Phải chăng đó là tâm lý nô lệ?
Nguyễn Đình Cống
I-
SỰ KIỆN
Đại hội ĐCSVN 12 sắp họp mà BCH TƯ khóa 11 chưa thông
qua được danh sách 4 vị chủ chốt sắp tới của Đảng và Nhà nước. Trước việc đó dư
luận xã hội có những nhận định khác nhau, tạm ghép vào trong 4 nhóm sau :
Nhóm
A – Trách móc. Đây là tâm trạng của
số đông. Khi gặp nhau họ hỏi “ Đã biết ai vào tứ trụ chưa”. Một số bài báo tỏ
ra băn khoăn với các câu đại khái như: “ Dư luận sốt ruột, không biết các
vị ở bên trên làm gì mà tại hội nghị trung ương 13 vẫn chưa chọn ra được
phương án nhân sự chủ chốt của Đảng và Nhà nước”.
Nhóm
B – Chờ đợi. Đó là quan điểm của
những người đã thấy được sự mâu thuẩn gay gắt, sự tranh giành quyền lực đến hồi
quyết liệt giữa các phe phái trong chóp bu của Đảng. Sự tranh giành này sẽ dẫn đến
đấu đá còn mất hoặc sự thỏa hiệp (như đã từng xảy ra thỏa hiệp ở ĐH IX để Nông
Đức Mạnh lên ngôi). Họ quan sát và đợi chờ để rồi hy vọng hay thất vọng.
Nhóm
C – Mặc kệ. Thái độ này là của số
đông người chỉ lo làm ăn mà ít hoặc không quan tâm đến chính trị vì có quan tâm
thì cũng chẳng làm được gì. Ai lên rồi cũng thế thôi.
Nhóm
D – Phê phán. Ý kiến này là của
những người có ý thức và hoạt động vì dân chủ. Họ cho rằng cách làm của trung
ương cũ là tiếm quyền của ĐH đảng và Quốc hội, là phản dân chủ. Bầu Tổng bí thư
đảng là việc của đại hội, ít nhất cũng là việc của BCH TƯ khóa mới chứ không
phải do BCH cũ chọn lựa sẵn rồi đưa ra bầu ở ĐH cho có hình thức. Bầu Chủ tịch
nước, Chủ tịch quốc hội, Thủ tướng là việc của Quốc hội khóa mới chứ không phải
của TƯ đảng khóa cũ.
II-
BÌNH LUẬN
Phần đông người ở nhóm A, B, C đều cho việc Trung ương khóa 11 lựa
chọn Tứ trụ của đất nước sắp tới là việc làm cần thiết, phù hợp với truyền
thống. Họ phần nào tin vào lời tuyên truyền về trách nhiệm cao của TƯ 11 lo
lắng cho nhân sự tương lai. Tôi suy nghĩ về điều tưởng như là tốt đẹp đó, bỗng
nhận ra sự dối trá được ẩn dấu và nhất trí với ý kiến phê phán, cho rằng TƯ 11
đã tiếm quyền một cách trắng trợn, ngoài ra còn nhận thấy số đông những người
trong các nhóm A, B, C là có tâm lý nô lệ.
Dân tộc Việt Nam nhiều năm bị thống trị bởi phong kiến, thực dân.
Sau khi làm cách mạng vô sản, tưởng là được hưởng nền tự do dân chủ nhưng thực
ra chỉ là thay sự thống trị này bằng sự thống trị khác. Trong tình hình đó một
số không ít người đã quen với tâm lý nô lệ. Đó là việc phó mặc cuộc đời của
mình lệ thuộc vào người khác, có việc gì thì không muốn, không thể, không dám
suy nghĩ để nêu ra ý kiến của mình mà chỉ dựa dẫm vào ý của người có chức
quyền. Trong quá trình cầm quyền ĐCSVN đã kịp huấn luyện, áp đặt cho số đông
nhân dân nhận thức và tình cảm sau: “Mọi thứ có được bây giờ đều là nhờ công ơn
Đảng, mọi việc của đất nước, của nhân dân đã có Đảng lo. Đảng lãnh đạo toàn
diện do đó mọi việc Đảng quyết định hết thảy, dân chỉ biết phục tùng”. Như vậy
thì đúng là Đảng biến dân và đảng viên thành nô lệ về tinh thần, về tư tưởng,
về tâm lý.
