Văn hóa xin lỗi và văn hoá chư hầu
Bí thư Thăng muốn 'xử nghiêm kích động'
- 15
tháng 5 2016
Tân bí thư thành ủy TP Hồ Chí Minh của Việt Nam muốn xử nghiêm
hành vi lợi dụng việc người dân muốn bảo vệ môi trường để kích động biểu tình,
âm mưu lật đổ Đảng và nhà nước, theo truyền thông Việt Nam.
Hôm 15/5/2016, báo Thanh niên, diễn đàn của hội liên hiệp thanh
niên Việt Nam đưa tin ông Đinh La Thăng cùng một số ứng cử viên Đại biểu Quốc
hội khóa 14 đã có tiếp xúc với cử tri ở huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh và có
phát biểu về vấn đề xúi giục, kích động biểu tình.
"Trước ý kiến của cử tri bày tỏ quan điểm bức xúc với những
thông tin mang tính xúi giục, kích động, xuyên tạc trên mạng xã hội, ông Đinh
La Thăng nhìn nhận, thời gian qua cơ quan chức năng đã có những biện pháp quản
lý thông tin trên mạng, nhưng chưa đạt hiệu quả. Vẫn còn nhiều thông tin xuyên
tạc Đảng, Nhà nước, các cá nhân lãnh đạo, tạo dư luận xấu," báo Thanh Niên
tường thuật.
Trước đó, trong chương trình tọa đàm bàn tròn thứ Năm hôm 12/5 của
BBC Việt ngữ, cựu Đại biểu Quốc hội Việt Nam, ông Nguyễn Minh Thuyết cho rằng
cả hai lãnh đạo của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có thể đã chịu sự chỉ đạo của cấp
trên trong các diễn biến được cho là mạnh tay, cứng rắn với các cuộc biểu tình
nhân vụ cá chết hàng loạt.
Giáo sư Thuyết nói: "Xảy ra vụ việc ở Formosa, vụ việc cá
chết hàng loạt ở miền Trung và điều tra chậm, công bố các nguyên nhân chậm, xử
lý chậm, thì đấy là trách nhiệm của cấp cao nhất là Chính phủ.
"Còn việc xảy ra các việc trấn áp một cách rất mạnh tay và
không đúng pháp luật đối với người dân ở hai thành phố thì chắc chắn là hai vị
đứng đầu của hai thành phố không thể thoái thác trách nhiệm.
"Nhưng tôi hiểu ở đây có thể có những chỉ đạo ở cấp cao hơn
cả hai ông đứng đầu thành phố. Nhưng tôi muốn nói như thế này, đã là người đứng
đầu thành phố, thì mình phải có chủ kiến và mình phải chịu trách nhiệm, sẵn
sàng chịu trách nhiệm về chủ kiến của mình."
Làm gì để an dân?
Hôm 14/5, trả lời phỏng vấn của BBC, nhà phản biện xã hội từ Liên
hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Tiến sỹ, Bác sỹ Trần Tuấn nêu quan điểm về biểu
tình, nhận thức biểu tình và điều được cho là e ngại biểu tình dẫn đến 'lật đổ
chính quyền' từ phía nhà chức trách.
Trả lời câu hỏi, dường như chính quyền rất quan ngại rằng từ những
cuộc biểu tình của quần chúng như vừa qua, có thể dẫn đến mục đích khác về
chính trị như lật đổ chính quyền, ông Trần Tuấn nói:
"Tôi nghĩ là điểm quan trọng nhất của biểu tình thể hiện sự
nhìn nhận và lòng dân đối với một vấn đề điểm nóng trong xã hội.
"Chúng ta đều biết là làm chính trị cốt để an dân. Thế nên là
thấy nếu có biểu tình thì vấn đề là làm thế nào để an dân?
"Vậy thì chúng ta nếu mà để làm cho an dân và vấn đề không
bị nóng lên, không làm ảnh hưởng và rối loạn xã hội thì phải nhanh chóng giải
quyết cái nỗi bất an này của dân. Tức là phải làm căn nguyên cho rõ ràng để làm
sao hạ nhiệt được bức bối của người dân.
"Tôi cho rằng biểu tình là một hiện tượng rất cần thiết.
"Nó là một chỉ số đo lường phản ứng của xã hội đối với một
vấn đề đang xảy ra, và như thế chính quyền rất cần biết rõ mức độ phản ứng của
người dân mạnh mẽ đến đâu để chúng ta đặt ưu tiên cho việc giải quyết.
"Quan điểm của tôi là nếu chúng ta không cho biểu tình thì có
nghĩa là chúng ta đang che dấu, che lấp đi cơ hội biểu thị thực trạng tâm
trạng của người dân trước một vấn đề xã hội," nhà phản biện, Giám đốc
Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo Phát triển cộng đồng (RTCCD) nói với BBC từ Hà Nội.
Biểu tình phải theo Đảng?
Tại cuộc tọa đàm bàn tròn thứ Năm về chủ đề biểu tình và quyền
biểu tình ở Việt Nam, một khách mời từ Sài Gòn, bà Nguyễn Trang Nhung, kỹ sư công
nghệ thông tin, đã bình luận về khoảng trống luật pháp do luật biểu tình bị trì
hoãn.
Người đã tham gia và là nhân chứng trong cuộc biểu tình phản đối
cá chết hàng loạt bị chính quyền giải tán ở Sài Gòn đầu tháng Năm nói với BBC:
"Tôi nghĩ việc trì hoãn của luật biểu tình trong suốt 10 năm
qua là biểu hiện của sự sợ hãi của chính quyền khi mà xu thế của đất nước càng
ngày càng dân chủ.
"Và đó cũng là biểu hiện của việc cố gắng bám lấy quyền lực
mà họ (chính quyền) có thể không giữ được trong bao lâu nữa," bà Trang Nhung nói.
Một khách mời bàn tròn khác, nhà báo, blogger Huỳnh Ngọc Chênh, người đã theo
dõi các cuộc biểu tình ở Sài Gòn các ngày 01 và 08/5, cũng như đã tuyên bố tọa
kháng vào ngày 15/5 để phản đối vụ cá chết hàng loạt và cách hành xử của nhà
cầm quyền 'trấn áp' nặng tay người biểu tình, như ông tuyên bố, nói:
"Còn Hiến pháp đã ghi người dân có quyền biểu tình, thì không
cần luật người dân vẫn làm.
"Cái gì nhà nước không cấm thì người dân làm được, nhưng mà họ
vẫn không cho đi biểu tình, họ vẫn đàn áp, và có luật biểu tình thì cũng vậy,
và có khi có luật biểu tình lại còn khó đi biểu tình hơn.
"Ví dụ như họ nói đi biểu tình cũng cần có sự lãnh đạo của
Đảng (cộng sản VN), cũng như là việc lập đoàn, lập đoàn thể xã hội, luôn luôn
các đoàn thể được lập ra khi có sự lãnh đạo của Đảng, có người của Đảng trong
đó, thì tôi nghĩ đi biểu tình (khi) có luật biểu tình cũng vậy.
"Họ chỉ cho phép những cuộc biểu tình mà có sự lãnh đạo của
Đảng trong đó thì mới được đi biểu tình, thì lúc đó người dân càng khó có cơ
hội để đi biểu tình," nguyên Thư ký Tòa soạn báo Thanh niên nói với BBC.
Thử chọn cách thức khác
Hôm 14/5, Tiến sỹ, Bác sỹ Trần Tuấn nêu quan điểm với BBC, đề xuất
một giải pháp khác với lối 'ngăn chặn, đối phó biểu tình' mà chính quyền Việt
Nam thực hiện vừa qua và từ trước tới nay, nhà phản biện xã hội nói:
"Nếu chúng ta chọn phương án không muốn biểu tình xảy ra thì
có thể phải tổ chức các hình thức khác để người dân thể hiện về vấn đề đó.
Chẳng hạn trong trường hợp này có thể là để cho các nhà khoa học và ngay cả
Quốc hội tổ chức những sinh hoạt cho các nhà khoa học đứng lên trình bày để
phân tích và thảo luận những vấn đề đó. Hoặc tổ chức những buổi họp báo,
những buổi công cộng cho người dân thể hiện chất vấn trao đổi với các nhà
khoa học hoặc những người có trách nhiệm về vấn đề này.
"Tóm lại nếu như trong xã hội có sự bức xúc thể hiện tình
cảm ở một vấn đề nào đó đến mức mà nó mãnh liệt lên. Mức độ đó nếu như không
được giải quyết có thể xảy ra những hậu quả khác nhau. Vấn đề đặt ra với
những người lãnh đạo mà quan tâm đến những vấn đề an ninh xã hội là làm sao
giải tỏa được bức xúc đó.
"Nó có thể là dồn nén của nhiều vấn đề khác ví dụ như vấn đề
ngộ độc thực phẩm, rồi những vấn đề về môi trường nước, môi trường đất đang
bị thoái hóa, bây giờ là môi trường biển."
Và từ góc độ phản biện khoa học, nhà nghiên cứu nói thêm:
"Nếu như chúng ta không giải quyết mà cứ để bị tích tụ, tình trạng biểu
tình nhiều hay ít là do bức xúc bị tích tụ không được giải nén. Thế nên biểu
tình là hình thức, theo tôi đứng về mặt sức khỏe tâm trí, là môt cái gì đó tốt
để cho người dân thể hiện ra. Khi người ta thể hiện ra thì người ta xả ra những
cái mà chúng tôi tạm gọi là tích tụ trong tâm can của họ.
"Nếu như người ta được giải phóng ra những chuyện đấy rồi
thì chúng tôi cho rằng lại tránh được những hậu quả xảy ra. Còn như nếu mà
chặn biểu tình, mà chặn theo hình thức giống như là việc đàn áp chẳng hạn,
thì có khi lại dẫn đến những hậu quả đáng tiếc hơn.
"Quan điểm của tôi là nên tổ chức biểu tình cho người dân thể
hiện tình cảm, nhìn nhận, cảm xúc của họ trước những vấn đề nóng của xã hội.
Nếu chúng ta nhìn nhận biểu tình một thái độ tích cực như thế, tức là một
hình thức đo lường mức độ quan tâm của người dân đối với một vấn đề,"
Tiến sỹ Trần Tuấn nói với BBC.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment