Đã ba năm rồi, vẫn còn đó, một lời đe doạ!
Nguyễn
Đăng Quang
Cách đây tròn ba năm, ngày 25/2/2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
đến làm việc với Thường vụ Tỉnh uỷ và Lãnh đạo chủ chốt tỉnh Vĩnh Phúc. Tại
đây, ông đưa ra lời đe doạ 72 nhân sỹ trí thức ký tên vào “Kiến nghị Sửa đổi
Hiến pháp 1992” cùng những người dân tham gia khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập
thể đòi quyền lợi hợp pháp của mình là những kẻ “suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” và rồi đe doạ “ phải xử lý”
những người này!
Tối hôm đó, VTV phát trên Kênh 1 nội dung ý kiến phát biểu của ông
Trọng ở Vĩnh Phúc. Ngay sáng hôm sau, nhà báo trẻ Nguyễn Đắc Kiên của báo Gia đình & Xã hội, trong
bài viết đầy dũng khí “Vài lời với ông Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng”(1)
đã phê phán ý kiến phát biểu và chỉ trích thái độ sai trái của TBT Trọng ở tỉnh
Vĩnh Phúc! Chưa đầy 24 tiếng đồng hồ sau, nhà báo trẻ dũng cảm Nguyễn Đắc Kiên
bị toà báo Gia đình & Xã
hội cho thôi việc!
Bình luận về ý kiến nói trên của ông Nguyễn Phú Trọng, giáo sư
Hoàng Xuân Phú ở Viện Toán học – Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, trong bài viết
“Là thực thi quyền hiến định đấy, ông
Trọng ạ!”(2), đã
phân tích và chỉ rõ lời phát biểu của ông Trọng ở Vĩnh Phúc là sai trái! Dẫn
lại lời của ông Tổng Bí thư: “Tham
gia đi khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể, thì nó là cái gì?”, Giáo sư Hoàng Xuân Phú
phân tích cho ông Trọng thấy và hiểu được “biểu tình” tự nó là quyền hiến định
của công dân, được ghi rõ tại Điều 69 Hiến pháp 1992: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có
quyền được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của
pháp luật.” Cho đến nay, Nhà nước ta vẫn chưa có Luật Biểu tình,
nên mệnh đề “theo quy định
của pháp luật” không có tác dụng hạn chế quyền biểu tình. Nghĩa là,
theo Hiến pháp 1992, thì công
dân luôn luôn có quyền biểu tình ôn hoà, và quyền ấy không bị hạn chế bởi pháp
luật.
Giáo sư Hoàng Xuân Phú so sánh: Việc công dân đi biểu tình khi
chưa có luật về biểu tình còn chính đáng và hợp pháp hơn so với việc ĐCSVN hoạt
động khi chưa có luật quy định về khuôn khổ hoạt động của ĐCSVN, vì như mọi
người đều rõ, các cơ quan Đảng và Nhà nước “chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, còn người dân
được làm những gì pháp luật không cấm.” Giáo sư Hoàng Xuân Phú kết
luận: Ông Trọng không thể tìm được cơ sở
pháp lý nào để có thể phủ định quyền biểu tình của công dân!
Còn việc khiếu kiện thì sao? Khiếu kiện là quyền khiếu nại, tố cáo
của công dân. Giáo sư Hoàng Xuân Phú chỉ rõ: Khiếu
kiện cũng là quyền hiến định của công dân. Quyền này được ghi rõ
trong Điều 74 Hiến pháp 1992: “Công dân có quyền khiếu nại, quyền tố cáo với cơ quan
Nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan Nhà nước,
tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân hoặc bất cứ cá nhân
nào.” Hiến pháp 1992 cũng như các bộ luật hiện hành không có điều
khoản nào cấm “khiếu kiện đông người” hoặc “ký đơn tập thể”.
Do vậy, mọi Nghị
định hoặc Thông tư của Chính phủ (tức các văn bản dưới luật) nếu có điều nào quy
định “cấm khiếu nại đông người” hoặc “cấm ký tên tập thể” sẽ đều không có giá
trị pháp lý, vì những văn bản này chính nó đã vi phạm luật pháp và Hiến pháp!
Giáo sư Hoàng Xuân Phú kết luận: “Biểu tình và khiếu kiện, dù với tư cách cá nhân hay
tham gia ký đơn tập thể, thì cũng đều là thực thi quyền hiến định trong khuôn
khổ pháp luật hiện hành. Nhân dân có quyền sử dụng các quyền hiến định đó, kể
cả trong trường hợp ông hay ai đó cho rằng Hiến pháp chỉ là để trang trí! Vì
vậy, ông không thể “quy
kết” việc họ “tham gia đi khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể” là “suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”, rồi yêu cầu “các đồng chí quan tâm xử lý” được!”.
Như vậy là đã rõ, cả về đạo lý và pháp lý, ông Trọng đều không
đúng!
Hưởng ứng lời kêu gọi của Quốc hội toàn dân tham gia góp ý sửa đổi
Hiến pháp, ngày 19/1/2013, ngay đợt 1 đã có 72 người ký tên vào bản “Kiến nghị
về Sửa đổi Hiến pháp 1992”(3), gọi tắt là KN 72, mà sau này lên đến trên 15.000
người ký tên. Mọi người đều sững sờ và bức xúc trước sự quy chụp của TBT Trọng.
Nhà giáo Dương Đình Giao, một cây bút phản biện sắc sảo, trong bài “Người đồng
tuế”(4) đăng trên Blog ÔNG GIÁO LÀNG của mình, phải thốt lên: “Ai đời, kêu gọi người ta góp ý, còn nói sẵn sàng chấp
nhận những ý kiến trái chiều, thế mà đến khi người ta phát biểu lại qui đó là
suy thoái về tư tưởng, đạo đức!”. Tác giả Dương Đình Giao đã nói
lên suy nghĩ của rất nhiều người!
Bản thân tôi lúc đầu cũng không tin ý kiến của ông Trọng phát biểu
ở Vĩnh Phúc là thực, sợ rằng bộ máy tuyên truyền nói vống lên, vì một người
lãnh đạo cao cấp sẽ không bao giờ nói như vậy, nên đầu tháng 3/2013 đã cùng một
số anh chị em ký KN72 gửi thư cho ông Trọng đề nghị ông sắp xếp một buổi gặp
chúng tôi với tư cách là Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri, để hai bên hiểu rõ
quan điểm và tránh hiểu lầm nhau (5).
Hai lần gửi thư đi, chúng tôi đợi mãi,
nhưng không hề nhận được hồi đáp, nên đầu tháng 5/2013 chúng tôi buộc phải gửi
đơn đến Ban Công tác Đại biểu Quốc hội thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu
xem xét tư cách Đại biểu Quốc hội đối với đại biểu Nguyễn Phú Trọng!(6) Không
nhận được hồi âm, đầu tháng 10/2013, chúng tôi gửi tiếp thư thứ hai, thúc giục Quốc
hội giải quyết kiến nghị của cử tri. Sau đó, có thể ông Trọng có chỉ thị nội
bộ, nên hạ tuần tháng 10/2013, cơ quan cũ của tôi cử một lãnh đạo đến gặp và
thuyết phục tôi “rút yêu cầu xem xét tư cách Đại biểu Quốc hội”, lý do đưa ra
là “để không làm mất uy tín lãnh đạo Đảng”!? Tôi không chấp nhận!
Cho đến nay tôi vẫn coi đấy như một món nợ. Và thực sự, tôi không hiểu
vì sao ông Trọng lại phản ứng thái quá, coi những người ký KN 72 là “suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống để rồi
đòi xử lý họ!” trong khi hai hiểm hoạ lớn của đất nước là GIẶC NỘI
XÂM và GIẶC NGOẠI XÂM đang hoành hành ngay trước mặt thì ông lại lặng thinh,
bình chân như vại, như chẳng có gì xảy ra cả! Là người chịu trách nhiệm cao
nhất, ông Trọng coi nạn tham nhũng – một căn bệnh ung thư đang di căn trong cơ thể
Đảng – chỉ “như ngứa ghẻ, phải gãi, rất khó chịu!”; còn việc chống bọn quan
tham phải thận trọng: “đánh chuột nhưng đừng để vỡ bình!”.
Trước nạn tham nhũng
được coi là giặc nội xâm, khi nhận chức TBT khoá XI cách đây năm năm cũng như
khoá XII vừa rồi, ông Trọng không hề đưa ra một “đề án chống tham nhũng có lộ
trình” cụ thể, và cũng chẳng có một “cam kết” tận diệt tham nhũng nào cả! Do
vậy, nạn tham nhũng ngày trở nên trầm trọng! Bọn quan tham không chỉ là những
con sâu, con chuột đơn lẻ như trước nữa, nay chúng phát triển lớn mạnh nhiều
lần, trở thành những bầy sâu, đàn chuột, thậm chí là các “tập đoàn chuột sâu
tham nhũng” rồi!