Một số người trong nhóm Trách móc có thể hỏi: “Chúng tôi sốt ruột,
lo lắng đến lãnh đạo của đất nước, sao lại bảo là có tâm lý nô lệ”. Xin thưa,
tâm lý nô lệ ở chỗ chờ đợi sự lựa chọn và áp đặt của người khác mà mình không
có chính kiến. Sẽ là không nô lệ khi có suy nghĩ và có chính kiến của mình. Một
số trong nhóm Chờ đợi sẽ hỏi “Chúng tôi biết và vạch trần sự đấu đá của chúng
nó, có theo chúng nó đâu mà bảo là nô lệ”. Xin thưa, không dám bảo các
bạn là nô lệ của ai cả, mà chỉ là có tâm lý nô lệ, đó là việc các bạn chấp nhận
họ có quyền làm việc đó dù có hay không xảy ra đấu đá, tranh giành. Những người
nhóm D không chấp nhận việc làm của họ, đó là sự tiếm quyền ngay cả khi họ
thống nhất, không có mâu thuẩn phe phái.
Phải phân biệt thật rõ giữa gợi ý, giới thiệu và áp đặt. Trong
việc bầu cử ở đại hội, nấp dưới danh nghĩa giới thiệu mà thực chất là áp đặt. Trong
ĐCSVN cũng như trong phần lớn nhân dân VN tồn tại một khẳng định rằng Tứ trụ là
do Trung ương cũ bầu chọn, việc đưa ra ĐH Đảng hoặc Quốc hội chỉ là hình thức.
Mà nguy hiểm thay, sự bầu chọn của TƯ 11 không phải nhằm tìm ra người thật sự
xứng đáng để lãnh đạo đất nước mà chủ yếu là sự đấu tranh hoặc nhượng bộ nhau
để chia ghế giữa các phe nhóm. Càng nguy hiểm hơn khi tâm lý nô lệ không phải
chỉ ở trong các đảng viên thường mà còn ngự trị trong một số đại biểu dự
đại hội 12, họ đến ĐH với đầu óc trống rỗng, sẵn sàng bỏ phiếu theo sự hướng
dẫn, điều vô cùng quan trọng đối với họ là niềm tự hào được ghi vào lý
lịch là đại biểu ĐH Đảng. Có ý kiến cho rằng việc quan trọng nhất của một
ĐH là nhân sự, thế mà việc đó đã được hội nghị của BCH cũ giải quyết xong, thế
thì tổ chức ĐH làm gì cho tốn kém? Việc BCH TƯ đảng khóa cũ quyết định các danh
vị chủ chốt của nhà nước sắp tới không những là tiếm quyền mà còn là một sự sỉ
nhục đối với Quốc hội, biến một số đại biểu Quốc hội thành người chỉ biết ngoan
ngoãn bấm nút bỏ phiếu.
III-
ĐỀ NGHỊ
Để rủ bỏ tâm lý nô lệ đã có một số người ưu tú đi tiên phong trong
việc khai dân trí, chấn dân khí. Các đại biểu dự ĐH Đảng, các đại biểu Quốc hội
cũng thuộc thành phần ưu tú của dân tộc. Nhân dân trông chờ các vị phát huy trí
tuệ và lòng dũng cảm để tự mình loại bỏ tâm lý nô lệ và giúp nhân dân vươn lên
làm chủ vận mệnh. Cụ thể là tại ĐH 12 các đại biểu nên đấu tranh đòi quyền được
bầu trực tiếp Tổng bí thư với điều kiện có ít nhất 2 ứng viên, các ứng
viên phải trình bày, đối thoại , tranh luận công khai về chương trình công tác.
Các vị cũng nên bác bỏ danh sách để bầu BCH TƯ và Bộ chính trị do TƯ 11 lựa
chọn và áp đặt. Tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội (sẽ bầu vào tháng
5/2016), các đại biểu QH cũng đấu tranh để bầu Chủ tịch nước và Chủ tich Quốc
hội với nội dung tương tự, không chịu mang tiếng có tâm lý nô lệ, để cho Trung
ương Đảng khóa 11 áp đặt một ứng viên duy nhất.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN
__._,_.___
No comments:
Post a Comment