệp vụ). Vũ khí của
họ thì đủ thứ như khiên chắn, dùi cui, lựu đạn cay...
Như vậy là đầy đủ lược lượng, vũ khí để phô diễn sức mạnh của
"nền chuyên chính vô sản" đối với người nông dân tay không ở đây.
Một số người bị bắt lên công an, những người dân đi làm ăn các
nơi, nghe tin vậy chạy về dựng xe để xem xét tình hình, lập tức nhà cầm quyền
cho bốc toàn bộ xe mô tô của họ đưa về công an, không hề có biên bản hoặc bất
cứ lý do gì. Họ tấn công bất cứ ai họ gặp trên đường.
Trả lời câu hỏi: Trước đó, chính quyền đã có thông báo hoặc động
tác gì đối với người dân ở đây? Người dân cho chúng tôi biết:
Ở đây, có 147 hộ dân có ruộng bị ảnh hưởng bởi xây dựng đường điện
500 KV. Trước đó, xã có tổ chức hai cuộc họp nhưng họp ở bên xã. Nhưng đây là
một xã rộng nên người dân không có phương tiện đến họp, họ có đề nghị về nhà
văn hóa thôn để họp với người dân. Có một số giấy mời, nhưng bà con nông dân ở
xa nên chỉ có khoảng dưới vài chục người đi họp.
Lần thứ 2, xã vẫn tổ chức tận Ủy ban xã chứ nhất định không về
thôn có ruộng để họp, những người dân ở đây đã trả lại giấy mời và tiếp tục yêu
cầu về thôn để họp. Trong khi, chủ tịch UBND huyện đã hứa với họ đền bù đất
đai, lúa má bị ảnh hưởng khi thi công, thì ở đó, họ chỉ "hỗ trợ" số
tiền là 4.500 đồng/mét vuông ruộng có lúa.
Rồi, chừng như để khỏi mất thời gian họp hành, nhà cầm quyền đã
dùng chó, dùi cui, lựu đạn và các loại lực lượng để nói chuyện với dân bằng bạo
lực.
Và sáng 6/4/2015, họ đã phô diễn "sức mạnh vô địch, chính
nghĩa của đội quân mang tên Nhân dân" trước những người già, đàn bà, phụ
nữ nơi đây.
Khi chúng tôi hỏi những người dân ở đây: Ai đã đánh các công an bị
thương? Họ cho chúng tôi biết, rằng chúng tôi chỉ là những ông già, phụ nữ tay
không, làm sao đánh được công an, cảnh sát trang bị tận răng, nào khiên, nào
mũ, áo và dùi cui với lựu đạn cay và các loại vũ khí khác, ngoài ra có sự hỗ
trợ của chó béc giê. Nhưng riêng việc cả ngàn người xông vào đánh đập chúng tôi
như kiến cỏ, tàn bạo như vậy, chỉ riêng họ dẫm vào nhau trên đường độc đạo cũng
đủ sầy da chảy máu chứ chẳng cần ai đánh. Mặt khác, chúng tôi hoàn toàn bị
động, còn nhà nước đã chủ động tấn công chúng tôi có kế hoạch, bài bản từ
trước.
Một chính quyền "Của dân, do dân, vì dân"?
Sau khi sự việc xảy ra, nhà cầm quyền đã hành động như thế nào?
Chúng tôi nêu câu hỏi đó, để tìm thấy sự nhân đạo, tình người hoặc luật pháp
được thực hiện ở đây ra sao. Thì kết quả là đây, người dân cho biết:
Chúng tôi, tổng cộng đến 42 người bị đánh đập, bị thương tích, có
người gãy sườn, vỡ đầu, nhiều người bị đánh thâm tím, ngất xỉu. Nhưng công an
rút đi, họ chỉ đưa những người bên công an bị trầy da, chảy máu đi viện. Từ đó
đến nay, không có bất cứ một ai đến hỏi thăm, hoặc một động tác nào đối với
người dân từ phía chính quyền "của dân, do dân và vì dân".
Trước tình hình những người bị thương nguy cấp không được cứu
chữa, Ban Bác ái Giáo phận Vinh đã thông qua linh mục quản hạt Văn Hạnh Trần
Phúc Chính đưa xe vào tận nơi đưa họ đi cấp cứu.
Trong một cuộc họp với UBND Tỉnh Hà Tĩnh mới đây, một linh mục đã
đặt câu hỏi:
"Tại sao, chính quyền lại đặt 1.800 người
dân nơi đây thành thù địch? Những lời nói hoa mỹ về lòng nhân đạo, về sự chính
nghĩa, thương dân của nhà nước để đâu mà không có bất cứ một sự cứu giúp nào
với các nạn nhân khi họ đã bị đánh đập đến tàn bạo và thương tích nguy
cấp"?
Hẳn nhiên, câu hỏi này chỉ để mà hỏi, chẳng ai có thể trả
lời. Bởi thực tế đã khẳng định câu hỏi này của vị linh mục đó.
Những âm mưu nào sẽ được thực thi?
Khi gặp linh mục quản xứ Dũ Lộc, chúng tôi được biết, ngài mới về
quản xứ được mấy tháng, sau khi vị linh mục cũ đổi đi nơi khác. Vụ việc hôm đó,
ngài hoàn toàn bị động vì không hiểu tình hình vì sao nhà nước có thể hành động
như vậy.
Mới đây, ngài có nhận được một phong thư do một người cầm về đưa
cho, chiếc phong bì đã bị bóc dở, trong đó có 100.000 đồng và một tờ thông báo
về việc sẽ khởi tố việc chống người thi hành công vụ. Ngài đã tỏ ra ngạc nhiên
và yêu cầu trả lại phong thư như đã nhận.
Sau sự việc, nhà cầm quyền đã phải tiến hành đền bù ruộng do bị
ảnh hưởng của đường dây điện 500 KV cho dân, chẳng đáng là bao, có người chỉ
được vài ba chục ngàn. Nhưng điều đó có nghĩa là, việc họ tiến hành thì công
khi chưa đền bù cho dân là việc làm bất hợp pháp.
Câu hỏi đặt ra là: Có nơi nào, đất nước nào mà đã phải huy động cả
ngàn người, công an và dân phòng với các loại vũ khí để trấn áp người dân chỉ
để "bảo vệ thi công"? Phải chăng, họ đã biết việc làm của mình bất hợp
pháp và bất lương nên sẽ bị phản ứng và họ đã chuẩn bị?
Những hành động của họ đối với người dân nơi đây, phải chăng là để
thể hiện một chính quyền "của dân, do dân và vì dân"? Tại sao, những
kẻ bất chấp luật pháp, coi người dân là kẻ thù thì không bị trừng trị, mà lại
định tiếp tục đàn áp người dân bằng cái gọi là pháp luật?
Phải chăng, nhà cầm quyền Hà Tĩnh đã tiến hành vụ việc hôm
6/4/2015 vừa qua, và động thái của họ sắp tới, có cái đích được nhắm đến là
nhằm đè bẹp ý chí và nguyện vọng của người dân nơi đây, để đặt bằng được bãi xỉ
than nhiệt điện Trung Quốc vào đó, tiêu diệt người dân nơi đây và con cháu họ
mai sau?
Đó là những câu hỏi cảnh giác đối với mọi người có lương tri.
Video phỏng vấn người dân Dũ Lộc:
Hà Nội, Ngày 9/5/2015
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Theo: Blog RFA
Trích TNCG ngày 11-5- 2015
__._,_.___
Posted
by: <vneagle_1
No comments:
Post a Comment