Chính bọn này là thủ phạm giết sống ĐCSVN chứ không phải ai khác,
càng không phải là những người ký “Kiến nghị Sửa đổi Hiến pháp 1992” hay những
người tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc xâm phạm biển đảo, hoặc những bà
con mất đất, mất nhà cùng nhau khiếu kiện và ký đơn tập thể đòi quyền lợi hợp
pháp của mình nhưng bị ông quy là “suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối
sống”! Tham nhũng không còn là nguy cơ nữa, đã trở thành giặc nội
xâm rồi. Mong ông hãy đủ minh mẫn, chĩa lưỡi lê vào giặc, đừng chĩa lưỡi lê vào
đồng bào mình!
Còn đối với bọn GIẶC NGOẠI XÂM, thái độ của ông thế nào? Trong
suốt ba năm qua, ông không một lần lên tiếng, mà im lặng đến đáng sợ! Trong ba
năm này, nhiều tàu thuyền đánh cá của ta bị tàu Trung Quốc đâm hỏng và nhiều
ngư dân ta bị giết ngay trên ngư trường truyền thống của mình ở Biển Đông! Ông
đâu có lên tiếng bảo vệ đồng bào mình! Tháng 5/2014, giữa lúc Hội nghị Trung
ương 9 đang họp, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 trong vùng đặc
quyền kinh tế của ta. Thế giới phản ứng mạnh, lên án Trung Quốc, ủng hộ Việt
Nam.
Nhưng ông biệt tăm vô tín. Tại sao ông không dùng diễn đàn Hội nghị Trung
ương 9 đang họp để ra tuyên bố phản đối Trung Quốc, bảo vệ chủ quyền biển đảo
của ta, mà ông giữ im lặng như không hề có gì xảy ra vậy?
Rồi suốt trong năm
2015, Trung Quốc ngang nhiên bồi đắp bảy bãi đá ngầm trong quần đảo Trường Sa của
Việt Nam ta thành các đảo nhân tạo để độc chiếm và quân sự hoá chúng. Ông vẫn
im lặng. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình nhiều lần ngang
ngược tuyên bố hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ của tổ tiên chúng
từ thời cổ đại! Thế giới phản ứng mạnh. Nhưng không thấy Tổng Bí thư Đảng Cộng
sản Việt Nam lên tiếng phản bác gì? Sao ông lại im lặng đến lạ lùng như vậy?
Đối sách của ông trước hai vấn đề lớn: một là với người dân, mặc
dù ý kiến họ có thể trái ý ông, không cùng với suy nghĩ của ông, có thể làm ông
mếch lòng, song họ là đồng bào của ông; và hai là với bọn giặc nội xâm và giặc
ngoại xâm, mặc dù chúng cùng ý thức hệ với ông nhưng lại là kẻ thù của nhân dân
và đất nước Việt Nam, do vậy đòi hỏi ông phải hết sức tỉnh táo, không được lầm
lẫn. Phải coi dân là rường cột của quốc gia và đừng để mất dân, ông ạ!
Nghe nói, trong buổi họp báo quốc tế gần đây khi ông được tái cử
chức TBT, hình như ông có ca ngợi nền dân chủ ở Việt Nam là không đâu bằng, là
“dân chủ đến thế là cùng!”. Câu nói làm tôi chạnh nhớ đến lời căn dặn của Chủ tịch
Hồ Chí Minh “Dân chủ là phải để người dân mở miệng”! Ấy
vậy, chúng tôi mới vừa mở miệng, mới chỉ “mở miệng góp ý”, chứ nào dám “mở
miệng chỉ trích, đả phá” ai đâu mà sao ông nỡ vội đe doạ chúng tôi như vậy? Xin
phép hỏi ông, vậy thì dân chủ của Việt Nam ta ở đâu? Và cái nội hàm “dân chủ
đến thế là cùng” của ông là cái gì? Ông có thể cho nhân dân Việt Nam hưởng nó
được không? Nếu ông và Đảng Cộng sản Việt Nam thực sự thay đổi, và thực tâm
muốn Việt Nam ta tiến đến một nền “dân chủ đến thế là cùng” như lời ông nói, có
lẽ cơ hội thử nghiệm tốt nhất là dịp bầu cử Quốc hội khoá 14 vào ngày 22/5 tới,
thưa ông!
Trở lại lời đe doạ ba năm về trước, có một sự việc có thể liên
quan, đó là việc một cựu sĩ quan công an, một nhà hoạt động dân chủ – nhân quyền
nhiệt huyết, một nhà báo sắc sảo, ông Nguyễn Hữu Vinh, người khởi xướng và điều
hành trang blog uy tín BA SÀM bị bắt khẩn cấp cùng cộng sự Nguyễn Thị Minh Thuý
vào ngày 5/5/2014 và bị khép vào “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ
xâm phạm lợi ích của Nhà nước; quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”
theo Điều 258 Bộ luật Hình sự.
Đến nay, thiếu 70 ngày là tròn hai năm, hai bị
cáo trên bị giam giữ mà không được đưa ra xét xử như qui định của pháp luật,
bởi các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn không chứng minh được hai bị cáo này có
tội! Không chứng minh được công dân có tội, nhưng cứ tiếp tục giam giữ họ,
không đưa ra xét xử, số lần trả hồ sơ để điều tra lại cũng như thời hạn tạm
giam đều đã quá quy định của luật pháp, phải chăng họ cố tìm chứng cứ mới để
buộc tội bằng được các bị cáo này? Tôi đề nghị, hãy tuyên bố kết thúc điều tra
và trả tự do ngay cho các bị cáo. Nếu sau này tìm ra chứng cứ mới, sẽ lập
chuyên án khác để xử lý sau. Còn bây giờ hãy trả tự do ngay cho họ. Đấy mới là
thượng sách!
Bà Lê Thị Minh Hà, một cựu sĩ quan an ninh, đảng viên ĐCSVN, vợ
của ông Nguyễn Hữu Vinh, trong bài viết “Chồng
tôi có phạm tội không?”(7) đã khẳng định chồng bà VÔ TỘI và việc
bắt giam ông Vinh là “tuỳ tiện, vi hiến và trái pháp luật”
. Bà đòi phải “Trả tự do tức khắc và vô điều kiện
cho ông Vinh”,
“Huỷ bỏ Điều
258 Bộ luật Hình sự”
và “Tôn trọng
quyền tự do thông tin và báo chí của người dân Việt Nam”. Còn giáo sư Hoàng Xuân
Phú trong bài viết “Sai phạm trong tố tụng vụ án “Nguyễn Hữu Vinh cùng đồng
bọn…”(8), sau khi phân tích khía cạnh pháp lý của Bản
kết luận điều tra của Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an ngày 30/10/2014,
đã đi đến 5 kết luận sau đây: Một là Buộc tội vu vơ, hai là Chứng cớ ngu ngơ,
ba là Điều tra giả vờ, bốn là Giám định lơ mơ, và năm là Hồ sơ mập mờ! Ngoài
ra, cả 6 luật sư bào chữa cho hai bị cáo đều đã nhiều lần gửi kiến nghị, yêu
cầu các cơ quan tư pháp trả tự do tức khắc cho ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn
Thị Minh Thuý vì họ đều vô tội, và việc giam giữ họ là vi phạm luật pháp!
Ông Nguyễn Hữu Vinh và cộng sự bị bắt giam đã gần hai năm nay.
Việc các cơ quan tố tụng không chứng minh được các bị cáo có tội nhưng vẫn cố tình
giam giữ họ làm người ta nghĩ đây không phải là vụ án hình sự mà là vụ án chính
trị! Việc “xử lý bắt bỏ tù này” có phải là hệ quả của LỜI ĐE DOẠ ở Vĩnh Phúc ba
năm trước hay không, tôi không dám khẳng định! Nhưng việc nhà báo trẻ Nguyễn
Đắc Kiên bị đuổi việc chỉ sau một ngày lên tiếng chỉ trích TBT Nguyễn Phú
Trọng, và nay, nhà báo Nguyễn Hữu Vinh – một trong 72 người ký tên vào KN 72 –
bị bắt giam suốt gần hai năm qua mà chưa đem ra xét xử, làm cho dư luận dễ liên
tưởng hai sự việc này có thể nằm trong “phạm vi điều chỉnh” của LỜI ĐE DOẠ
trên!
Nếu quả đúng như vậy thì cái danh xưng “Nhà nước Pháp quyền” phải được
hiểu là gì đây? Còn cái nội hàm “Dân chủ đến thế là cùng!” là cái chi một khi
người dân “không được mở miệng” để phê bình chính phủ và chính đảng cầm quyền, thưa
ngài Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?
N.Đ.Q.
Tác giả gửi BVN.
Tài liệu tham khảo:
__._,_.___
No comments:
Post a Comment