Mô hình kinh tế Trung Quốc trong giai đoạn « chuyển tiếp »
Với mức 6,9 % cho cả năm 2015, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc rơi
xuống mức thấp nhất từ 25 năm qua. Từ ngành công nghệ xe hơi đến địa ốc đều bị chựng
lại, tiêu thụ nội địa còn quá yếu kém để trở thành lực đẩy. Thêm vào đó là lo
ngại từng ngày trên các thị trường tài chính. Trung Quốc đi tìm một mô hình
phát triển mới. Giai đoạn chuyển tiếp đầy thách thức đang mở ra trước mắt giới
lãnh đạo Bắc Kinh.
Ngày 19/01/2016, Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố tỷ lệ tăng
trưởng của năm 2015 : tổng sản phẩm nội địa của quốc gia này chỉ đạt 6,9 % và đây là mức thấp nhất kể từ năm 1990. Đó là thời
điểm Trung Quốc bị cô lập sau vụ đàn áp phong trào dân chủ Mùa Xuân Bắc Kinh.
Tổng cục Thống kê Trung Quốc cũng đã nhấn mạnh đến «
giai đoạn chuyển tiếp » của mô hình kinh tế nước này. Tiến trình
chuyển tiếp đó dựa theo một số hướng như sau : một là đẩy mạnh tiêu thụ nội
địa, hai là phát triển mảng dịch vụ và giảm bớt trọng lượng của ngành công
nghiệp nặng trên bàn cờ kinh tế Trung Quốc.
Về điểm thứ nhì, lần đầu tiên, các hoạt động trong lĩnh vực dịch
đem về đến 50,5 % GDP của nước này, và đây là lĩnh vực trong năm 2015 có được
tỷ lệ tăng trưởng 8,3 %.
Ngân hàng Trung Tín, trụ sở tại Bắc Kinh lạc quan cho rằng nền
kinh tế thứ 2 trên toàn cầu « chưa được ổn định nhưng đang từng
bước lấy lại thăng bằng ». Tuy nhiên các chuyên gia độc lập, và
nhiều trung tâm nghiên cứu quốc tế không mấy tin tưởng vào bức tranh màu hồng
nói trên và không chia sẻ thái độ lạc quan này.
Mức
độ tin cậy của thành tích tăng trưởng 6,9 %
Trong báo cáo đề ngày 12/01/2016, ngân hàng Anh Royal Bank of
Scotland đưa ra nhận định: « Trung Quốc đang trên đà điều
chỉnh sâu rộng cơ cấu kinh tế, việc đó sẽ đem lại những hậu quả rất to lớn (…)
Bắc Kinh không thể tiếp tục kéo dài thời gian bằng cách cứ bơm thêm tiền vào hệ
thống kinh tế ».
Để bảo đảm có được đà tăng trưởng trên 10 % cho tới những năm gần
đây, Trung Quốc đã chấp nhận để cho núi nợ lớn dần. Mô hình này, theo Royal Bank
of Scotland đã đụng tới mức giới hạn của nó. Trung Quốc giờ đây đang phải đối
mặt với hiện tượng thất thoát tư bản và cần phải phá giá đồng tiền để duy trì
lợi thế trong lĩnh vực xuất khẩu.
Cơ quan tư vấn Anh, Fathom Consulting trụ sở đặt tại Luân Đôn, cam
chắc là nền kinh tế Trung Quốc đang hạ « cánh một cách nặng nề ».
Tỷ lệ tăng trưởng thật sự của nước này chỉ dao động ở vào khoảng từ 2 đến 4 %,
một thành tích thấp hơn rất nhiều với con số 7 % được Bắc Kinh đưa ra.
Nói một cách đơn giản : không mấy ai tin tưởng vào báo cáo chính
thức của Trung Quốc về « thành tích tăng trưởng »,
khi biết rằng, chỉ số tiêu thụ điện của Trung Quốc trong ba năm qua giảm 20 % ;
hoạt động trong ngành vận tải đường sắt năm 2015 giảm 10 % so với thời điểm của
năm 2010 ; cùng thời kỳ chỉ số sản xuất công nghiệp cũng đã giảm 10 % ; giá
thành sản phẩm của Trung Quốc liên tục sụt giảm trong 42 tháng liên tiếp.
Giới quan sát cho rằng, trong những điều kiện đó, tăng trưởng của
nền kinh tế thứ hai toàn cầu gần với mức 3,8 % trong tài khóa 2015 hơn là
ngưỡng 7 % như các thống kê của Bắc Kinh cho thấy.
Phép
lạ kinh tế của Trung Quốc hết thiêng ?
Vậy đâu là những thách thức của Trung Quốc ? Vào lúc tăng trưởng
bị chựng hẳn lại, nợ công theo thẩm định của cơ quan tư vấn Mỹ McKinsey đã nhân
lên gấp 4 trong vỏn vẹn 7 năm từ 2007 đến 2014, nhảy vọt từ 7.000 tỷ đô la lên
thành 28.000 tỷ, lớn gấp 2,8 lần so với GDP ; tiêu thụ chỉ bảo đảm có 30 % tổng
sản lượng nội địa, trong lúc tỷ lệ đó tại châu Âu là 60 % và tại Mỹ là 70 %.
Nhìn lại mô hình phát triển của Trung Quốc, được Đặng Tiểu Bình áp
dụng từ cuối thập niên 1970, chủ yếu dựa trên hai yếu tố : đầu tư và nguồn nhân
lực dồi dào của nước đông dân nhất địa cầu. Trung Quốc nhờ đó trở thành «
công xưởng của thế giới ». Vào năm 2008-2009 khi nổ ra cuộc khủng
hoảng tài chính xuất phát từ Hoa Kỳ, thì Trung Quốc vững tâm nhờ có một khoản
dự trữ ngoại tệ hơn 3.000 tỷ đô la.
Gần bốn thập niên trước, lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã
đánh cuộc vào sức lao động của gần một tỷ đôi tay để tạo nên phép lạ kinh tế
cho Trung Quốc. Từ đó tới nay, mức lương trung bình của người dân xứ này đã
tăng mạnh. Chìa khóa thứ nhì đem lại thịnh vượng kinh tế cho nước đông dân nhất
hành tinh là vốn đầu tư vào các phương tiện sản xuất. Có điều giờ đây Trung
Quốc đang trong hoàn cảnh đầu tư « quá tải ». Đầu tư vào
Trung Quốc không còn có lãi.
Từ năm 2010, những gì tạo nên phép lạ kinh tế của Trung Quốc như
đã đến lúc bão hòa. « Phép lạ » kinh tế của
quốc gia này đã « hết thiêng » ?
Chuyên
gia về Trung Quốc giảng dậy tại học viện Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông
(INALCO), giáo sư Jean-François Huchet trả lời :
«
Có thể nói là Trung Quốc đang bước vào giai đoạn chót của chu kỳ tăng trưởng
thần kỳ. Câu hỏi đặt ra là liệu tỷ lệ tăng trưởng của quốc gia này sẽ có rơi
xuống mức khoảng từ 3 đến 4 % một năm hay không. Tôi nghĩ là không, bởi vì
Trung Quốc hãy còn nhiều tiềm lực. Chắc chắn một điều là Trung Quốc không thể
nào tìm lại những tỷ lệ tăng trưởng từ 8 tới 10% và thậm chí là có lúc đã lên
tới 12 % một năm như trong giai đoạn 25 năm vừa qua.
Một
số chuyên gia cho là trong tương lai, kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ tăng ở vào
khoảng 2 % một năm. Tôi nghĩ dự phóng đó quá bi quan bởi vì, Trung Quốc là một
quốc gia với gần 1,3 tỷ dân và một phần trong số đó có sức mua rất lớn.
Bên
cạnh đó, Trung Quốc đang chuyển hướng mô hình kinh tế, từ một "công xưởng
sản xuất của thế giới", quốc gia này thu hẹp trọng lượng của ngành công
nghiệp để phát triển mảng dịch vụ và tài chính. Trung Quốc cũng là một nền kinh
tế năng động và muốn lấy sức mua nội địa làm động cơ cho tăng trưởng. Có điều
trước mắt hoạt động của ngành công nghiệp nặng và xây dựng tăng chậm lại, đầu
tư vào hai lĩnh vực đó bắt đầu giảm. Nói cách khác, hai đầu máy tăng trưởng của
cỗ xe kinh tế Trung Quốc trong những thập niên 80-90 đang bị chựng lại, nhưng
tôi tin là chỉ một thời gian ngắn, Trung Quốc sẽ tìm được những lực đẩy kinh tế
khác ».
Nợ công Trung Quốc đã tăng lên gấp 4 lần trong thời gian ngắn kỷ
lục từ năm 2007 đến 2014 ; 500 tỷ đô la dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc tan chảy
vì các biện pháp bơm tiền hỗ trợ kinh ; từ 3.000 đến 5.000 tỷ đô la «
bốc hơi » trên thị trường tài chính Trung Quốc. Đó là những tin xấu
dồn dập được phát đi từ Trung Quốc, nơi sản xuất ra đến 13 % của cải toàn cầu.
Nhưng điều gây hoang mang hơn cả là tỷ lệ tăng trưởng của quốc gia này đang từ 12
% năm 2010 nay đã rơi xuống còn chưa đầy 7 %.
Đọc thêm : Trung
Quốc giảm dự phóng tăng trưởng 2014
Tăng
trưởng bị chựng lại hay đây chỉ là giai đoạn để « tái cân bằng » chiến lược
phát triển ?
Theo giải thích của Bắc Kinh, đây là hậu quả tất yếu trong tiến
trình cải tổ cơ cấu : chuyển từ một mô hình lấy xuất khẩu là chủ đạo sang một
mô hình mà ở đó tiêu thụ nội địa mới là động lực chính đem lại tăng trưởng.
Từ khi nào Trung Quốc bắt đầu tiến trình chuyển đổi để từ công
xưởng của thế giới trở thành một nền kinh tế hiện đại ? Nhà địa lý học Thierry Sanjuan,
giáo sư đại học Paris 1 Sorbonne, phân tích :
«
Theo tôi, mô hình phát triển của Trung Quốc đã thực sự thay đổi kể từ năm 2008.
Từ thời điểm đó, tỷ lệ tăng trưởng đã rơi xuống dưới ngưỡng 10 % một năm. Thêm
vào đó, bộ mặt xã hội và toàn cảnh địa lý của quốc gia này cũng đã thay đổi :
dân thành thị ngày càng đông, một tầng lớp trung lưu chiếm một trọng lượng lớn
hơn trong xã hội và số này bắt đầu có khả năng mua nhà …
Trong
một chừng mực nào đó, đã có một sự cân bằng lại giữa nông thôn và thành thị.
Nhưng đồng thời, hiện tượng này lại dẫn tới những mối bất cân đối khác, xuất
phát từ những công cuộc cải cách đã được khởi động từ 30 năm qua. Trung Quốc đã
hủy hoại môi trường vì chạy theo tăng trưởng bằng mọi giá ».
Một trong những vấn đề chính khi đề cập đến Trung Quốc là tính tin
cậy của các thống kê chính thức, giáo sư Jean-François Huchet, học viện INALCO,
đánh giá :
«
Đối với một số thống kê, thì câu trả lời là không. Thí dụ như thống kê về thất
nghiệp : từ 40 năm qua, lúc nào tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc cũng đứng
nguyên ở mức 4 %. Trong khi đó, vào những năm 1990 khi Trung Quốc cải tổ khu
vực kinh tế nhà nước, theo nghiên cứu của Ngân Hàng Thế Giới, một số những lĩnh
vực liên quan đã phải sa thải rất nhiều công nhân, số người thất nghiệp trong
những lĩnh vực này đã lên tới 20 %. Tức là 1 trên 5 người lao động đã phải nghỉ
việc. Nhưng điều đó thì chính quyền không nói tới.
Tỷ
lệ 4 % thất nghiệp không phản ánh đúng sự thực của thị trường lao động Trung
Quốc, tuy nhiên được giải thích như sau : hầu hết giới làm công ăn lương Trung
Quốc không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Ngược
lại trong ngành ngoại thương, thống kê của Trung Quốc là đáng tin cậy bởi vì
hàng xuất khẩu của Trung Quốc được bán ra bên ngoài, và nước mua vào thì có
thống kê đầy đủ. Nhìn chung, thì nhà cầm quyền Bắc Kinh cần dựa vào các con số
thống kê để lèo lái chính sách kinh tế chung cho cả nước. Tôi nghĩ là tỷ lệ
tăng trưởng thực sự của Trung Quốc không khác là bao so với các con số chính
thức được đưa ra ».
Giải
pháp nào cho Trung Quốc ?
Nhà địa lý học Thierry Sanjuan, đại học Paris 1 phân tích : «
Về mặt nhất thời, thì phải nói tới khủng hoảng trên thị trường tài chính. Nhưng
nhìn sâu hơn vào vấn đề, thì Trung Quốc vẫn chưa cắt đứt mối liên hệ giữa tầng
lớp làm kinh tế với các quan chức địa phương. Tới nay, các hoạt động kinh tế ở
bất kỳ nơi nào cũng đều có bàn tay được các chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện...
Thậm chí họ còn là những nhà đầu tư trực tiếp… Tất cả những điều đó khiến kinh
tế Trung Quốc tựa như một chiếc hộp đen, không biết có những gì ở bên trong ».
Trong những thập niên 1990, Trung Quốc cải tổ hệ thống các doanh
nghiệp nhà nước cỡ vừa và nhỏ, giờ đây, theo chuyên gia Jean-François Huchet,
thuộc học viện Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông, đã đến lúc phải nhắm tới các đại
tập đoàn, cắt đứt các « kênh liên hệ » giữa
chính quyền, giữa đảng với các công ty nhà nước. Nhưng bên cạnh đó, trở ngại
lớn nhất đối với Trung Quốc là vấn đề hiệu quả của mỗi một đồng vốn được đầu tư
vào hệ thống kinh tế của quốc gia này :
«
Quả thật là tới nay, đồng tiền Trung Quốc thấp hơn trị giá thực sự, nhân công
rẻ, khiến xuất khẩu dễ dàng. Nhưng đồng thời Trung Quốc bị vấn đề : đầu tư
không hiệu quả, năng suất đầu tư thấp, đặc biệt là trong ngành xây dựng. Tiêu
thụ tăng chậm hơn so với mức đầu tư. Giờ đây, tỷ lệ tăng trưởng bị chựng lại,
thành thử, Trung Quốc bắt buộc phải đẩy mạnh trục tiêu thụ nội địa.
Vấn
đề đặt ra là có ít nhất ba yếu tố khiến sức mua và tiêu thụ ở Trung Quốc không
tăng : một là lương tăng không nhanh, hai là do không có hệ thống an sinh xã
hội người dân tiết kiệm thay vì tiêu xài. Lý do thứ ba : lãi suất rất thấp,
không mấy ai hăng hái bỏ tiền vào ngân hàng để kiếm lời. Nếu tiền lời tăng, thì
người ta mới chịu khó bỏ tiền vào ngân hàng, và đó cũng là một nguồn thu nhập
tốt, để tiêu thụ. Những yếu tố đó bắt đầu đang thay đổi từng bước. Nhưng đối
với tầng lớp trung lưu, thì tiết kiệm tốt nhất vẫn là mua nhà. Từ đó tạo ra quả
bóng địa ốc ».
Tỷ lệ tiết kiệm của Trung Quốc hiện nay dao động từ 30 % đến 40 %
thu nhập của các hộ gia đình.
Vào lúc chính quyền Bắc Kinh còn đang đi tìm một mô hình phát
triển mới, thì các nhà tư bản - kể cả Trung Quốc lẫn người được ngoài đều chỉ
có một mục đích duy nhất : đi tìm những mảnh đất màu mỡ dễ kiếm lời. Từ 12 tháng
qua, trung bình, hàng tháng có khoảng 150 tỷ đô la được rút ra khỏi thị trường
Trung Quốc để chuyển hướng đầu tư về phía các địa bàn hoạt động thuận lợi hơn.
Đó cũng là một thách thức lớn của Bắc Kinh.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment